Tuy nhiên, thực tế BHXH Hà Tĩnh chỉ quản lý được 2.370 đơn vị (chiếm 74%) với tổng số lao động đăng ký tham gia BHXH là 65.200 người (84%). Đến hết năm 2010, toàn tỉnh còn trên 400 đơn vị nợ 12,3 tỷ đồng BHXH.
Trong năm 2010 vừa qua, BHXH Hà Tĩnh đã chi các chế độ cho các đối tượng hưu trí, mất sức lao động, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trị giá trên 1.400 tỷ đồng. Công tác quản lý thu, chi Quỹ BHXH được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh với Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc giám sát công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2010, diễn ra vào chiều ngày 10/2, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động BHXH vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm đóng nộp; số lao động thực tế tham gia đóng BHXH thấp hơn so với quy định; cơ quan quản lý Nhà nước chưa nắm được tình hình hoạt động và việc thực hiện ký hợp đồng lao động của các doanh nghiệp; công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH còn hạn chế; trình độ chuyên môn một số cán bộ cơ quan BHXH còn bất cập, chưa tham mưu, đề xuất được biện pháp xử lý, khắc phục tồn tại trong công tác quản lý và thu nợ BHXH…
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trần Tiến Dũng cho rằng, những kết quả đạt được của BHXH Hà Tĩnh thời gian qua rất đáng ghi nhận, song, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi đối tượng; có cơ chế phối hợp với các ngành, các cấp để triển khai có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm, đồng thời, xây dựng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện rộng khắp tại các đơn vị cấp xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
t.l
Baohatinh