Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Ngư dân khóc ròng bên xác tàu trên... bờ đê

Trở lại tâm bão thị xã Kỳ Anh sau 3 ngày cơn bão số 10 quét qua nơi đây, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân đang dọn dẹp, bòn mót những thứ sót lại từ đống đổ nát. Thê thảm hơn, nhiều ngư dân ở phường Kỳ Hà, Kỳ Lợi đang xót xa nhìn những con tàu đánh cá của mình bị vỡ trên bờ đê mà lực bất tòng tâm.

Sau cơn cuồng nộ của thiên nhiên, bờ sông Quyền đoạn qua xóm Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) như một bãi chiến trường. Tại đây, hàng chục chiếc tàu đánh cá của ngư dân bị bão đánh bay lên bờ đê, có chiếc bị vỡ, chiếc bị gió thổi bay mất máy, có chiếc bị vùi lấp dưới rác rưởi theo sóng dồn về.

Những con tàu hằng ngày là nguồn sống của hàng chục gia đình, giờ nằm chơ vơ trước ánh mắt mệt mỏi, đờ đẫn và bất lực của chủ nhân.

15 chiếc tàu đánh cá bị bão số 10 đánh bay lên bờ sông Quyền, hư hỏng nặng

Ông Nguyễn Xuân Minh (ở xóm 3 Tân Phúc Thành, phường Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh), chủ chiếc tàu có động cơ 48CV bị vỡ vỏ và mắc kẹt trên bờ đê chua xót nói: “Hôm bão vào, chúng tôi đưa thuyền về khu vực sông này để trú, nhưng khi đó bị mắc chiếc cầu Hòa Lộc cũ nên không thể chạy vào trong vùng an toàn. Chờ chính quyền phá dỡ đoạn cầu cũ để thông luồng thì chúng tôi không thể vào kịp nữa vì lúc đó rất nhiều tàu thuyền tập trung ở đây khiến luồng vào tắc nghẽn, đành phải neo lại bên bờ sông này.

Bão vào đánh chìm mấy chiếc tàu, còn khoảng hơn 15 chiếc bị sóng hất tung lên bờ đê, chiếc thì vỡ, chiếc thì bị rơi mất máy, mỗi chiếc thiệt hại khoảng từ 80 đến 200 triệu đồng”.

Có chiếc tàu bị sóng đánh rơi động cơ và toàn bộ ngư cụ, tài sản, chỉ còn lại xác tàu chứa đầy rác

Những ngư dân đang ngồi canh xác tàu cho biết, những chiếc tàu bị nạn ở đây có động cơ từ 40 - 70CV, vốn đầu tư đóng tàu khoảng 400 triệu đồng mỗi chiếc. Sau khi bị bão tàn phá, những chiếc tàu này bị vỡ phần vỏ, có chiếc mất động cơ; ngư cụ và nhiều tài sản trên tàu cũng bị bão nhấn chìm xuống sông hết cả.

Ông Nguyễn Xuân Minh (áo trắng) cho biết, để sửa lại tàu phải tốn hơn 100 triệu đồng, trong khi nợ đóng tàu chưa trả hết

Anh Võ Văn Doãn (thôn 1 Hải Phong, phường Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) ngậm ngùi kể, tàu của anh có công suất 45CV, bình thường có 4 công nhân làm việc trên tàu hành nghề câu mực ống, mực lá. Khi tàu bị bão cuốn, toàn bộ máy móc, ngư cụ đều theo dòng nước mà trôi hết, giờ chỉ còn trơ lại vỏ tàu.

“Từ khi vào bờ neo đậu đến khi bão vào, tôi không rời thuyền một chút nào, nhưng vì sóng quá lớn, tàu bị đứt neo khiến chiếc này va vào chiếc khác nên tôi và một số chủ tàu khác phải bỏ của chạy lấy người. May là bão vào ban ngày chứ nếu vào đêm chắc anh em chúng tôi không kịp chạy thoát”, anh Doãn nói.

Có chủ tàu chia sẻ, cơn bão số 2 hồi tháng 7 vừa qua đánh chìm tàu ở khu vực Vũng Áng, mới trục vớt và sửa chữa hết hơn 100 triệu đồng, vừa mới ra khơi chuyến đầu trở về thì lại bị bão số 10 quật tan tành ở đây.

Những ngư phủ can trường trên biển cũng phải bất lực trước thảm cảnh tàu bị bão đánh tan nát

Nhìn hiện trường tan nát, những ngư phủ vốn can trường trên sóng biển cũng phải bất lực. Vì nếu muốn đưa tàu đi sửa cũng phải thuê máy cẩu lên xe siêu trọng chở đi, tuy nhiên, thời điểm này các xưởng sửa chữa tàu thủy đều chật ních tàu thuyền hỏng, không còn chỗ để vào. Bên cạnh đó, kinh phí sửa chữa là một vần đề nan giải đối với những chủ tàu đang quần quật ngày đêm trên biển để trả lãi ngân hàng.

Họ chỉ biết ngồi nhìn và canh giữ xác tàu, thứ còn lại để hy vọng bắt đầu lại từ đó mà hồi sinh cơ nghiệp.

Chiều 18.9, ông Trần Anh Đàn, Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh cho biết, hơn chục chiếc tàu bị nạn ở bờ sông Quyền đều là của ngư dân phường Kỳ Lợi và Kỳ Hà.

“Phường chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng nề do bão, bây giờ toàn chính quyền và dân đang tập trung khắc phục hậu quả. Việc các tàu ngư dân bị nạn trên địa bàn chúng tôi, chúng tôi có trách nhiệm cử công an phường ra kiểm tra tình hình, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ những gì có thể để họ bảo vệ tài sản. Còn việc di chuyển tàu thì ngoài khả năng của chúng tôi, muốn giúp cũng không giúp được”.

Cây cầu cũ được phá dỡ muộn khiến nhiều tàu, thuyền không kịp vào nơi trú ẩn an toàn

Ông Tùng, Trưởng công an phường này cũng cho biết, hiện Sở GTVT Hà Tĩnh đã điều một cần cẩu vào hiện trường để hỗ trợ người dân đưa tàu ra sông. Hiện đã đưa được 8 chiếc tàu đang còn khả năng di chuyển trên sông trở lại sông Quyền, còn 7 chiếc mắc kẹt trên bờ đê thì đang tính phương án phù hợp do chủ tàu quyết định.

Tác giả: Quang Cường

Nguồn tin: Báo Một Thế Giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP