Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Nước sạch “treo” đỉnh núi, hàng trăm hộ dân khát

Hàng ngày, người dân xóm 1 xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải thức dậy từ 5 giờ sáng để tranh thủ ra sông Ngàn Sâu lấy nước vì sợ sáng ra trâu bò làm vẩn đục. Có những ngày nắng nóng trên 40 độ, họ phải chắt chiu từng giọt nước để ăn, uống trong cảnh gió Lào hun cháy cả cỏ cây. 

Hàng chục năm dùng nước sông

Hương Liên là xã miền núi thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nằm trong khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào. Hầu hết nhà dân đều nằm ở lưng chừng đồi, ở vị trí cao để tránh lũ từ các khe suối khi mùa mưa về. Điều trăn trở kéo dài hàng chục năm nay đối với người dân xã Hương Liên là vấn đề nước sạch để sinh hoạt.

Cả xã có 5 xóm và một bản Rào Tre của đồng bào người dân tộc Chứt, nhưng có 3 xóm thiếu nước sinh hoạt trầm trọng là xóm 1, xóm 2 và xóm 3; trong đó xóm 1 có khoảng gần 100 hộ dân không có nước sạch để sinh hoạt, xóm 2 có khoảng 30 hộ dân và xóm 3 có khoảng 50 hộ dân thiếu nước sạch.

hatinh24h

Người dân xóm 1, xã Hương Liên phải chở từng can nước từ sông Ngàn Sâu về để phục vụ ăn uống.

Vào thời điểm cuối tháng sáu, là thời điểm có nắng nóng và gió Lào rát bỏng nhất trong năm, người dân xã Hương Liên càng khổ cực hơn khi phải đối mặt với cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt, họ phải chắt chiu từng giọt nước để ăn, uống.

Từ 5 giờ sáng, người dân xóm 1 đã lũ lượt kéo nhau xuống sông Ngàn Sâu với nhiều dụng cụ như thùng nhôm, can nhựa để lấy nước rồi chở về nhà bằng xe đạp, xe máy, xe kéo, hoặc gánh.

Hà Tĩnh: Nước sạch “treo” đỉnh núi, hàng trăm hộ dân khát - 2

Bà Đoàn Thị Thỏa (xóm 1, xã Hương Liên): “Dùng nước sông ngày càng bị ô nhiễm nên rất sợ bị bệnh tật”.

Anh Trần Văn Khâm (xóm 1, xã Hương Liên) nói: “Chúng tôi phải tranh thủ ra sông lấy nước sớm để còn về đi làm, với lại nếu không lấy sớm thì sáng ra trâu bò xuống uống nước và đằm dưới sông sẽ làm bẩn nước. Nước lấy buổi sáng chỉ đủ dùng để nấu ăn và uống thôi, vì chỉ dùng can và thùng nhỏ để chở nên không lấy được nhiều, đường dốc cao nên cũng không chở được thùng to”.

Nước để ăn uống đã khó như vậy, nên việc tắm rửa và giặt giũ của mọi người hầu hết đều diễn ra ở ngoài sông vào buổi chập tối.

Quãng đường đi lấy nước của những nhà dân ở đây là khoảng 400m, có một số nhà ở cách xa sông gần 1km.

Ông Nguyễn Hải Đường, trưởng xóm 1 cho biết: “Vì xóm ở địa hình cao nên không đào được giếng, về mùa mưa thì cũng có nhiều nhà xây bể chứa để hứng nước mưa, nhưng cũng chỉ dùng được vài ngày, còn lại quanh năm là dùng nước sông. Cuộc sống như vậy đã trải qua hàng chục năm nay”.

Hà Tĩnh: Nước sạch “treo” đỉnh núi, hàng trăm hộ dân khát - 3

Ông Nguyễn Hải Đường (trưởng xóm 1, xã Hương Liên): “Tâm nguyện của người dân nơi đây là được chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước từ khe Đằng Đằng về để sử dụng lâu dài”

Giấc mơ nước sạch từ… đỉnh núi

Ông Đường cũng cho biết thêm, có khoảng 60% hộ dân ở xóm 1 đã thử đào giếng, tuy nhiên đào đến 25m vẫn không có nước nên đều lấp giếng cả. Có người vẫn không bỏ cuộc, thuê thợ về khoan giếng, nhưng khoan đến 40m mà cũng không có giọt nước nào, nên đành “bó tay với ông trời”.

Theo người dân xã Hương Liên, từ nhiều năm nay con sông Ngàn Sâu không còn trong lành như trước đây nữa, bởi nó chảy qua xã Hương Lâm rồi mới về đến Hương Liên. Từ khi dân số ở hai xã này tăng lên, nhu cầu sinh hoạt tăng lên thì sự xả thải cũng nhiều lên, cộng với gia súc số lượng lớn đều dùng chung nguồn nước sông, nên nước sông Ngàn Sâu ngày càng bị vấy bẩn. Dù biết vậy, nhưng đây là nguồn nước sinh hoạt duy nhất nên người dân đành phải tranh thủ lúc sáng sớm để lấy nước, hạn chế nước bẩn được phần nào hay phần đó.

Hà Tĩnh: Nước sạch “treo” đỉnh núi, hàng trăm hộ dân khát - 4

Hà Tĩnh: Nước sạch “treo” đỉnh núi, hàng trăm hộ dân khát - 5

Bờ sông Ngàn Sâu và chân cầu Rào Tre, nơi trâu bò tắm cũng là nơi người dân lấy nước về sinh hoạt.

Bà Đoàn Thị Thỏa (xóm 1, xã Hương Liên) ngậm ngùi: “Nhà ở trên đỉnh dốc, đi lấy được nước đã khổ rồi mà vẫn còn lo nước bẩn, vì mùa hè trâu đàn thả thường nằm dưới sông cả ngày lẫn đêm, dùng nước này về lâu dài cũng sợ bệnh tật lắm. Dân ở đây mong được nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho người dân lắp ống dẫn nước từ trên núi về, như vậy mới an tâm mà sống, chứ dân nghèo chúng tôi có đóng góp với nhau cũng chả được bao nhiêu tiền, không thể làm nổi”.

Cùng trăn trở này, ông Nguyễn Hải Đường (trưởng xóm 1) cho biết, ở đỉnh núi Đằng phía bên kia sông Ngàn Sâu có con khe Đằng Đằng nước chảy quanh năm, vì ở trên cao nên nước khe này luôn trong sạch. Tâm nguyện của bà con nơi đây là có được hệ thống đường ống dẫn nước từ khe Đằng Đằng vượt sông về xóm 1, rồi xây bể chứa cho cả xóm sử dụng.

“Khoảng cách từ khe Đằng Đằng về đến xóm khoảng 1.500m. Nếu như nhà nước hỗ trợ kinh phí hay là có “Mạnh Thường quân” nào đó giúp người dân chúng tôi xây dựng hệ thống dẫn nước này thì quá tốt. Chúng tôi thì già rồi, nhưng lo cho thế hệ con cháu mai sau, cứ dùng nước sông ngày càng ô nhiễm thế này thì không lường được hậu quả về bệnh tật”, ông Đường chia sẻ.

Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cũng không kém phần trăn trở về vấn đề nước sạch cho người dân. Ông cho biết, chỉ vài năm trở lại đây, trên địa bàn xóm 1 đã có 9 người chết vì bệnh ung thư, điều này khiến người dân nghi vấn do nguồn nước sông Ngàn Sâu bị ô nhiễm.

“Vì là xã nghèo miền núi nên ngân sách  khó khăn, bây giờ chỉ trông chờ vào cấp huyện, tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân”, ông Sánh nói.

Quang Cường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP