Kinh tế

Hà Tĩnh: Thi công đường kiểu “nhảy cóc”, dân bị “nhốt” trong nhà

Thi công “chắp vá” dân khốn khổ vô cùng!

Hàng trăm hộ dân sống dọc đê La Giang ở 2 xã Đức Nhân và Yên Hồ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang hết sức khốn khổ, khi trời mưa xuống họ không thể ra khỏi nhà do tuyến đường gom chân đê bị ngập nước và đầy bùn đất.

Một người dân địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là xuất phát từ quá trình thi công tuyến đường gom chân đê không được thực hiện một cách đồng bộ. Nguồn vốn phân bổ hàng năm cho việc duy tu, sửa chữa theo kiểu “nhỏ giọt” nên nhà thầu đã triển khai theo kiểu “nhảy cóc” – thi công từ đoạn đầu rồi nhảy đến đoạn cuối, bỏ qua đoạn giữa nên mỗi khi trời đổ mưa, nước từ mái đê chảy xuống, nước ở những đoạn đã thi công đổ dồn lại, gây cho những đoạn chưa được thi công bị ngập rất nặng khiến cho những hộ dân ở đây không thể ra khỏi nhà.

hatinh24h

Dù nắng ráo cả tuần nhưng đoạn đường ven đê ở thôn Trung Hậu, xã Yên Hồ vẫn bị ngập nước.

Để tìm đường đi làm vào những ngày mưa, người dân nơi đây chỉ còn cách là men theo những đoạn kè bê tông hoặc bắc ván theo dọc mái đê làm cầu để “vượt lũ”.

Tình trạng ngập úng, bùn đất lầy lội ở khu vực này diễn ra thường xuyên. Bởi vì trước đó, trong quá trình thi công xây dựng đê La Giang, Tập đoàn Xuân Thành đã đổ kè bê tông chắn mái nổi lên, khiến mặt đường gom trũng xuống làm cho việc thoát nước hết sức khó khăn.

Ông Trịnh Xuân M. 65 tuổi, sống ở đây cho biết: “Khi mùa mưa đến, việc một số tuyến đường gom ngập nước là chuyện bình thường. Có những đoạn đường, do không có chỗ thoát nước nên việc ngập kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng. Nhiều khi mưa to, nước từ mái đê chảy xuống tràn qua đường gom rồi chảy vào nhà dân hết”.

Đức Nhân và Yên Hồ là hai xã có hàng chục tuyến đường gom lâm vào tình trạng ngập úng thường xuyên, kéo dài, trong đó có 3 thôn nặng nhất là Tiến Hòa, Trung Hậu và Quý Vượng, thuộc xã Yên Hồ.

Vì thường xuyên phải chịu cảnh ngập úng, “cô lập”, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên Chi cục Quản lý đê điều Hà Tĩnh và đơn vị thi công nhưng tình trạng ngập úng vẫn không ngừng diễn ra. Mới đây nhất, người dân xã Yên Hồ đã phản ánh sự việc lên tới HĐND và Ban chính sách Xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Để ngăn cho nước khỏi vào nhà, người dân phải đắp đất ngăn lại.

Trao đổi với PV, ông Trần Hải- Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Hiện nay xã Yên Hồ có 03 điểm đường gom thường xuyên bị ngập úng, gây ảnh hưởng đi lại cho trên 200 hộ dân. Tình trạng trên là do phía nhà thầu thi công hai đầu dồn lại dẫn đến những đoạn ở giữa bị ngập. Chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần có đề xuất với Ban quản lý đê điều và yêu cầu nhà thầu thi công đoạn nào xong đoạn đó để tránh tình trạng ngập úng nhưng không hiệu quả.

Vốn duy tu nhỏ lẻ thì chỉ làm được thế!

 

Bình thường, nước ngập sâu  từ 20 – 30cm và kéo dài cả tháng khiến người dân nơi đây đang gặp muôn vàn khó khăn trong việc và đi lại.

Làm việc với chúng tôi, ông Ngô Văn Hợi – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết, xẩy ra tình trạng trên là do vốn duy tu sửa chữa hàng năm ít nên không thể thực hiện được. Hàng năm xin nguồn được bao nhiêu thì thi công bấy nhiêu. Việc phải thi công tuyến đường gom phục vụ một số hộ dân ven đê ở các xã nói trên là do khi xây dựng đê La Giang, Tập đoàn Xuân Thành đã đổ mái kè chắn quá dốc nên những hộ dân dưới chân đê không thể đi được nên tuyến đường gom đã phát sinh.

Mỗi năm vốn duy tu sửa chữa chỉ được từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng nên việc thi công phải chọn những điểm xung yếu làm trước nên mới chắp vá như vậy.

Một cán bộ ở Chi cục Quản lý đê điều Hà Tĩnh cho biết: “Tuy vốn duy tu sửa chữa ít nhưng không phải dễ xin. Để có được các tuyến đường gom đó là phải nhờ đến đơn vị thi công có quen biết ở ngoài Tổng cục Thủy lợi mới xin được”.

Lê Thông – Trần Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP