Toàn bộ số sứa hôi thối tại nhà chị Tuyết Anh sẽ được tiêu hủy sớm nhất |
Hoàn thành dứt điểm bồi thường sự cố
Ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1826/TTg-NN ngày 29/11/2017 về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường.
Theo tổng hợp của ngành chức năng, số lượng hải sản tồn đọng của 7 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn là 2.708,611 tấn với tổng kinh phí 150,2 tỷ đồng. Trong đó, Nghi Xuân 76,508 tấn; Lộc Hà 1.653,067 tấn; Thạch Hà 305,988 tấn; Cẩm Xuyên 342,537 tấn; huyện Kỳ Anh 81,823 tấn; thị xã Kỳ Anh 215,877 tấn; TP Hà Tĩnh 32,811 tấn.
Các đối tượng có lượng hải sản tồn đọng khác cũng được xem xét bồi thường, hỗ trợ lần này có tổng kinh phí 121,8 tỷ đồng.
Đồng thời hoàn tất bồi thường sự cố biển |
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó trưởng phòng giá – công sản (Sở Tài chính Hà Tĩnh) cho biết, sau khi Trung ương tạm cấp 1.650 tỷ đồng (4 đợt), UBND tỉnh kịp thời tạm cấp cho Hội đồng bồi thường (HĐBT) cấp huyện hơn 1.643.100 triệu đồng chi trả cho bà con bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển hồi tháng 4/2016.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối tháng 11/2017, HĐBT cấp huyện đã chi trả được hơn 1.553 tỷ đồng. Cụ thể, TP Hà Tĩnh hơn 13,1 tỷ đồng; huyện Nghi Xuân hơn 176 tỷ đồng; Thạch Hà hơn 227,4 tỷ đồng; Cẩm Xuyên trên 297,6 tỷ đồng; Kỳ Anh hơn 165,6 tỷ đồng; Lộc Hà hơn 229,7 tỷ đồng và thị xã Kỳ Anh trên 443,4 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại còn khoảng 40 tỷ đồng HĐBT cấp huyện chưa chi trả. Tuy nhiên số tiền này chủ yếu rơi vào một số đối tượng phải xác minh lại ở cấp cơ sở và đối tượng lao động đi nước ngoài.
Tính đến đầu tháng 12/2017, huyện Kỳ Anh đã cơ bản chi trả xong cho các đối tượng được phê duyệt với số tiền hơn 165,6 tỷ đồng/6.900 đối tượng. Còn 95 đối tượng đi làm ăn xa (hơn 1,8 tỷ đồng) chưa chi trả được; 34 đối tượng đang phải phúc tra lại một số thông tin phản ánh nhằm tránh sai sót.
Sẽ tiêu hủy toàn bộ số hải sản tồn đọng
Kết luận tại cuộc họp ngày 14/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các ngành, địa phương nghiên cứu kỹ nội dung công văn chỉ đạo của Thủ tướng để thực hiện hiệu quả trên tinh thần khẩn trương, chính xác, chặt chẽ, trung thực, khách quan, minh bạch để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại.
“Đặc biệt là tập trung giám sát khối lượng hải sản ở các huyện còn tồn đọng để tiêu hủy sớm nhất trước dịp Giáng sinh” – ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Theo đó, huyện Lộc Hà là đơn vị thí điểm đầu tiên trên toàn tỉnh, thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lượng hải sản còn tồn đọng trong nhà dân.
Do 2 năm không hoạt động nên số lượng máy móc ở các nhà dân phục vụ công việc đều bị hư hỏng |
Ông Lê Viết Huy, chủ kho lạnh Huy Lộc, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) nói: “Nguyện vọng lớn nhất của bà con bây giờ là chính quyền, cơ quan chức năng tiêu hủy gấp sản phẩm sứa và một số hàng hải sản khô bốc mùi hôi thối trước dịp lễ Noel để bà con được đón ngày lễ trọn vẹn. Đồng thời, thực hiện chi trả hỗ trợ sớm, dứt điểm cho người dân để giải quyết vấn đề nợ nần, khôi phục sản xuất”.
Được biết, kho lạnh Huy Lộc có 46 tấn sứa bị hư hỏng và 6,7 tấn hàng khô như cá khô, ruốc, mực... ẩm mốc, biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối.
Ngoài đề xuất hoàn tất thủ tục sớm chi trả tiền, chủ kho lạnh Tuyết Anh, cùng xã Thạch Bằng, kiến nghị: “Trung ương và tỉnh cũng nên hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hạ tầng hậu cần nghề cá, giúp người dân mua sắm lại thiết bị máy móc tái sản xuất. Vì hệ thống đã bị hư hỏng do 2 năm nay không hoạt động”. Theo chị Tuyết, kho của chị có đến hơn 50 tấn sứa và gần 15 tấn hàng khô bị hư hỏng, dư nợ ngân hàng lên đến 5,5 tỷ đồng.
Tác giả: Trương Hoa
Nguồn tin: Báo Infonet