“Gia đình tôi cũng vậy, vào Tây Nguyên lập nghiệp bằng nghề phát rẫy, trồng cà phê. Thế nhưng, sau bao nhiêu năm phiêu bạt, bây giờ trở về thăm quê mới thấy sự thay đổi chóng mặt.. Mình cảm thấy có lỗi, quê mình bây giờ đã được công nhận là xã đạt chuẩn về Nông thôn mới rồi mà mình chưa giúp được gì cho quê hương cả” – Đây là một tâm sự rất thật lòng của Nguyễn Viết Thông (hiện cư trú tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc) trong những ngày về thăm lại cố hương.
“Đi từ không tới có” để “biến khó thành dễ”
Đồng lúa xuân ở Thạch Long.
Không chỉ có ông Thông mà bao nhiêu gia đình nằm trong hoàn cảnh ấy, trong thời khắc lịch sử: “Năm tám mươi, gạo tám mươi. Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Riêng xã Thạch Long, một xã nằm ở vùng đất cát bạc, những giai đoạn ấy lại càng khốn khổ bởi hạn hán và bão lũ thường xuyên đe đọa, khiến con người dẫu cần cù bao nhiêu cũng khó thoát khỏi đói nghèo. Thế nhưng, bây giờ tới đất Thạch Long ở đâu cũng thấy thắp sáng màu xanh trên vùng đất cát bạc.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phi Trương cho rằng: “Mỗi cuộc cách mạng ở mỗi giai đoạn đều có những thuận lợi và khó khăn khác nhau. Ai cũng biết thuận lợi thì phát huy, khó khăn thì khắc phục. Nhưng cái giải pháp đề ra đều phải rất cụ thể. Điều quan trọng là Đảng và chính quyền mạnh, tạo được sự đồng hành trong nhân dân..”.
Ông Nguyễn Phi Trương đưa một số dẫn chứng, nhằm để tôi hiểu hơn vì sao xã Thạch Long lại xây dựng được Nông thôn mới. “Đi từ không tới có” để “biến khó thành dễ”, trước hết những người cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương vừa thuyết phục vận động nhân dân vào cuộc, vừa biết điều hành những nội dung đã được hoạch định từ nghị quyết cấp ủy, những kế hoạch triển khai trong công việc hàng ngày.
Là một vùng đất với diện tích hơn 5,7 km2, dân số hiện tại hơn 6000 người, xã có 9 thôn ( riêng thôn Lộc Thủy ) là công giáo toàn tòng.
Theo ông Trần Việt Hà – Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà: “Bài học đầu tiên đã trở thành mô hình mẫu về xây dựng Nông thôn mới, chính là Thạch Long luôn biết phát huy được tinh thần đoàn kết lương giáo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thạch Long là xã động viên được được hàng trăm con em lên đường bảo vệ tổ quốc. Nếu cha xứ ngày xưa ra tận bến đò để đưa tiễn con em nhập ngũ, với lòng thành “kính chúa và yêu nước “, thì hôm nay lòng thành của các linh mục ở xứ Lộc Thủy đó là vận động bà con chung sức xây dựng nông thôn mới.”
Muốn tốt đời, đẹp đạo, lương giáo phải đoàn kết thương yêu nhau
Tôi đi theo một cán bộ mặt trận xã xã Thạch Long về thăm xứ đạo Lộc Thủy, gặp cha xứ Lê Trọng Châu tại nhà thờ.
Nghề đóng thuyền ở Lộc Thủy
Xứ đạo Lộc Thủy hiện tại có hơn 600 hộ giáo dân, hầu hết các gia đình đều có nhà cửa khang trang, không ít nhà được con đi lao động xuất khẩu nước ngoài về trợ giúp tiền của đã xây cao hai đến ba tầng, cả xứ đạo có tới 10 ô tô, số hộ nghèo bây giờ giảm xuống chỉ còn 0,4%.
Linh mục Lê Trọng Châu không giấu được niềm vui nói với tôi rằng : “Ở đâu, dân cũng biết đoàn kết lương giáo như ở đây thì cuộc sống sẽ đầm ấm và hạnh phúc. Suy cho cùng sự thánh thiện của con người bằng những việc làm nhân nghĩa hàng ngày, đó cũng là những điều giáo dân thực hiện tốt theo lời răn của chúa. Muốn tốt đời, đẹp đạo, lương giáo phải đoàn kết thương yêu nhau.”
Ông Nguyễn Hùng Vĩ, Bí thư đảng ủy xã Thạch Long cho hay: “Sở dĩ Thạch Long xây dựng được nông thôn mới thành công, chính là nhờ sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của ban chỉ đạo nông thôn mới từ huyện tới xã, từ xã tới thôn. Đối với xứ đạo Lộc Thủy, chúng tôi đánh giá cao vai trò của cha xứ Lê Ngọc Châu trong việc thuyết phục vận động nhân dân, góp công, góp của, hiến đất xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng”.
Thực tế, một xã muốn kinh tế – văn hóa- xã hội ổn định và phát triển bền vững, “cái gốc” là từ các thôn xóm phải phát triển bền vững trước. Từ một thôn gương mẫu mới nhân rộng được các thôn khác làm theo. Ở xã Thạch Long, không chỉ có cán bộ xã “cầm tay chỉ việc”, “nói ít, làm nhiều”, mà các trưởng thôn cũng hăng hái làm việc công, thầm lặng hy sinh lợi ích riêng mình. Nhờ vậy, xã Thạch Long mới tạo dựng được phong trào toàn diện.
Theo báo cáo của UBND xã Thạch Long: “Việc xây dựng Nông thôn mới đã tạo nên “cú hích” lớn cho Thạch Long thay đổi toàn diện. Các mô hình phát triển kinh tế được tiếp tục triển khai như mô hình trồng cỏ, nuôi bò tại thôn Đan Trung, mô hình trồng lạc tại thôn Nam Giang.. Nhiều thôn trong xã đã vận động nhân dân hiến hàng ngàn cây cối các loại, 10.000m2 đất ở, 500 m2 hàng rào và hàng trăm ngày công như thôn Đại Đồng, Nam Giang..”
Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ, xây dựng Nông thôn mới chính là tiền đề để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong 19 tiêu chí để thực hiện, có lẽ khó khăn nhất việc làm và môi trường. Để “tháo gỡ” cho hai tiêu chí này, cấp ủy và chính quyền địa phương xã Thạch Sơn vừa tư vấn cho dân có con em trong độ tuổi lao động bằng hai hướng chính: hướng đi lao động xuất khẩu nước ngoài, hướng tìm việc làm trong nước. Nhưng muốn có việc làm, có thu nhập cha mẹ nên động viên con vào các trường dạy nghề. Những con em lao động nước ngoài, cán bộ xã không chỉ giúp đỡ họ về mọi thủ tục giấy tờ, mà còn tư vấn cho họ việc vay vốn ngân hàng để họ an tâm đi lao động.
Chính nhờ sự quan tâm sâu sát này, trong nhiều năm qua xã Thạch Long đã có hàng ngàn thanh niên đi XKLĐ ở nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Hầu hết những thanh niên ở quê đi ra đều chăm chỉ làm ăn, chấp hành tốt kỷ luật đối với các doanh nghiệp nên có thu nhập cao. Một số con em gia đình khác khi tham gia học các trường dạy nghề đã tự kiếm việc làm ở nhiều tỉnh, thành trong nước, hoặc trau dồi nghề nghiệp của mình ngay tại quê. Khi lớp trẻ ở xã Thạch Long khao khát cống hiến và tìm được việc làm, họ không chỉ giảm bớt sự lo toan của từng gia đình, mà lực lượng nòng cốt này đã tham gia giúp cha mẹ bằng nguồn tiền tiết kiệm và họ cũng thấy trách nhiệm và vinh dự của mình đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Qua thâm nhập thực tế ở từng thôn, chúng tôi thấy, khi mọi người đều có việc làm và thu nhập ổn định, không những thay đổi cuộc sống, còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Thạch Long đã trở thành một làng từ nhiều năm qua không có thanh niên dính với những tiêu cực nguy hiểm của xã hội. Tất cả mọi người dân đều có ý thức chấp hành pháp luật và kỷ cương phép nước.
Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, những gì có giá trị về thẩm mỹ và giá trị mang tính nhân văn lịch sử vẫn được bảo vệ và tôn tạo. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, gia đình nào, thôn xóm nào cũng có ý thức gìn giữ vệ sinh cho gia đình mình và cho cả cộng đồng. Hàng tuần, các thôn xóm đều tổ chức ra quân, thu gom rác thải đều đặn. Là một xã có mật độ dân cư dày nên việc chăn nuôi của bà con ở đây không thể nuôi lợn theo quy mô lớn được. Mặc dầu nuôi theo quy mô nhỏ, nhưng các gia đình cũng thiết kế chuồng trại khoa học, tuyệt đối không gây ô nhiễm với cư dân đang sinh sống.
An sinh về xã hội và an sinh về môi trường chính là nền tảng để xã Thạch Long ( Thạch Hà) vững vàng bước trên con đường làm ăn mới. “Một tín hiệu xanh ở vùng đất bạc” đã trở thành mẫu hình mới của huyện Thạch Hà.
Tác giả: Phan Thế Cải
Nguồn tin: Báo Infonet