Trung tâm tỉnh lỵ, tỉnh thành Hà Tĩnh ( năm 1833) và Thị xã Hà Tĩnh sau này (1924) tuy không lớn nhưng đã ghi dấu những đau thương anh dũng và sáng ngời nhân văn của biết bao thế hệ người Thành Sen.Thành phố Hà Tĩnh đến ngày 15-6-2012 vừa tròn 5 tuổi nhưng đã mang trong mình khí chất sông núi và những trầm tích văn hóa suốt dọc chiều dài 180 năm.
Miền quê sơn thủy hữu tình
Nói đến cảnh non xanh nước biếc, người ta nghĩ ngay đến các vùng quê Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân…mà ít ai nghĩ đến Thị xã Hà Tĩnh. Nhưng nói về phong thủy, Thị xã Thành Sen là một vị trí đắc địa. Thời kỳ vua Minh Mạng giao cho tỉnh thần nghệ An, Hà Tĩnh chọn đất đặt thành, sử chép: “ Tổng đốc, Tuần Vũ cũng với giám thành chọn được chỗ đặt xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà. Địa thế cao ráo rộng rãi, đằng trước có núi Cảm Sơn, lại có một dải sông dài chảy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên nối với sông Nài giang, dưới chảy ra cửa Sót.Đó là một khu đất đẹp. Họ bèn xin đóng tỉnh thành ở đấy”…Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh trong một tác phẩm của mình đã viết: “Đây là mảnh đất miền biên giới phía nam nước với những di chỉ của người nguyên thủy. Một hòn đảo nhỏ nhỏ nổi lên giữa vùng nước biển, sau khi biển rút trở thành ngọn đồi giữa vùng đồng lầy hoang vắng. Cảm Sơn, ngọn đồi nhỏ chưa quá vài chục mét cao nằm trên đất xã Đại Nài nên tục gọi là rú Nài. Đứng giữa vùng ruộng đồng, làng xóm tươi xanh, rú Nài xinh như một hòn non bộ”
Cảnh núi Nài gắn với sông Nài, đó là đoạn sông Rào Cái chảy qua phía Tây Nam, vòng lên phía đông bắc xã Đại Nài. Bờ bắc là phủ thành Hà Hoa, Hà Thành xưa, về sau là phủ lỵ Thạch Hà nên người dân thường gọi là sông Phủ. Núi Nài, sông Phủ hòa quyện với nhau tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, làm nên gương mặt thị xã Thành Sen. Người xưa có nói: Núi cứ gì phải cao, sông cứ gì phải sâu. Núi Nài là bồn địa giữa đồng bằng chứa đựng trong nó nhiều trầm tích. Xưa trên núi có đủ miếu và chùa. Sông Phủ tuy không lớn nhưng uốn lượn ôm một vùng Đại Nài, nối với Thạch Quý ở đoạn cuối sông Cụt (Tân Giang) rồi theo sông Đồng Môn về cửa Sót, ra biển cả. Thê núi hình sông đã kiến tạo nên những tên đất tên người mang đậm bản sắc văn hóa. Núi Nài đó, năm 1965 đã ghi lại sự tích trận đầu thắng Mỹ của quân dân Hà Tĩnh bắn rơi 8 máy bay Mỹ, đánh tan uy thế không lực Hoa Kỳ. Dưới chân núi còn ghi lại dấu tích của nhà thơ, nhà quân sự, dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ từng về ở ẩn, truyền bá ca trù. Sông Phủ ghi dấu nhiều chiến công của quân dân Hà Tĩnh trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ. Miền quê sông Phủ núi Nài là nơi sinh trưởng và là không gian sáng tạo của các nhà thơ Lê Huy Quang, Phạm Ngọc Cảnh, danh họa Nguyễn Phan Chánh, nhà văn Văn Linh, nhà phê bình văn học Hồ Tôn Trinh, dịch giả Thanh Minh…
Tỉnh thành Hà Tĩnh thời Pháp
Về vị trí địa lý của Thị xã Hà Tĩnh, có thể nói đây là một vùng đất đặc biệt vì có núi Nam Giới, núi Bằng Sơn và Cửa Sót án ngữ phía Đông Bắc, Trường Sơn dựng thành lũy ở phía Tây, biển ở phía Đông cách 10 km nên hầu như quanh năm không có lũ lụt, hạn hán ít, bão lốc triều cường đều đã “được bỏ sót” nói như cách nói của dân gian. Nhiều cụ già cho biết: họ đã sống gần một thế kỷ nhưng chỉ có trận lũ 2010 là lớn nhất nhưng cũng chỉ nước ngập đầu gối các tuyến đường, không gây chết người hại của. Nhờ dãy Trường Sơn che chắn và nhờ biển điều hòa gió mát nên không có hoặc rất ít gió Lào, nhiệt độ mùa hè thấp hơn nhiều nơi khác, độ ẩm cao thuận lợi cho cây cối sinh trưởng. Mùa Đông vùng này cũng đỡ lạnh và ít mưa phùn gió bấc hơn. Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi” ấy cộng với con người hiền hòa, giàu lòng yêu nước, hiếu học, trọng nhân nghĩa…là những yếu tố cần thiết cho sự đi lên của một đô thị lớn ở Hà Tĩnh. Một Thị xã bình yên trong quá khứ là điểm tựa cho một thành phố hiện đại văn minh trong tương lai.
Thành Sen tỏa ngát hương sen
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đầy dấu ấn của thành phố Hà Tĩnh, đó là những câu chuyện liên quan tới loài sen. Tương truyên ngày đặt lại tỉnh, xây tỉnh thành vào năm 1882, ở hào đạo thành Đại Nài và ao hồ vung lân cận có rất nhiều sen. Bỗng sau một đêm mưa to gió lớn, sen dồn về cả ở hào thành Trung Tiết. Vua Tự Đức thấy điềm lạ bèn cho đặt thêm một mỹ từ khác chỉ tỉnh thành Hà Tĩnh, đó là Liên Thành (Thành Sen). Dù chỉ là huyền thoại nhưng câu chuyện ấy như một cơ duyên để vùng đất này gắn với loài hoa thơm thảo, thanh cao mà rất đỗi khiêm nhường. Và câu chuyện của mùa hè cách đây 55 năm là sự thật lịch sử.
Ngày 15-6-1957, nhân chuyến về thăm quê, Bác Hồ đã vào thăm Hà Tĩnh. Sau các cuộc gặp gỡ trò chuyện với cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, trưa hôm ấy, trên chiếc cầu ao hồ sen Tỉnh ủy, cạnh Hào Thành, trong ngào ngạt hương sen mùa hạ, Bác của chúng ta với bộ quần áo nâu giản dị, đôi chân trần đã trò chuyện với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Như một vị hiền triết phương Đông, Bác đã đọc một câu ca dao về sen. Người Thành Sen coi đó là hồng ân của lịch sử, vì vậy, cho đến hôm nay, dù Bác đã đi xa hơn 40 năm nhưng những lời dặn dò và hình ảnh của Người vẫn còn đọng mãi trong các thế hệ người dân Thành Sen.
Suốt dọc hành trình giữ nước của dân tộc cũng như trên chặng đường đổi mới, cái thị xã tỉnh lỵ yên bình mang tên loài sen ấy luôn chứa đựng những sức mạnh to lớn của lòng yêu nước, tình thần quật khởi, ý chí đầu tranh cho độc lập tự do và sự giàu mạnh văn minh của đất nước. Đây là nơi thành lập chi bộ Tân Việt đầu tiên do thầy giáo Nguyễn Sĩ Sách gây dựng ở Trường Tiểu học Pháp Việt vào năm 1925. Chi bộ cộng sản đầu tiên với những tên tuổi Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Trần Thị Hường, Nguyễn Đình Chuyên…trong thời kỳ trứng nước của cách mạng đã nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh trong lòng nhân dân. Gương xả thân vì nghĩa lớn và sự hy sinh anh dũng của họ trở thành ánh sáng soi rọi cho muôn đời. Những người kế tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc sau này như: Lê Bình, Lâm Phước Thọ, Dương Chí Uyển, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Viết Hồng, Nguyễn Sĩ Thành, Trần thị Hòa, 10 cô gái Núi Nài…đã làm rạng danh tên tuổi đất Thành Sen. Đặc biệt, sự xuất hiện thêm hai người con gái cùng mang tên Trần Thị Hường (chị Trần Thị Hường ở Đông Quế là một trong 10 cô gái Đồng Lộc; chị Trần Thị Hường ở Bắc Hà chiến đâu trong Tiểu đội 12, 7 ly dân quân tự vệ) cùng hy sinh khi còn trong trắng đã làm cho “ba đóa hoa Hường” của Thành Sen thêm ngát hương.
Đất nước hòa bình, những người con trai, con gái đất Thành Sen theo lời Bác dạy góp sức mình làm nên diện mạo mới của quê hương. Trong sự đổi thay từng ngày của thị xã có giọt mồ hôi, bàn tay và khối óc của người dân Thành Sen. Những gò đất hoang vu lạnh lẽo mang dấu ấn của một thời đói khổ chết chóc, đau thương như Hồ Dâu, Cồn Cồ, Đỗ Đen… mãi mãi lùi vào quá vãng, thay vào đó những con đường, tuyền phố rộng rãi và đẹp mắt..Những ký ức buồn của một thị xã nghèo đói, nô lệ, bị tàn phá trong chiến tranh sẽ làm cho mỗi người dân Thành Sen hôm nay càng biết trân trọng, gìn giữ những gì mình được nhận từ các thế hệ đi trước, biết làm nên hy vọng cho ngày mai .
Thành phố bình minh.
Những ngày này, khi thành phố náo nức mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5, tôi lại một mình dong xe dọc đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Du… Ngắm những tòa nhà hiện đại, công viên , bồn hoa, cây cảnh vào lúc bình minh lên, lòng bồi hồi nhớ lại những dòng ghi chép trong cuốn sách đã cũ màu thời gian của nhà NCVH Thái Kim Đỉnh: Những ngày đầu, Thị xã chỉ có 8 khu phố nhỏ hẹp, nhiều con đường lầy lội, duy nhất chỉ có một tuyến đường nhựa dài khoảng 1 km chạy dọc phố chính Lucien Lemaire (sau này gọi là Phan Đình Phùng). Người ta gọi cái thị trấn 4400 dân là thị xã nhờ có chợ tỉnh và chính quyền, sau này thêm sân vận động. Không có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, đên năm 1940 dân và công sở vẫn thắp đèn dầu, đèn điện năm 1941 mới có nhờ cái máy phát điện nhỏ của ông Nguyễn Thành Thông, mà cũng chỉ phục công sở và dân phố. Nước ngọt khan hiếm, dân phải dùng nước của Hồ Dâu, hồ Xã Tắc và các ao hồ khác. Tôi cũng không thể nào quên ký ức nhọc nhằn của gia đình mẹ tôi những ngày thơ bé với cảnh buôn thúng bán mẹt, chân lấm tay bùn, nợ nần đói khổ. Đó cũng là cảnh chung của đa phần người dân Thị xã gần 70 năm trước.
Một góc đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nhưng hôm nay, từ bàn tay khối óc của bao thế hệ lãnh đạo và người dân, thành phố của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Những người xa quê lâu ngày khó tìm thấy chốn cũ mình từng sinh sống. Trong cuộc gặp gỡ mới đây, ông Trần Thế Dũng- Chủ tịch UBND Thành phố phấn khởi nói với tôi: “Những gì thành phố có được hôm nay là cả một chựng đường dài, nhưng 5 năm qua đã đánh dấu những thay đổi vượt bậc. Nổi bật nhất là những con số: Tổng giá trị sản xuất năm 2011 đạt 1403 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2007, CN, TTCN, xây dựng cơ bản chếm 62,3%, TM-DV chiếm 33%, nông nghiệp và thủy sản chỉ giữ 4, 56%. Thu ngân sách hàng năm tăng 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/ năm, tăng 1,5 lần so với 2007. 100% hộ đùng điện thắp sáng, 80% hộ được sử dụng nước sạch. Quy mô dân số mở rộng với 93.000 dân, diện tích 56,63 km2…..Thành phố đã quy hoạch 7 khu đô thị mới với 1000 ha v.v”
Thành phố buổi bình minh còn nhiều việc phải làm, nhiều nét quê mùa lạc hậu cần phải thay đổi. Chặng đường đến với văn minh hiện đại còn phải trải qua nhiều gập ghềnh lo toan nhưng nhớ lời Bác dạy 55 về trước, với nền tảng truyền thống văn hóa và cách mạng, Thành Sen sẽ vững vàng đi tới những cột mốc mới. Một thành phố bình yên nhưng luôn năng động và phát triển là kỳ vọng và mục tiêu phấn đấu của đảng bộ và nhân dân Thành phố Hà Tĩnh.
Bùi Minh Huệ
Báo Hà Tĩnh