Phóng sự
Khó khăn bắt nguồn từ trong quan niệm…
Từ trước đến nay, hầu như những người nhận làm nghềgiúp việc đều là nông dân ở quê. Họ hoặc là tranh thủ lúc mùa vụ nhàn rỗi hoặc là trẻ em con nhà nghèo khoảng 14 – 15 tuổi phải nghỉ học kiếm tiền… Phần lớn họ đều quan niệm đây là một nghề không chính thức, không được tôn trọng và đáng xấu hổ. Vì thế mà chính họ và người thân đều không muốn làm việc này hoặc giả nếu làm cũng không muốn công khai với hàng xóm, láng giềng. Chính vì mặc cảm tự ti đó mà họ không thực sự chuyên tâm trong công việc và có thể bỏ việc bất kỳ lúc nào.
Chị Nguyệt – nhân viên Ngân hàng cho biết: “Trước khi tôi chuẩn bị sinh nở, gia đình tôi đã nhờ vả khắp anh em, bạn bè tìm kiếm người giúp việc và mặc dù có rất nhiều người có thể đi làm việc này nhưng rồi chẳng ai đồng ý vì ngại với hàng xóm, láng giềng. Chồng tôi phải thân chinh về quê, đến nhà người ta thuyết phục mãi họ mới đồng ý đi với giá 3 triệu đồng/tháng và không quên lời dặn “nếu có ai hỏi thì cứ nói là dì đến giúp”. Thực ra vì quá cần người chứ mức giá đó là quá cao so với đồng lương của vợ chồng tôi. Khi bà ấy đến, chúng tôi cũng sắp xếp chỗ ở đàng hoàng, mua quần áo mới và đối xử với bà như người thân nhưng chỉ được 1 tháng, con cái liên tục gọi điện vào nói này nói kia thế là lấy cớ phải về đi cấy, bà ấy nghỉ hẳn. Giờ thì chồng tôi lại đang phải lặn lội đến các vùng quê để tìm người giúp việc”.
Giống như chị Nguyệt, nhiều gia đình ở thành phố đều lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi người giúp việc tự ý nghỉ việc giữa chừng vì rất nhiều lý do. Hoa – người giúp việc ở Kỳ Trinh cho biết: “Em nghỉ học từ năm 14 tuổi và được người quen giới thiệu giúp việc ở đây 4 năm rồi. Lúc đầu lương tháng 1,5 triệu nhưng bây giờ nhà chủ trả em 2 triệu, ngoài ra mỗi năm cũng còn được mấy bộ quần áo. Tính ra cũng được chị ạ nhưng em lớn rồi, phải tìm việc khác chứ làm oshin khó lấy chồng. Em và mấy đứa bạn đang tính ra Tết vào Nam làm công nhân may”. Nghe Hoa nói cũng có lý mặc dù tính về kinh tế thì chưa chắc phương án của em đã hơn nghề oshin.
Bên cạnh đó cũng có những người chủ động tìm đến nghề giúp việc và mặt trái của vấn đề này như thái độ kiêu căng, hách dịch, hoạnh họe… khi nắm bắt được nhu cầu của gia chủ cũng gây khó khăn rất nhiều trong việc tìm kiếm oshin. Chị Dung – nhân viên y tế cho biết: “Mấy hôm trước tôi vừa cho một chị nghỉ việc vì những đòi hỏi rất quá đáng. Cậy thế việc tìm kiếm người giúp việc khó khăn chị đã ép giá chúng tôi, chưa đủ, trong quá trình làm việc chị còn chành chọe, viện cớ xin nghỉ quá nhiều. Mình đi làm kiếm tiền đâu có dễ, cực chẳng đã mới phải thuê người giúp việc, thế mà họ lại còn dòi hỏi thế này thế nọ, đến mức sướng hơn cả chủ nhà thì thôi, đành cho nghỉ việc để tìm người khác”.
Cần có sự chuyên nghiệp hóa
Người giúp việc cần được đào tạo trước khi đến làm tại các gia đình. Ảnh: Internet
Mặc dù nhu cầu lớn nhưng hiện tại hầu hết các gia chủ đều phải tự tìm kiếm người giúp việc, tự thỏa thuận giá và phải đào tạo việc nhà cho họ. Có những gia đình may mắn thì tìm được người giúp việc thật thà, nhanh nhẹn có thể quán xuyến được việc nhà cửa, cơm nước, đưa đón con cái đi học và quan trọng là họ làm việc lâu dài nhưng vẫn còn nhiều trường hợp dở khóc dở cười với vấn đề này. Anh Lưu – nhân viên bán hàng một công ty cho biết: “Mấy tháng trước gia đình tôi vừa tìm được một chị giúp việc ở quê, mặc dù chị chưa biết sử dụng đồ gia dụng nhiều nhưng được cái chăm chỉ. Hàng ngày vợ tôi phải kèm cặp, hướng dẫn chị cách sử dụng đồ đạc cũng như nấu ăn. Tưởng thế là ổn nhưng đến lúc quen việc thì chị lại xin nghỉ. Thế là công cốc”. Trên thực tế, trường hợp như anh Lưu không ít. Vấn đề nảy sinh ở đây chính là cần có những công ty quản lý, đào tạo, cung cấp người giúp việc nhằm tạo sự ràng buộc pháp lý giữa người giúp việc với chủ nhà. Nếu ký hợp đồng lao động với những thỏa thuận hợp lý thì những trường hợp oái oăm như trên sẽ khó có thể xẩy ra đổi lại, quyền lợi của người lao động cũng sẽ được đảm bảo hơn.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được thì hiện nay đã xuất hiện một số cá nhân chuyên môi giới cung cấp người giúp việc. Chỉ cần một cú điện thoại và nói rõ yêu cầu thì khoảng mấy ngày sau người này sẽ dẫn mối tới, giá cả do chủ nhà và người giúp việc tự thỏa thuận. Theo cách này, chủ nhà được phép thử việc 1 tuần, nếu đồng ý nhận người làm thì phải trả chi phí môi giới là 700.000 đồng. Nghe ra thì việc này có vẻ thuận lợi nhưng kỳ thực rất mạo hiểm bởi thực tế người giúp việc không được đào tạo và người môi giới cũng không chịu bất kỳ trách nhiệm trong những vấn đề nảy sinh về sau. Có nhiều người vì nhu cầu gấp gáp đã lựa chọn cách này nhưng hiệu quả thì cũng ở mức độ vừa phải, thậm chí nhiều người mất tiền mà việc cũng chẳng xong.
Tết Nguyên Đán đang cận kề, nguy cơ về sự nghỉ việc giữa chừng của oshin sau kỳ nghỉ cũng đang khiến nhiều gia đình phải tìm cách níu kéo bằng cách tăng lương, mua quà Tết…Tuy nhiên giải pháp đó chưa chắc đã giữ chân được những người làm nghề vì họ rất dễ bị người thân hay hàng xóm láng giềng hoặc tác động. Và khi chưa xuất hiện những công ty chuyên về lĩnh vực này thì bước chân của các gia đình thành phố còn lắm gian truân trên con đường tìm kiếm người giúp việc./.
Anh Hoài – Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh