Trong đó, đặc biệt phải kể đến nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xâm nhập mặn, đe dọa sự sống còn của các rừng phòng hộ, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh khiến người nuôi tôm lao đao và tác động xấu đến đời sống sản xuất của người dân nơi đây.
Hệ lụy từ vỡ quy hoạch
Chúng tôi đã tìm đến cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà). Nơi đây từng được biết đến như một hình mẫu của việc áp dụng công nghệ nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh, với doanh thu bình quân 100 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, bước vào vụ nuôi năm 2018, giống như bao hộ nuôi tôm trên cát khác, sự vắng vẻ, tĩnh lặng bao trùm lên không gian cơ sở nuôi tôm này.
Chỉ tay vào các ao nuôi bỏ trống trên diện tích 120ha, Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương Nguyễn Thị Hạnh cho biết, bắt đầu từ năm 2016, nuôi tôm trên cát bước vào giai đoạn rất khó khăn, diện tích và sản lượng nuôi ngày một teo tóp. Ngoài nỗi lo tôm rớt giá, người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. “Trong sáu tháng đầu năm 2017, toàn bộ 20 triệu con giống chúng tôi thả nuôi được một thời gian ngắn thì bị chết nên thua lỗ hơn 10 tỷ đồng. Từ đó đến nay, công ty chỉ đủ khả năng duy trì sản xuất khoảng 10% diện tích ao nuôi”, bà Hạnh nói.
Qua tìm hiểu được biết, không riêng gì Công ty TNHH Sao Đại Dương, tất cả các cơ sở nuôi tôm trên cát tại xã Thạch Trị đều đang bỏ trống ao nuôi, những dàn máy sục đảo ô-xy nằm chỏng chơ, cạn đáy, bạt lót rách tơi tả.
Theo những người nông dân sống nơi đây thì nguyên nhân bỏ trống các ao nuôi tôm là do mật độ ao nuôi được quy hoạch khá dày đặc khiến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều trở ngại.
“Khi có một ao nuôi tôm bị dịch bệnh mà nước trong ao xả thẳng ra môi trường sẽ khiến các hộ khác đều bị “dính” theo”, ông An, một người dân nơi đây cho biết.
Theo quan sát, chỉ tính riêng đoạn bờ biển dài 500m ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị có đến 5 cơ sở nuôi tôm với diện tích 200ha. Trong khi đó, hệ thống kênh mương cấp thoát nước ở đây chưa được quy hoạch chi tiết.
Tại huyện Cẩm Xuyên, trong tổng số 119ha diện tích đang được sử dụng để nuôi tôm trên cát của địa phương, thì có đến hơn 50ha diện tích nuôi tôm nằm ngoài quy hoạch. Sau một vài vụ nuôi đầu cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay hầu hết các hộ nuôi cũng đang lâm vào cảnh lao đao, điêu đứng vì “vỡ quy hoạch”, để lại nhiều hệ lụy.
Theo ông Đặng Trọng Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên), ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ có xu hướng chững lại thì những yếu kém trong công tác vệ sinh môi trường đã và đang tác động ngược, buộc các hộ nuôi phải “treo” ao hoặc sản xuất cầm chừng.
“Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn không sử dụng ao lắng, xử lý nước, bùn thải mà xả lộ thiên, trực tiếp ra biển. Với điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu tại các ao nuôi”, ông Thạch nói.
Nước thải đen ngòm, váng nổi lềnh phềnh chảy ra môi trường do Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) gây ra. |
Chính quyền buông lỏng quản lý?
Theo phản ánh của người dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), từ khi đi vào hoạt động, hồ nuôi tôm của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt liên tục xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe nhiều người. Người dân tỏ ra hết sức bức xúc trước tình trạng diễn ra trong thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của hồ nuôi này.
Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) Hà Tĩnh phối hợp với Công an môi trường tỉnh và UBND huyện Lộc Hà đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty Tiến Đạt tự ý lắp đặt một đường ống dẫn nước thải trực tiếp, nối từ trại tôm ra vùng biển Lộc Hà với chiều dài hơn 100m. Kết quả kiểm tra các mẫu nước cho thấy thông số môi trường thông thường BOD5 quá 28,8 lần, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 02-09-2014/BNNPTNT hơn 10 lần.
Ngày 25/7/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt số tiền 435 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Khắc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), đây không phải lần đầu cơ sở nuôi tôm của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt gây ô nhiễm môi trường. Năm 2017, cơ sở nuôi tôm này đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh xử phạt 60 triệu đồng vì xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự, tại xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân), người dân ven biển xóm Bình Phúc cũng đã phải chịu cảnh khốn đốn do dự án nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan). Triển khai từ năm 2012, có quy mô 6 hồ (mỗi hồ chứa khoảng 2.000 khối nước) với tổng diện tích 2,5ha nhưng trại tôm này lại không có hồ xử lý chất thải và trong 6 năm qua cứ “thẳng tay” xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Kỳ lạ thay, người dân nơi đây đã liên tiếp kêu cứu suốt nhiều năm nay lên các cơ quan chức năng. Dù đã có các đoàn về kiểm tra, nhưng chủ cơ sở nuôi ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân(Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên xả hàng ngàn khối chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Cứ sau mỗi vụ nuôi tôm là hàng nghìn khối nước thải chưa qua xử lý lại vô tư xả thẳng ra ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bây giờ báo chí, dư luận phản ánh thì họ mới vào cuộc nhưng cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân chỉ phạt 2 triệu đồng do lỗi không có hồ lắng để xử lý chất thải. Mức phạt quá nhẹ này khiến dư luận không đồng tình; kiểu “phạt cho tồn tại” này không đủ sức răn đe, dẫn đến “nhờn thuốc” và vô tình vẽ đường cho các hồ tôm khác tiếp tục sai phạm.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân Lê Hữu Phong khi trao đổi với chúng tôi lại đá “quả bóng trách nhiệm” quản lý cho chính quyền cấp xã “vì phòng đã lập biên bản, tham mưu cho huyện giao trách nhiệm cho xã. Xã có nhiệm vụ xử lý, giám sát, báo cáo thường xuyên lên huyện, nhưng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình”.
Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết, là địa phương thực hiện việc quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát muộn hơn so với các địa phương khác, nên Hà Tĩnh đã có kinh nghiệm, tính toán rất kỹ đến những tác động môi trường có thể xảy ra.
Theo đó, tất cả những cơ sở nuôi phải thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án tại nhiều trang trại nuôi tôm không tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường xung quanh và hạ thấp hiệu quả nuôi tôm trên cát. Trong lúc đó, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập, mức phạt chưa đủ sức răn đe các chủ hộ nuôi nghiêm túc hơn trong bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) thừa nhận, vì nhiều lý do khác nhau, thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở nuôi tôm ven biển chưa được triển khai kịp thời, thường xuyên. Vì vậy, ý thức tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của những cơ sở nuôi còn hạn chế.
Mỗi hecta nuôi tôm thải 8 tấn chất thải Theo thống kê của các nhà khoa học, bình quân một vụ mỗi hecta tôm thải ra đến 8 tấn chất thải rắn gồm vỏ tôm lột, thức ăn thừa... là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Ngoài ra, trong chất thải còn có các hóa chất xử lý ao nuôi như vôi, thuốc tím, clorin tan trong nước, tích tụ dưới đáy ao... là những loại hóa chất có hại cho sức khỏe con người và cực kỳ nguy hiểm khi nó thấm vào nguồn nước ăn của con người. Ngoài việc xả trực tiếp ra biển, các hồ nuôi tôm trên cát hiện nay còn xả nước thải, bùn ao ngay trên khu vực đất cát cạnh hồ, gây ô nhiễm, mặn hóa nguồn nước ngầm. |
Tác giả: Trần Phong
Nguồn tin: Congluan.vn