Hà Tĩnh: Thê thảm trạm y tế xã phục vụ cho gần 8000 dân ven thành phố.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trạm y tế xã Cẩm Vịnh có hai dãy nhà chức năng thì hiện dãy nhà gồm có 3 phòng phục vụ sinh đẻ, hậu sản, khám phụ khoa được xây dựng cách đây gần 30 năm đã xuống cấp nghiêm trọng.
Tại dãy nhà này, phần móng bị lún. Hầu hết tường nhà bị nứt nẻ. Chân tường một số phòng bị lở vữa trát nham nhở. Mái bị thấm dột dẫn đến hệ thống điện thắp sáng, phục vụ khám chữa bệnh bị rò rỉ. Do đó, hơn một năm nay, quản lý trạm đã buộc phải cắt điện. Dãy nhà này gần như bị đóng cửa, chỉ còn hoạt động trong nỗi lo sợ vào những lúc thời tiết thuận lợi.
Dãy nhà còn lại dùng để thăm khám, cấp phát thuốc, điều trị bệnh cho người dân và phòng làm việc của cán bộ trạm cũng chẳng khá hơn, tường nứt nẻ, mái thấp mốc meo. Nguyên nhân do thời gian (xây năm 1994), khí hậu khắc nghiệt, trong đó có trận lũ lịch sử 2010, c.
Phòng tiêm chủng mở rộng, chật chội, thấm dột, trời mưa to nước chảy thẳng xuống phòng. Tình trạng xuống cấp nên những ngày thực hiện tiêm chủng định kỳ hàng tháng, Trạm đã phải thực hiện tiêm chủng cho trẻ bên ngoài sân có mái che, hoặc để máy móc trên thềm khi triển khai khám sàng lọc.
Do thiếu thốn phòng ốc nên một số trang thiết bị, máy móc được các dự án y tế hỗ trợ như máy siêu âm, máy xét nghiệm, máy in phim, máy đo đường huyết nằm đắp chiếu, chưa thể đưa vào phục vụ nhân dân.
Một trong những vấn đề rất đáng lo ngại ở đây là hệ thống nước sạch không có, phải sử dụng nguồn nước giếng nhiễm phèn nặng. Do sử dụng lâu năm nên giếng đã xuống cấp, ô nhiễm, nước gần như chỉ phục vụ cho việc vệ sinh.
Vậy nhưng trạm y tế này vẫn thực hiện công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho hơn 1.500 hộ dân, hơn 3.000 sinh viên của trường Đại học Hà Tĩnh, trong đó có sinh viên đến từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc….
Là người gắn bó, công tác nhiều năm tại Trạm Y tế xã Cẩm Vịnh, ông Đào Tiến Thắng cho hay: “Do cơ sở vật chất xuống cấp, nên những năm qua việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Chưa nói đến những ca kíp khó, mà những trường hợp nhẹ, nằm trong tầm thăm khám, điều trị ban đầu của chúng tôi, người dân cũng không muốn đến trạm, họ chuyển ngay lên tuyến huyện, tuyến tỉnh”.
Chính những khó khăn trên nên ông Thắng cho hay, Trạm Y tế Cẩm Vịnh dù có nỗ lực thì cũng khó đạt được chuẩn y tế quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Là một địa bàn giáp với thành phố Hà Tĩnh, nhưng công tác khám chữa bệnh của người dân gặp nhiều khó khăn, khiến chúng tôi thực sự rất trăn trở, băn khoăn. Xã muốn đầu tư nâng cấp trạm y tế xã nhưng nguồn lực có hạn, ngay cả đầu tư xây dựng kênh mương, đường sá phục vụ đi lại, sản xuất của bà con cũng đã gặp khó khăn”, ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, để giải bài toán nâng cao công tác khám chữa bệnh cho người dân chính quyền xã chỉ còn cách chờ sự hỗ trợ của nhà nước.
Văn Dũng