…Không cần bỏ nhiều vốn, đầu tư nhiều công sức mà vẫn “hái ra tiền”. Xung quanh bài viết này chúng tôi sẽ đưa bạn đọc hiểu hơn về nghề “hái tiền” ở các vùng quê nghèo…
Nghề – Săn ong giữa rừng
Săn ong – đối với người dân các xã miền núi của tỉnh Hà Tĩnh lâu nay đã trở thành một “nghề” để hái ra tiền. Vào những ngày cuối xuân đầu hạ khi những ánh nắng rọi chiếu trên những cành hoa báo hiệu một mùa “săn ong” lại đến. Từng đoàn người vai mang tổ ong, tay xách ba lô kéo nhau lũ lượt vào rừng săn ong tìm mật…
Nghề vào rừng săn ong không chỉ có đàn ông mà phụ nữ cũng vào rừng tham gia săn ong tìm mật… |
Theo dấu ong rừng
“Ong ruồi, ong vẹ, ong mây… loại nào mà chả có, muốn học cách bắt ong kiếm tiền về làm giàu thì mai theo tau vào rừng săn ong”- theo lời giới thiệu của Bắc (một tay trùm săn ong ở các xã miền núi huỵện Hương Sơn, Hương Khê Vũ Quang – Hà Tĩnh) tôi quyết định làm một chuyến thị sát vào rừng cùng với các đại gia nuôi ong.
Một sáng sớm cũng ba lô, cũng tổ ong, cơm đùm cơm nắm tôi khăn gói theo chân nhóm săn ong rừng 5 người do Bắc dẫn đoàn. Trèo đèo lội suối chừng 20 km đường rừng chúng tôi dừng chân bên bờ một con suối. “Ngồi đây phục, hôm nay nắng đẹp, thế nào cũng có “hàng” mò ra tìm nước”- Bắc ra lệnh cho anh em chuẩn bị đồ nghề và ngồi đợi.
Để như vẻ giải thích cho quyết định của mình, Bắc phân bua: “Trời nắng ong thế nào cũng khát, mà khát thì phải tìm nước nên mình ngồi đây chờ rồi mò theo chúng lần về tổ”. Mất hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi đợi rồi hàng cũng ra thật. Một đàn chừng 10 chú ong bay tà tà sát mặt nước, dừng lại một chốc rồi quay trở lại “xuýt… im lặng, chúng đang dò thám đấy” – Bắc đưa tay lên miệng kí hiệu cho anh em im lặng.
Bầy ong quanh đi lượn lại trên dòng nước rồi bay đi, cả nhóm liền đuổi theo dấu vết. Mọi người cầm đồ nghề rẽ cây băng qua ngọn đồi này đến ngọn đồi khác còn tôi chỉ theo người chứ chẳng hề thấy ong đâu cả. Vượt cả cây số, qua một quả đồi, Bắc ra dấu dừng lại trước một gốc cây to. Cả nhóm ngước nhìn lên thì thấy một tổ ong to đùng treo lủng lẳng. “Ha ha…trúng mánh rồi tụi bay” – hắn ta hớn hở.
Khi phát hiện được tổ ong, Bác và nhóm “cộng sự” của mình dùng nứa, lá bó lại để chuẩn bị đuổi đàn ong đi khỏi tổ |
Tiếp đến là công đoạn lấy mật. Vì cây quá to nên không thể trèo chay mà phải dùng móc sắt đóng vào cây. Cứ như vậy hết móc này đến móc khác găm vào thân cây khổng lồ. Hai người trong nhóm mặc áo mưa, mặt đeo khẩu trang, dắt lưng cả bó hương cùng hộp quẹt hùng hổ men theo móc sắt trèo lên rồi rón rén bò gần đến tổ ong.
Một vài chú ong phát hiện có “địch” xâm phạm lãnh thổ và lao đến nhưng không thể xuyên thủng tấm áo mưa dày cộm. Hương nhanh chóng được thắp lên, khói toả mù mịt. Các chàng thợ săn khua đi khua lại đồng thời thổi cho khói ập vào tổ ong. Đàn ong trào ra khỏi tổ bay tán loạn và một số sà về phía chúng tôi. Cả nhóm vội vàng tìm chổ nấp.
Đang trốn chợt tôi nghe nhói phía sau gáy. Sờ tay lên đụng phải một chú ong đã tấn công từ lúc nào. Vết cắn nhanh chóng sưng vù lên và ngứa. Một lúc sau bầy ong không chịu nổi khói bỏ đi hết. Lúc này Bắc mới ra khỏi lùm cây vứt điếu thuốc nhanh chóng trải tấm bạt bằng nilong cùng lúc đón cả một tổ mật còn nguyên được hai chiến hữu dọng từ trên cây xuống. Công tác thu hoạch được tiến hành nhanh chóng.
Trong phút chốc toàn bộ số mật được vắt vào can nhựa mang theo sẵn đó. “Cũng dễ đến 20 chai” một người trong nhóm lên tiếng và không quên chìa cho tôi một tảng ong còn nguyên bảo ăn: “Dính chưởng hả, không sao đâu, ăn miếng mật vào là khỏi ngay”. Tôi cầm cả tảng cho vào miệng và cảm nhận vị ngọt của mật ong rừng chính hiệu với hi vọng sẽ chữa lành vết cắn. Thành quả đầu tiên trong một ngày may mắn là gần 20 chai mật. Mỗi chai đem về bán với giá từ 300-400 ngàn đồng, có khi hơn cả năm trăm ngàn nếu gặp khách cần mua.
Vào sâu hơn trong rừng chúng tôi bắt gặp một số nhóm khác đi ra vai mang những chiếc can nhựa đựng đầy mật. Hôm nay là một ngày đại thắng của những thợ săn ong rừng. Nhóm nào cũng thu hoạch ít nhất 5-7 chai. Cũng có một vài người bị ong cắn nhưng dường như đó là chuyện quá bình thường, chỉ có khuôn mặt là hơi biến dạng nhưng niềm vui thắng lớn lấn át đi tất cả.
Việc đuổi ong bay khỏi tổ cũng rất đơn giản nhưng cũng đầy nguy hiểm…. |
Nghề hái ra tiền
Săn ong rừng trở thành một “nghề” mưu sinh của một số người dân vùng núi. Nó không chỉ ăn chặn thành quả của bầy ong mà những thợ săn còn tìm cách thuần hoá đàn ong mang về khai thác tại nhà. Từng tổ ong nhân tạo được treo làm mồi trong rừng, những chú ong ngây thơ cứ tưởng rằng đó là khúc gỗ tự nhiên nên kéo nhau vào làm tổ. Bắt được ong chúa thợ săn chỉ việc mang về và cả đàn liền kéo theo sau đó chúng được thuần hoá dần và trở thành ong nhà.
Với những công hiệu ngày càng được khoa học chứng minh đã đẩy giá mật ong tăng dần. Hàng ngàn lít mật ong thi nhau tuôn chảy từ rừng về phố. Hiện trên thị trường chai 1,5 lít cũng xấp xỉ năm sáu trăm nghìn đồng. Số người vào rừng săn ong ngày một đông.Một ngày may mắn có nhóm còn kiếm được tiền triệu từ nghề săn ong, tuy nhiên không phải lúc nào cũng sẵn. Có ngày trèo đèo lội suối mấy chục cây số mà chẳng tìm ra con mồi nào. Nhất là những hôm gặp thời tiết xấu đành chấp nhận về không.
Mỗi năm có hai mùa săn ong là đầu năm và vào tháng 6, và kéo dài chỉ vỏn vẹn gần một tháng. Vào những vụ săn này, tiết trời nắng hanh, hoa nhiều nên ong rất siêng làm mật có khi số thợ trong rừng lên đến hàng trăm người. Một số nhóm đã trở thành chuyên nghiệp, chỉ chờ vào mùa ong là tác nghiệp như Sơn “sẹo”, Ánh “trọc”… Mặc dù chỉ mới ngoài 30 nhưng họ đều có gần 20 năm trong nghề. Hễ bắt dấu được ong cho dù cây có to đến mấy, gai góc rậm rạp đến mấy cũng không thể khuất phục những nhóm thợ chuyên nghiệp này. Mỗi chuyến đi rừng có khi phải ở lại hàng tuần nhưng bù lại số tiền từ bán mật ong bằng thu nhập cả tháng từ làm nông.
Đã từng chinh chiến nhiều năm với ong rừng từ thời tóc còn để chỏm, trên người đầy rẫy những vết sẹo, nào là ong cắn, rớt cây… vì vậy hắn mới có biệt danh là Sơn “sẹo”. Nhưng bù lại hắn có thể sống thoải mái bằng nghề săn ong sau khi từ bỏ nghề đồ tể. Đời săn ong của Sơn từng mang chiến tích hào hùng khi gặp tổ ong chứa 52 chai mật, vị chi là hơn cả trăm lít, bán ra cũng gần 10 triệu đồng. Nói chuyện với tôi hắn cười hớn hở: “Ngôi nhà 2 tầng này được xây bằng mật ong đấy. Nghề này hơi nguy hiểm vì phải leo trèo nhưng nếu chịu khó cũng sống được. Thằng Ánh “trọc” còn mua cả xe xịn nhờ mật ong đấy. Dân ở đây sống bằng nghề này nhiều lắm”.
Mỗi lít mật ong rừng bán với giá 500 đến 700 ngàn đồng – nhiều người dân ở các xã miền núi “hái” ra tiền nhờ đi săn ong lấy mật hàng năm |
Quả đúng như vậy thật cứ mỗi mùa săn ong nếu may mắn nhiều thợ săn có thể kiếm cả chục triệu đồng từ tiền bán mật, bán những tổ ong săn được và sống ung dung cả năm trời. Những thanh niên như Bắc cũng mua được chiếc xe máy bình dân nhờ săn ong.
Và những chai mật ong rừng “đặc sản” của vùng quê….. |
Bên cạnh đó với lợi thế gần rừng núi nhiều hộ gia đình đã thuần hoá ong rừng nuôi lấy mật và trở thành những “triệu phú mật ong” như gia đình ông Dũng, ông Tám…
Và khi mùa săn ong đến dân làng lại lũ lượt kéo nhau vào rừng “săn ong”.
/ Ngày nay