Từ các dự án điểm
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh được triển khai khá sớm, từ năm 2011 và chính thức được ban hành tại Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19-5-2014. Cùng với Đề án, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, định hướng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ những giải pháp đồng bộ này, thời gian qua nông nghiệp Hà Tĩnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ: tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, tăng giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; hình thành mới hơn 7.700 mô hình có hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản, bình quân sáu tháng đầu năm 2015 đạt 7,47% (cùng kỳ năm 2014 là 3,94%, bình quân cả nước 2,36%), nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (năm 2014, bình quân đạt gần 20 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2010), tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, Hà Tĩnh có ít nhất 49 xã (hơn 20%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Dự án cam, bưởi Phúc Trạch đã chuyển giao thành công tiến bộ kỹ thuật ổn định ra hoa đậu quả cây bưởi trên diện rộng. Diện tích cam, bưởi trồng mới tăng khá nhanh: Cam 3.294 ha (tăng 802 ha so với năm 2010), bưởi Phúc Trạch 1.100 ha (tăng 412 ha). Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh có quy mô 1.500 con, từng bước ký kết hợp đồng liên kết với khoảng 400 tổ hợp tác, HTX, hộ gia đình chăn nuôi bò thịt từ 6 đến 12 tháng tuổi theo hình thức bán thâm canh. Hiện nay, đã nhập nuôi hơn 1.000 con bò nái ngoại, phối giống được hơn 300 con (đã đẻ 21 con).
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai): Quy mô 271.620 con bò/năm (70.000 bò nái, 150.000 bò thịt, 2.250 bò đực, còn lại là bê con theo mẹ), tổng mức đầu tư là 4.223 tỷ đồng; diện tích dự kiến 6.119 ha trên địa bàn 11 xã thuộc hai huyện. Hiện đang triển khai giai đoạn 1 với quy mô 30.000 con, đến ngày 10-8-2015 đã nhập 10 đến 15 nghìn con bò. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thí điểm liên kết theo chuỗi với năm hộ chăn nuôi (quy mô 50 đến 100 con bò thịt vỗ béo) trong năm 2015, để từng bước phát triển chuỗi liên kết với quy mô 15 đến 20% tổng đàn, với khoảng 160 cơ sở nuôi bò vỗ béo (quy mô 100 con/cơ sở) và 2.100 hộ nuôi bò sinh sản (quy mô năm con/hộ). Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk: Quy mô 5.000 con và liên kết với các hộ chăn nuôi khoảng 10.000 con. Đến nay, đã hoàn thành cơ sở vật chất, chuồng trại và thả nuôi 1.420 con; từ năm 2016, phát triển liên kết với các hộ dân, dự kiến 100 đến 200 con/năm, với quy mô năm đến bảy con/hộ.
Tại huyện Hương Sơn, có 160 hộ với quy mô 10 con/hộ trở lên, còn các hộ khác cũng từ năm con trở lên. Trung tâm hươu giống Quốc gia tại huyện Hương Sơn từ khi thành lập đã triển khai khá bài bản ổn định sản xuất và cho năng suất cao; bước đầu một số sản phẩm thực phẩm chức năng, rượu từ nhung hươu đã cung cấp không những trong tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Đến sản xuất hàng hóa tập trung
Đưa chúng tôi đến thăm các dự án, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn tâm sự: Để đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản hơn 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt hơn 135 triệu đồng/ha; cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm hơn 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm…, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm tái cơ cấu nông nghiệp đồng thời ban hành và thực hiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao vùng ven biển và vùng đồi, rừng. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, như: Chuỗi sản phẩm lợn, bò thịt chất lượng cao, nhung hươu, rau củ quả trên cát, cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, cỏ)…
Xác định khoa học – công nghệ là động lực then chốt, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thông qua doanh nghiệp, nhất là về sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm, như: Chuyển giao công nghệ sản xuất giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt siêu nạc Thái-lan; công nghệ thụ tinh nhân tạo giống bò, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến súc sản Mitraco với dây chuyền, công nghệ châu Âu, công suất giết mổ 500 con lợn, 60 con bò/ngày đêm. Áp dụng công nghệ tiên tiến về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm vi sinh…; phối hợp Công ty Fineton (Hồng Công – Trung Quốc) chuyển giao công nghệ nuôi cá bơn, cá mú ven biển, ứng dụng công nghệ cao. Ứng dụng các kỹ thuật khai thác thủy sản tiên tiến; xây dựng hệ thống kho lạnh tại các cảng cá, cải tiến hầm bảo quản trên tàu cá.
Ông Sơn cho biết thêm, tỉnh rất chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Trong sáu tháng đầu năm 2015, đã thành lập mới 123 doanh nghiệp, 104 HTX, 748 tổ hợp tác. Đã có nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu có hiệu quả như: Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn CP, Công ty Growbest, Công ty Vinamilk, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Sao Đại Dương, Công ty CP chè Hà Tĩnh, gần đây là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…, từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Với cách làm mới và hướng đi đúng trong tái cơ cấu, chắc chắn nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển vượt bậc.