Con đường bê tông dẫn vào thôn Mỹ Châu dài gần cây số những ngày mưa ướt nhẹm phân bò, phân trâu; rãnh thoát nước hai bên đường đen kịt, ruồi nhặng bâu kín. Bao trùm khắp thôn là mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến người qua đường nghẹt thở.
Nhiều hộ dân vô tư xả nước thải ra ngoài khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng
Một số người dân thôn Mỹ Châu cho biết, đặc thù là thôn thuần nông nên để tăng thêm thu nhập thì một số hộ dân trong thôn đầu tư chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô nhỏ lẻ.
Nhưng mấy năm gần đây, phong trào chăn nuôi nông hộ trên đất vườn diễn ra khá rầm rộ và phổ biến, nhiều hộ tiến hành xây mới hoặc cơi nới chuồng trại để mở rộng quy mô khiến cho môi trường sống càng ngày càng ô nhiễm, tạo điều kiện cho các mầm bệnh, ruỗi muỗi phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của bà con.
Một người dân xin giấu tên cho biết, thôn Mỹ Châu có nhiều hộ chăn nuôi tự phát với quy mô từ vài chục con lợn trở lên nhưng hầu hết chưa xây bể biogas hoặc bể không đủ dung tích chứa.
Vì thế nước thải chủ yếu chảy thẳng ra mương rãnh dọc thôn rồi đổ ra cánh đồng, thậm chí tràn ra cả nền đường khiến mùi hôi thối bao trùm cả khu dân cư, nhất là những ngày nắng nóng.
Gia đình ông Nguyễn Gia Nuôi, thôn Mỹ Châu có 12 con lợn thịt, 2 lợn nái và hàng chục con lợn con. Dù thả nuôi cả năm nay nhưng nhà ông vẫn chưa xây bể biogas. Hằng ngày, chất thải theo đường ống nối từ chuồng lợn chảy thẳng ra mương thoát nước trước nhà và tuồn ra ngoài ruộng.
Bà Dục (vợ ông Nuôi) thừa nhận: “Nghe nói khi xây bể biogas sẽ được chính quyền hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng gia đình tôi chưa có điều kiện để làm. Mùi hôi lắm nhưng ở vùng này người ta nuôi thế cả, có nhà nuôi cả mấy chục con”.
Khi được hỏi bao giờ sẽ tiến hành xây bể biogas, bà Dục lắc đầu: “Cũng chưa biết được! Xây bể phải có diện tích nhưng chuồng trại đã chiếm gần hết đất rồi, chưa biết đặt bể ở vị trí nào”.
Hồ nước nằm sát nhà chị Nguyễn Thị Niệm, cùng thôn phủ một màu đen kịt, hôi hám. Dù thừa nhận việc xả thải ra môi trường khiến không khí bị ô nhiễm nhưng hằng ngày nước thải trong chuồng lợn chị Niệm vẫn “vô tư” tuồn ra ngoài.
Nước thải chảy theo mương thoát nước tuồn ra ngoài ruộng
Chị bảo: “Gia đình nuôi 33 con lợn thịt và 2 con trâu. Do dung tích bể biogas chỉ có 9m3, không đủ chứa nước thải nên phải xả ra ngoài. Dù biết hôi và ô nhiễm môi trường nhưng không xả bể sẽ quá tải, vài tuần nữa bán hết lứa lợn này tôi sẽ nghỉ không nuôi nữa”.
Để ngăn chặn mùi hôi và ô nhiễm môi trường, người dân thường xuyên phải đóng kín cửa, khi ra đồng đều mang ủng và tất tay tránh bị ngứa. Không chỉ ảnh hưởng đến không khí, người dân trong thôn lo ngại, về lâu dài chất thải ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm sẽ gây nên những dịch bệnh đáng tiếc.
Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc Lê Thanh Hải thừa nhận, những năm gần đây trên địa bàn xã xảy ra thực trạng chăn nuôi nông hộ tự phát, ồ ạt trong dân. Tập trung nhiều nhất ở các thôn Bắc Tiến, Mộc Hải, Đông Châu.
Thống kê sơ bộ trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 200 hộ dân nuôi lợn từ 20 con trở lên, trong khi tỉ lệ làm bể biogas mới đạt 70%. Hơn nữa, hầu hết các bể đều không đảm bảo hoặc có dung tích quá nhỏ so với số lượng đàn gia súc, gia cầm. Có nhiều bể chỉ qua một lần lắng rồi đẩy thẳng ra ngoài mương, rãnh thoát nước.
“Thực trạng ô nhiễm trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Chúng tôi đã mời các hộ chăn nuôi tới làm việc và phân tích cho họ thấy việc xả thải ra môi trường ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư. Đồng thời, xuống tận hộ vận động bà con đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc di dời trang trại đến khu vực xa khu dân cư nhưng bất thành”, ông Hải nói thêm
T.ĐAN – T.NGA