Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Những phụ nữ gánh cá lúc nửa đêm

“Làm việc từ 3h sáng đến 10h trưa, mỗi chuyến chở cá được 10 nghìn, 20 nghìn đồng. Một ngày may mắn lắm cũng kiếm được 50-70 nghìn” – đó là lời tâm sự của phu cá Nguyễn Thị Say, người đã có 20 năm làm nghề.

Họ làm việc bất kỳ lúc nào, kể cả 1h, 2h giờ sáng nếu có người thuê
Họ làm việc bất kỳ lúc nào, kể cả 1h, 2h giờ sáng nếu có người thuê

3h sáng, chúng tôi có mặt tại cảng cá Thạch Kim, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Trong đám đông tiểu thương đang tấp nập mua bán, thấp thoáng những người phụ nữ nhỏ bé với quang gánh trên vai đang hì hục gánh cá. Đó là những phu cá – chuyên vận chuyển cá thuê cho các tiểu thương, chủ thuyền.
Chứng kiến một buổi làm việc của các phu cá chúng tôi cũng phần nào hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của cái nghề này. Mỗi phu cá là một hoàn cảnh và có những câu chuyện riêng nhưng đó đều là những gia đình nghèo khó, không có công ăn việc làm…

Ít việc nên chị Say nhận cả việc xách nước
Ít việc nên chị Say nhận cả việc xách nước

Ít việc nên chị Say nhận cả việc xách nước
Sau khi nhận cá, các phu cá phải rửa cho sạch trước khi chở tới vị trí theo yêu cầu của các tiểu thương, chủ tàu

Chị Vương Thị Thanh (SN 1957, trú tại Thạch Bằng) là một trong những phu cá có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà chị có 6 người con, chồng mất cách đây hơn 2 năm bởi căn bệnh ung thư. Chồng chết để lại cho chị món nợ hơn 50 triệu đồng. Tuổi đã nhiều, sức cũng kém dần, nhưng hằng ngày chị vẫn thức dậy từ 2h sáng, 3h sáng để mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.
“Nhà có 6 đứa con, 4 đứa con gái đã đi lấy chồng. Hoàn cảnh đứa nào cũng khó khăn, làm vất vả mới may mắn đủ ăn. 2 đứa con trai sau thì cũng bươn chải đủ nghề, đi lao động Thái Lan nhưng làm ăn không gặp nên cũng trở về, giờ đang đi làm phụ hồ”.
“Gánh 1 tạ cá với khoảng cách 400 đến 500m thì được trả 20 nghìn, 30 nghìn. Giá là do các tiểu thương họ tự trả. Những hôm cá về nhiều thì cũng kiếm được 70 nghìn đến 100 nghìn. Nhiều ngày đứng cả buổi không có ai thuê” – chị Thanh cho biết.
Trong những phu cá, chị Trần Thị Say (1956, trú tại xã Thạch Kim) là người có “kinh nghiệm” lâu năm nhất với 20 năm trong nghề.
Vừa xách xô nước lên cho một tiểu thương, chị Say cho biết: “Xách 2 xô nước được 4 nghìn chú ạ. Hôm nay cá ít nên không có việc, ai thuê việc gì cũng làm”.

Ít việc nên chị Say nhận cả việc xách nước
Việc chuyển cá từ tàu lên bờ như thế này khiến nước cá hôi tanh chảy thẳng vào người các phu cá rất dễ gây các bệnh ngoài da

Cũng như những phu cá khác, hoàn cảnh gia đình chị Say cũng hết sức khó khăn, con đông, chồng thì suốt ngày đau ốm. Cuộc sống của gia đình chị phụ thuộc vào công việc gánh cá thuê này. Nhìn chi Say với dáng người nhỏ thó nặng chưa tới 45kg gánh gần 1tạ cá bước đi thoăn thoắt, chúng tôi không khỏi thương cảm.
Chị Say cho biết: “Trước chị có thể gánh hơn 1 tạ. Giờ sức khỏe yếu rồi. Nhưng không làm nghề này thì không biết làm gì cả”.
Là người làm việc lâu năm, lại biết được hoàn cảnh khó khăn nên nhiều tiểu thương, chủ thuyền có việc gì cũng “ưu tiên” nhờ chị Say. Có ngày chị cũng kiếm được 150 nghìn.
Mới 7h sáng nhưng cái nắng nóng như muốn thiêu đốt. Những phu cá vẫn dõi theo các tiểu thương, chủ thuyền để tìm việc.

Rất nhiều phu cá chờ cả 3, 4 tiếng vẫn không có việc
Rất nhiều phu cá chờ cả 3, 4 tiếng vẫn không có việc

Hôm nay thuyền về ít nên rất nhiều phu cá không có việc để làm. Đang ngồi tại bến cá, chị Trần Xuân Lộc (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) cho biết: “Hôm nay cá về ít nên không có việc. Ngồi từ 3h sáng tới giờ mà mới gánh được 1 chuyến cá. Mới được 10 nghìn chú à”.
9h chúng tôi rời cảng cá. Mặt trờ đã lên cao, bến cá vẫn còn khá tấp nập với cảnh mua bán. Những phu cá thì vẫn đang cố gắng bám lại để hy vọng có người thuê…

Xuân Sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP