Hàng nghìn ha lúa hè thu vẫn chưa thu hoạch xong |
Để phòng đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi bão đổ bộ vào, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương hủy các cuộc họp không cần thiết để chống bão.
Nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền vào bờ
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCBL - TKCN Hà Tĩnh thông tin, trong công điện gửi các đơn vị, địa phương Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND các huyện, thị xã ven biển bằng mọi biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Nhiều tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại các âu tránh trú bão |
Theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến bão; cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...
Các địa phương, Cty thủy lợi triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công dở dang. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời. Đồng thời, chuẩn bị phương án “4 tại chỗ” ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Nhiều hồ chứa đã đầy nước
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCBL - TKCN Hà Tĩnh toàn tỉnh có 6.102 tàu thuyền với 17.676 lao động nhưng hiện đang có hơn 1.800 tàu thuyền hoạt động trên biển. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ 480 tàu với 2.570 người; tàu đánh bắt ven bờ có 1.370 tàu với 4.328 người đã liên lạc và nắm bắt được thông tin về bão số 10. Tại vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh có 152 tàu với 875 người; tại vùng biển Bình Thuận - Vũng Tàu có 3 tàu, 34 người; vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi có 6 tàu, 36 người; đánh bắt ven bờ hoạt động từ vùng biển Nghệ An đến Quảng Bình có 1.370 tàu với 4.328 người.
Nhiều hồ chứa đã đạt 100% mực nước thiết kế nên nếu xảy ra mưa lớn sẽ rất nguy hiểm |
“Hiện chưa kiểm soát được chính xác số lượng tàu thuyền vào bờ, vì vậy lực lượng chức năng đang tìm mọi cách để thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn”, ông Ngô Đức Hợi cho hay.
Cũng theo ông Hợi, lo ngại bão lớn là một chuyện, hậu bão có thể gây mưa lớn diện rộng còn đe dọa an toàn của các hồ chứa. Theo đó, hiện nay dung tích các hồ chứa hầu hết đạt từ 54% - 100% dung tích thiết kế, một số hồ lớn như Kẻ Gỗ đang ở mức 208/345 triệu m3 (đạt 60,3% dung tích thiết kế và 480,4% so với cùng kỳ 2016); hồ Sông Rác có dung tích nước 68/124,5 triệu m3 (đạt 54% dung tích thiết kế và đạt 213% so với cùng kỳ 2016). Đây là năm các hồ chứa lớn có mực nước cao so với cùng kỳ trong hơn 10 năm trở lại đây.
Trong cuộc họp khẩn chỉ đạo phòng chống bão chiều 13/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời đường đi của cơn bão để người dân chủ động ứng phó. Tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn; huy động mọi lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; bảo vệ và thu hoạch cây ăn quả.
Đối với hồ đập phải cử người trực 24/24h để chủ động điều tiết mực nước; lên phương án di dời dân vùng ven biển và vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...
Tác giả: THANH NGA
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam