Tại huyện Hương Sơn, địa phương chịu thiệt hại nặng do lũ quét, lũ ống, hàng trăm ngôi nhà và các công trình phúc lợi bị hư hỏng nặng, bên cạnh đó nhiều diện tích hoa màu bị đất, cát vùi lấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Sau lũ, các cấp chính quyền và nhân dân sớm dựng lại nhà cửa và dần ổn định cuộc sống, song việc khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Các xã, thị trấn ven sông Ngàn Phố như Sơn Diệm, Sơn Mỹ, Sơn Giang, thị trấn Phố Châu, đất, cát đã vùi lấp hàng trăm ha đất nông nghiệp, có nơi đất vùi lấp tới 20cm, người dân phải dùng cuốc đào đất ở đồng ruộng đổ đi để tiếp tục gieo, trồng hoa màu. Ông Nguyễn Khánh Phúc ở thôn Trung Thượng, xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn) cho biết: Thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào sản xuất nông nghiệp, trận lũ vừa qua đã làm cho một số tài sản của gia đình bị ngập chìm trong nước. Hiện nay, gia đình đang tập trung đào bới cát, đất, trồng lại rau màu. Xã Sơn Mỹ – nơi có dòng sông Ngàn Phố chảy qua, hai bên bờ sông có đoạn chưa được đầu tư xây kè nên mưa lũ đã làm sạt lở với chiều dài trên 400 mét. Toàn bộ đất, cát bị nước cuốn trôi vào cánh đồng màu mỡ trồng hoa màu với hàng chục ha đất nông nghiệp của xã. Lũ lụt cũng đã làm 40 ha ngô đông ở xã bị ngập và mất trắng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, việc chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt và việc sản xuất của xã Sơn Mỹ gặp nhiều khó khăn, phải mất một thời gian dài người dân mới có thể khắc phục hậu quả được vì đất, cát đã làm sa mạc hóa đồng ruộng. Các huyện Hương Khê, Vũ Quang, nhân dân sống gần sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi cũng chịu cảnh đất, cát lấn đồng ruộng làng mạc tương tự. Ông Võ Văn Phúc – Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Trận lũ vừa qua đã làm gần 200 ha đất bị xói lở, bồi lấp; gần 2.000 ha ngô đông được gieo trỉa bị ngập và mất trắng, nhiều hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã hư hỏng. Hiện nhiều cánh đồng, vườn của người dân vẫn bị đất, cát vùi lấp làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như việc khôi phục sản xuất của nhân dân.Công Tường
Baotintuc