Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Tĩnh có tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế khoảng 795.000 người. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Hà Tĩnh cần đào tạo khoảng 317.000 người.
Mục tiêu giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 26 cơ sở đào tạo, đến năm 2030 toàn tỉnh có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 30 cơ sở đào tạo. Đến năm 2020, có trên 100 nghề và nhóm nghề được các cơ sở đào tạo trên địa bàn tổ chức tuyển sinh, trong đó: trình độ cao đẳng 64 nghề, trình độ trung cấp 68 nghề, trình độ sơ cấp 73 nghề.
Tổng quy mô tuyển sinh đạt 32.000 người/1 năm, số lượng tuyển sinh trung bình hàng năm ước đạt 80% quy mô tuyển sinh. Đến năm 2030, có trên 118 nghề và nhóm nghề được các cơ sở đào tạo trên địa bàn tổ chức tuyển sinh. Tổng quy mô tuyển sinh đạt 38.000 người/1 năm.
Để đảm bảo quy mô đào tạo theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng số giảng viên, giáo viên dạy nghề cơ hữu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.478 người. Đến năm 2030, tổng số giảng viên, giáo viên dạy nghề cơ hữu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.859 người với tỷ lệ 18 học viên/1 giáo viên.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cần phải rà soát lại cơ sở vật chất của một số cơ sở dạy nghề để đánh giá lại thực trạng chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, cần đưa thêm phần vốn đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề; đánh giá lại tỷ lệ giải quyết việc làm cho người được đào tạo nghề sau khi ra trường….
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Khuyến khích đầu tư, giảm xây dựng cơ bản; tăng đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đánh giá cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì trong việc xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phải xem xét phần đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở đào tạo giai đoạn 2011-2015, nhất là đi sâu vào chất lượng đào tạo, dạy nghề. Phần dự báo tình hình cần phải bám sát thực tế, nhất là tính toán lại nguồn tuyển sinh. Một số cơ sở đào tạo trên cùng một địa phương mà có nhiệm vụ giống nhau thì nên tính thêm việc sáp nhập.
Quy hoạch cũng cần nêu vấn đề khuyến khích đầu tư, giảm xây dựng cơ bản; tăng đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đẩy mạnh chính sách khuyến nghề, nhằm góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phan Dung