“Các chú mua đất rộng mấy cũng bán”
Khu vực đất rừng giáp ranh nghĩa trang Phố Hương (Gia Phố) có rất nhiều người dân tự ý cắt bán. Đi vào nghĩa trang này, chúng tôi được “cò” Sáng dẫn đi xem hai lô đất rừng; một lô đã được san ủi bằng phẳng sát đường dây điện, một lô chưa chặt, phát cây tràm.
Thấy chúng tôi hỏi muốn mua lô đất có cây tràm, “cò” Sáng rút điện thoại gọi cho chủ đất tên là Hóa, rồi nói: “Lô này rộng 8m, dài khoảng 60m. Chủ đất bán rộng 8m, các anh mua dài mấy là tùy, chủ thu về đúng 100 triệu đồng…”.
Sau đó “cò” Sáng cho số điện thoại, chúng tôi đã liên hệ với anh Hóa, được biết lô đất mà “cò” Sáng giới thiệu nằm trong diện tích đất rừng thuộc Nhà nước giao cho gia đình anh Hóa quản lý, trồng cây và khai thác.
Thắc mắc chuyện mua đất rừng làm nghĩa trang sẽ bị chính quyền thu hồi, anh Hóa giải thích: “Sau khi xây bao, chôn cất mồ mả là không có ai dám động đến. Để yên tâm, tôi sẽ viết giấy tay cho các anh!”.
“Cò” Sáng đứng trên lô đất rừng đã được san ủi để giới thiệu cho chúng tôi biết |
Tượng tự, bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn Phố Hương dẫn chúng tôi đi xem đất. Đến cánh rừng tràm giáp ranh với nghĩa trang, bà Phương nói: “Các chú mua đất rộng mấy cũng bán. Mua đất xong, các chú thuê máy san ủi cây cối, xây bao thành nghĩa trang đẹp lắm…”.
Bà Phượng chỉ tay, giới thiệu cánh rừng keo rộng hàng héc ta giáp ranh với nghĩa trang của xã đã có bìa đất lâm bạ mang tên bà. Tuy đất rừng mang tên bà nhưng việc bán đất rừng phải có sự thống nhất của anh trai bà tên là Long.
Theo bà Phượng, anh trai bà có quen biết cán bộ xã, ai mua đất của bà cũng yên tâm, không lo gì hết. Trước tết, bà với anh trai đã cắt hai lô đất rừng bán cho người dân làm nghĩa trang, có lô đã được phát cây, san ủi bằng phẳng. Thấy chúng tôi tha thiết mua lô đất rộng 30m, nằm ở trên sườn đồi, ngay lập tức bà Phượng gọi điện thoại cho ông Long để thống nhất giá bán.
Vừa dứt điện thoại, bà Phượng ra giá: “Hai lô đất tôi mới bán có giá 800.000 đồng/m2. Nay các chú mua lô đất trên cao, có vị trí đẹp hơn thì vẫn bán giá này. Các chú đã ưng lô này chưa, giá này rẻ rồi đó”.
Giới thiệu là người gốc ở xã Gia Phố, hiện sinh sống ở thành phố muốn mua đất rừng làm nghĩa trang thì được trưởng thôn Phố Hương - Phạm Văn Việt nói, ở thôn này có nhiều người bán đất rừng làm nghĩa trang. Vị trưởng thôn này còn hứa sẽ hỏi trong dân, có ai bán đất rừng sẽ thông báo cho.
“Xã biết nhưng khó xử lý”
Ông Đặng Viết Long - Chủ tịch xã Gia Phố cho biết, xã này có hai khu nghĩa trang. Nghĩa trang Phố Hương đã được quy hoạch nằm sát với diện tích đất rừng của một số hộ dân đã được cấp lâm bạ. Một số hộ dân có tiền đã hỏi mua đất lâm nghiệp để xây bao nghĩa trang tư gia rộng lớn hơn. Việc này xã đã nắm bắt thông tin rồi.
Bà Phượng đã cắt bán một số lô đất rừng, nay bà giới thiếu bán tiếp |
Khu nghĩa trang thuộc thôn Nhân Phố và Tân Phố không được quy hoạch, nhưng một số người dân thấy vùng nghĩa trang này đẹp đã mua đất rừng làm nghĩa trang. “Thời gian vừa qua vẫn diễn ra mua bán đất rừng làm nghĩa trang. Tôi đang giao cho cán bộ phụ trách kiểm tra, mời các hộ có đất rừng lên để quán triệt”, ông Long nói.
Theo ông Long, xã có nắm bắt được những hộ dân cắt đất rừng bán. Việc bán đất này xã không thu phí cũng như cấp giấy gì. Ông Long phân bua: “Các hộ mua bán đất rừng bằng giấy viết tay không qua chính quyền là rất khó quản lý. Hiện xã đang triển khai quản lý, báo cáo cho huyện, không để tình trang này xảy ra nữa”.
Ông Phan Kỳ - Phó chủ tịch huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho rằng việc người dân tự ý cắt đất rừng bán làm nghĩa trang, UBND xã Gia Phố chưa báo cáo lên. Việc này huyện giao cho phòng tài nguyên kiểm tra, nắm tình hình. Bán đất rừng là sai trái, xác minh rõ sự việc sẽ xứ lý…!
Tác giả: Văn Định
Nguồn tin: Báo Công Thương