Kinh tế

Hà Tĩnh: Nan giải “bài toán” thu nợ thuế

Nợ khó thu từ doanh nghiệp

Mặc dù tỷ lệ nợ đọng của Hà Tĩnh được đánh giá thấp so với tỷ lệ bình quân của cả nước (4,7%), nhưng gần 250 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, phí các loại vẫn đang trực tiếp ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh trong “chặng nước rút” những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 12/2014, tổng số nợ toàn ngành 247.399 triệu đồng. Trong đó, nợ khó thu là 69.892 triệu đồng; nợ chờ xử lý 3.412 triệu đồng; nợ có khả năng thu 174.095 triệu đồng. Doanh nghiệp (DN) là đối tượng kinh tế có nợ đọng thuế lớn khi có 911 DN nợ với tổng số tiền lên đến 171.710 triệu đồng. Trong đó, khá nhiều DN có số nợ đọng lớn như Công ty TNHH MTV Sắt Vũ Quang (5,085 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng đường bộ số 1 Hà Tĩnh (5,146 tỷ đồng), Công ty CP Minh Đạt (1,768 tỷ đồng)…

Nan giải “bài toán” thu nợ thuế

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đang “loay hoay” với việc thanh toán nợ đọng trong khi hàng tồn kho tương đối nhiều.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng nợ thuế, phí của DN, tổ chức kinh tế có xu hướng tăng. “Đến hẹn lại lên”, việc truy thu nợ đọng luôn trở thành nhiệm vụ quan trọng và khó khăn đối với ngành Thuế. Và, trả hết tiền thuế, phí nợ trở thành một bài toán nan giải với rất nhiều DN.

Một số đơn vị chấp nhận vay ngân hàng để trả nợ nhưng không ít DN phá sản vì không có khả năng trả nợ. Điều đáng nói, số nợ đọng khó đòi rơi nhiều vào DN còn nợ thuế nhưng đã ngưng hoạt động SXKD và người chịu trách nhiệm bỏ trốn khỏi địa phương (ví dụ như DN tư nhân Phúc Ngọ ở TX Hồng Lĩnh) nên cơ quan thuế chưa xác định được DN đó có còn tài sản để nộp ngân sách hay không; hoặc một số DN đã phá sản nhưng không làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nên chưa có đủ cơ sở xem xét xóa nợ thuế…

Nợ đọng do đâu?

Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Kỳ Phương (Kỳ Anh) chia sẻ, tình trạng nợ thuế, phí của DN xuất phát từ việc hoạt động SXKD gặp khó khăn, công tác quản lý, điều hành chưa tốt, trong khi đó lại phải nộp phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 74/2011/NĐ-CP đối với khai thác khoáng sản cao hơn nhiều so với mức cũ.

Theo ông Nguyễn Văn Tông – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Nguyên (TP Hà Tĩnh): “Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của các chủ đầu tư đối với DN xây dựng, nhất là DN tư vấn XDCB đang “nhấn chìm” khả năng trả nợ của các đơn vị này. Đối với DN tư vấn xây dựng, rất nhiều dự án, công trình đã tư vấn thiết kế xong, phê duyệt dự án, nhưng lại không khởi công hoặc khởi công mà thiếu vốn, do đó, chủ đầu tư không có tiền trả cho đơn vị tư vấn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết: “Đại bộ phận các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ yếu vừa và nhỏ với năng lực tài chính hạn chế. Các DN trong lĩnh vực XDCB phụ thuộc vào thanh toán vốn nhà nước nên khi cắt giảm đầu tư công dẫn đến nợ thuế do không có việc làm hoặc giải ngân chậm, nhỏ giọt. Trong khi đó, các DN trong lĩnh vực khoáng sản có lượng hàng tồn kho lớn. Đặc biệt, tình trạng chây ỳ, cố tình nộp thuế chậm đã diễn ra trong thời gian dài nên số nợ tồn đọng lớn theo thời gian làm hạn chế khả năng trả nợ ngân sách của DN”.

Ngoài ra, theo đánh giá của Cục Thuế Hà Tĩnh, tình trạng nợ đọng tăng hàng năm một phần do DN không lấy được xác nhận của chủ đầu tư để xây dựng hồ sơ gia hạn nộp thuế, hơn nữa, hầu hết các DN thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn SXKD nên khi được thanh toán vốn thì ngân hàng sẽ trừ nợ trước, dẫn đến khó có tiền trả nợ ngân sách…

Nan giải “bài toán” thu nợ thuế

Thành viên các đoàn giám sát trực tiếp đến làm việc với DN để chia sẻ, động viên đồng thời kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của DN.

Cần giải pháp mạnh

Trước hết, cần phải khẳng định việc chậm nộp, nợ đọng thuế, phí của các DN là trái quy định của Nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn, Nhà nước đã có những quy định giảm, giãn thuế đối với những đối tượng cụ thể, nhưng chính sách đó không phải là cái cớ để DN lách luật chiếm dụng thuế. Trên cơ sở đó, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự: Bên cạnh việc đồng hành, hỗ trợ, động viên các DN nâng cao hiệu quả SXKD, các ngành chức năng cần tăng cường rà soát, theo dõi, kiểm tra và sử dụng biện pháp mạnh nếu DN có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Để giảm thiểu tối đa nợ đọng thuế, Cục Thuế Hà Tĩnh đã triển khai phối hợp chặt chẽ với các cấp, chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan như Công an tỉnh để rà soát lại hoạt động SXKD của các DN; phối hợp tốt với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chủ dự án trong thu chi ngân sách…. Theo đó, các ngân hàng, kho bạc khi cho DN, hộ kinh doanh vay vốn để mở rộng SXKD hoặc thực hiện giải ngân phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế. Đồng thời, chủ động đề xuất với UBND các cấp phối hợp cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định; nghiêm túc thực hiện quy chế công bố thông tin đối với những DN nợ thuế trên địa bàn để những đối tượng này ý thức hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách.

Sự vào cuộc quyết liệt, tâm huyết của cả hệ thống chính trị thời gian gần đây đã thể hiện quyết tâm của Hà Tĩnh trong nhiệm vụ thu ngân sách chung. Trong đó, việc các thành viên 3 đoàn giám sát trực tiếp đến tận cơ sở sản xuất, làm việc với từng DN để vừa chia sẻ, động viên, vừa kiểm tra, rà soát đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 4 ngày (9 – 12/12), các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại 240 DN và tiếp tục tập trung rà soát sâu tại các DN có doanh thu lớn nhưng nộp thuế thấp hoặc không có thuế phát sinh để đảm bảo công bằng xã hội…

Thành Chung/ Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP