Ấm nắng xuân hồng
Từ Thủ đô Hà Nội, vượt hơn 400km, chúng tôi đã có mặt tại xã biên giới Hương Liên (Hương Khê) vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dọc đường vào bản Rào Tre của người Chứt, băng rôn khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Những nụ đào phơn phớt bung nở khẽ rung rinh theo gió và làn mưa xuân lất phất… Trong tiết trời giá lạnh, ông Hồ Púc nở nụ cười: “Trước đây, ăn uống đói khổ, bệnh tật nhiều lắm. Nhờ có sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và cán bộ biên phòng, chúng tôi đã có những cái Tết không còn lo đói”. Tiếp lời ông Hồ Púc, bà Hồ Thị Lịnh chia sẻ: cũng như mọi năm, tết năm nay, các hộ ở bản vui mừng đón nhận các suất quà của lãnh đạo địa phương và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Đó là nguồn động viên to lớn, góp phần giúp người Chứt đón Tết vui tươi.
Tiếp tục theo chân anh cán bộ Biên phòng tỉnh, chúng tôi ghé thăm xã Hương Vĩnh. Dù đã hơn 9 giờ sáng, nhưng sương mù vẫn còn dày đặc. Con đường dẫn vào bản Bản Giàng 2 hoa cải vàng rực ấm áp. Ở đầu bản, 4 thiếu nữ ngồi rửa lá dong nói cười rôm rả như xua tan đi cái giá lạnh… Rót bát nước chè xanh mời khách, chị Hồ Thị Hường chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân, con thơ dại, nhiều năm liền là hộ nghèo của bản. Vì vậy, có ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, mẹ con tôi rất mừng. Tôi hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bộ đội biên phòng và các cấp chính quyền…”.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc tết bà con vùng biên giới huyện Hương Khê. Ảnh: Tiến Dũng |
Rời các thôn, bản của huyện Hương Khê trong sắc xuân ngập tràn, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan, rạo rực trên từng khuôn mặt bà con nơi đây… Có lẽ, xuân năm nay với họ khác hẳn so với những xuân qua, bởi đây là mùa xuân mà đời sống của người dân đã có sự đổi thay đáng kể... Trong những căn nhà thấp thoáng giữa núi rừng ấy đã có tivi, điện sáng, nước sinh hoạt cùng đầy đủ phương tiện đi lại…
Tiết trời nắng nhẹ, dòng sông Ngàn Phố vẫn thao thiết chảy về xuôi để hợp lưu cùng sông La, Ngàn Sâu, hòa vào sông Lam và đổ ra biển cả… Dẫu không sinh ra từ mảnh đất Hương Sơn, nhưng mỗi lần về đây, chúng tôi lại cảm nhận được lắng dưới dòng trong xanh Ngàn Phố là lớp lớp trầm tích của văn hóa con người nơi đây. Những mạch nguồn phù sa của dòng sông không chỉ bồi tụ nên những làng quê trù phú mà còn kiến tạo nên truyền thống văn hóa cách mạng của vùng đất này… Ghé thăm căn nhà mới kiên cố của bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tân Mỹ Hà), chúng tôi thấy rõ niềm vui trên khuôn mặt của bà: “Năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới, tôi vô cùng phấn khởi và hạnh phúc, không nghĩ cuộc đời mình có thể hoàn thành được giấc mơ này”.
Còn với ông Lê Trọng Quyên, xã Kim Hoa - thương binh 2/4, ngôi nhà kiên cố do Bộ Tư lệnh Quân khu 4 trao tặng trước thềm năm mới này là ước mơ “xa xỉ” với vợ chồng ông… Trong câu chuyện với ông Quyên, chúng tôi cảm nhận được tinh thần lạc quan, sự biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đã quan tâm gia đình ông cũng như những hộ khó khăn khác.
Tạm biệt Hương Sơn, dừng chân tại xã ven biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Xuân này Cẩm Nhượng như khoác lên mình “chiếc áo mới”, xen lẫn vị mặn mòi của biển cả là những âm thanh cuộc sống nhộn nhịp hiện đại, hiện hữu trong những ngôi nhà khang trang... Ngư dân Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Trung bình mỗi đêm ra khơi, chúng tôi thu về từ 10 - 15 triệu đồng. Những ngày cuối năm, tàu thuyền trúng đậm hải sản nên ngư dân có động lực hơn để tiếp tục bám biển, với mong muốn có một cái Tết đủ đầy.
Những ngày này, con sông Rào Cái dường như cũng nôn nao hơn khi hòa cùng niềm vui của cư dân một vùng rộng lớn từ lưu vực Ngàn Mọ (Cẩm Vịnh) đến lưu vực sông Sót, sông Hộ Độ được gia nhập vào thành phố Hà Tĩnh giàu trầm tích văn hóa và nhiều cơ hội đổi mới, phát triển… Ông Trương Ngọc Phúc tâm sự: bà con rất phấn khởi vì sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, nhất là về văn hóa, giáo dục, y tế... Khi lấy ý kiến Nhân dân, 93,7% người dân đồng tình. “Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hộ Độ, tôi sẽ quán triệt hội viên phát huy truyền thống người lính cụ Hồ, gương mẫu đi đầu, góp phần xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu đẹp”, ông Phúc chia sẻ.
Khơi dậy các giá trị truyền thống của quê hương
Suốt một dải Lam Hồng từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, đâu đâu cũng bắt gặp bức tranh non nước ngời sáng, tươi đẹp... Hà Tĩnh hôm nay đã vươn dậy sức vóc trẻ trung với những gam màu rực rỡ. Mùa xuân đã ngập tràn khắp vùng đất Lam Hồng!
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, với sự điều hành linh hoạt, phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, thời cơ phát triển, tỉnh Hà Tĩnh đã bứt phá, gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, năm 2024, tăng trưởng GRDP đạt 7,48%, xếp thứ 8/14 các địa phương trong vùng; thu nội địa đạt 9.600 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.603 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch… Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong những điểm sáng đi đầu trong xây dựng nông thôn mới với 100% số xã đạt nông thôn mới.
Ngoài những thành tựu về kinh tế còn phải nhắc đến những kết quả nổi bật về công tác an sinh xã hội. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,41%… Đặc biệt, niềm vui đón năm mới dường như được nhân lên khi cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác; Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast khởi động từ tháng 12…
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc Tết người có công, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Chặng đường phát triển sau 194 năm thành lập và 34 năm tái lập tỉnh của Hà Tĩnh đã mang lại nhiều trải nghiệm sâu sắc, nhiều bài học kinh nghiệm quý. Và có lẽ, điều tâm đắc của địa phương là đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh “mềm” của truyền thống anh hùng, giá trị văn hóa của quê hương, những phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của người Hà Tĩnh... Có thể nói, những thành tựu đó là động lực để tỉnh bứt phá vươn lên, hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước. “Kết quả đó là nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo sát sao của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo; sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hà Tĩnh vẫn còn những hạn chế. Như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh (cuối tháng 12.2024): tăng trưởng của tỉnh còn phụ thuộc vào các dự án trọng điểm, chưa có các động lực tăng trưởng mới; chưa phát huy hết tiềm năng, dư địa trong lĩnh vực thương mại, cảng biển, dịch vụ, du lịch, bất động sản, khai thác hạ tầng khu công nghiệp…
Để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cho biết: Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cấp chính quyền… Đồng thời, quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với tinh thần làm dứt điểm từng việc, không chờ đợi.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút dự án nông nghiệp lớn tạo động lực tăng trưởng cho ngành; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án trọng điểm; thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ, du lịch… Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa 2025 - 2035; khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương…
“Tin rằng, trên nền tảng những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh sẽ viết tiếp truyền thống anh hùng, quyết tâm biến những thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như lời căn dặn của Bác Hồ: Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên… để vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Ghi chép của Diệp Anh
Nguồn tin: daibieunhandan.vn