Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Phát triển NTTS, một nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp

Nuôi trồng thủy sản là một nghề truyền thống gắn liền với nông dân Can Lộc. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, NTTS đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của điều kiện tự nhiên, xã hội vào phát triển kinh tế. Sản phẩm từ cá nước ngọt, ếch, ba ba…  đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn cũng như được thị trưởng ở TP Hà Tĩnh, TX Hồng lĩnh đánh giá cao.

Là một huyện có diện tích đất nuôi trồng thủy sản lớn. Hiện nay, đã đưa vào khai thác 728.5 ha đất mặt nước vào NTTS, trong đó diện tích các ao hồ nhỏ khoảng 240.77 ha, diện tích nuôi cá ruộng 140 ha, diện tích nuôi ở các hồ đập và mặt nước lớn khoảng 343.8 ha. Sản lượng bình quân trong giai đoạn 2011- 2013 đạt khoảng 900 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 44- 45 tỷ đồng/năm. Nhiều năm qua, cùng với việc ban hành các chính sách phát triển, các dự án NTTS của nhà nước được triển khai, nông dân trên toàn huyện đã áp dụng nhiều công nghệ nuôi mới, việc chuyển đổi cơ cấu giống, loài nuôi phù hợp; Quán triệt và chỉ đạo kịp thời công tác phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản đã triển khai khá đồng bộ nên năng suất và chất lượng trong NTTS được nâng cao. Sau chương trình ngọt hóa sông nghèn, các trang trại NTTS có quy mô lớn ( 2-4 ha) được hình thành, mô hình nuôi cá lồng, bè đã xuất hiện ở các xã Tiến Lộc, Tùng Lộc, Thị trấn…cho năng suất từ 2-3 tấn/ha/năm. đây là tiền đề cho  liên kết phát triển hàng hóa và tận dụng tối đa diện tích mặt nước vào NTTS.

( Mô hình nuôi cá lồng trên sông nghèn)

Song song với nuôi cá truyền thống, các mô hình mới như nuôi cá diêu hồng, ếch, ba ba, cá lóc… đã được áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả. Các mô hình mới có được người dân chú trọng phát triển do sản phẩm thị trường được thị trường ưa chuộng, hiệu quả sản xuất cao hơn nhiều so với nghề nuôi cá truyền thống. Tuy nhiên, công tác phát triển các mô hình NTTS trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa tạo được tính ổn định trong nhân dân. Do khó khăn trong chủ động giống, các mô hình ao hồ nhỏ mang tính tận dụng, giá cả vật tư đầu vào tăng cao trong lúc đó thị trường tiêu thụ hẹp, giá đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh. Bên cạnh đó kỹ thuật nuôi trồng của người dân còn thấp, khó khăn do ô nhiễm nguồn nước và các diễn biến bất lợi từ thời tiết đặc biệt là sau cơn lũ lịch sử năm 2010 đã gây tâm lý xấu cho người dân. Vì vậy để đạt mục tiêu tăng diện tích từ 728.5 ha hiện nay lên khoảng 920 ha, tăng sản lượng từ 1130 lên 1400 tấn, tăng tỷ trọng từ 10 % lên 12-14% trong cơ cấu ngành nông nghiệp vào năm 2020, việc tuyên truyền, vận động nhân dân cần được chú trọng, bên cạnh đó các lớp tập huấn phòng trừ bệnh, đào tạo nghề NTTS cần sớm triển khai. Cần sớm ban hành chính sách để phát triển các trang trại NTTS. Bên cạnh đa dạng hóa các hình thức nuôi, cần tiếp tục phát triển các loại cá kinh tế và cá bản địa trong các ao hồ nhỏ, ruộng trũng và mặt nước lớn. Đẩy mạnh hơn nữa việc nuôi thâm canh trong nông hộ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm.

Tập trung phát triển NTTS gắn với việc thực hiện các nội dung trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững là những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển Nông nghiệp, nông thôn cần sớm được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm định hướng và chỉ đạo./.

Trần Quang Đạo, phòng Nông nghiệp và PTNT.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP