Vợ chồng anh Phương và chị Phượng sống hạnh phúc bên nhau |
Chuyện tình anh Nguyễn Văn Phương (45 tuổi) và cô vợ hơn tuổi Trương Thị Bích Phượng (51 tuổi), trú tại xóm 8B, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xuất phát từ một ngày rất đặc biệt nên cuộc hành trình họ đến được với nhau cũng đặc biệt không kém.
“Tể tướng lưng gù”
Anh Phương sinh ra và lớn lên ở xóm 8B, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và là con trai độc đinh trong gia đình vì trước anh là 6 chị gái. Ngày anh được sinh ra, cả họ ai cũng vui mừng vì có người nối dõi tông đường. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi vừa mới lọt lòng mẹ Phương đã mắc căn bệnh xương thủy tinh. Càng lớn lên, chân và tay anh bị gãy liên tục.
“Năm nay tôi đã hơn 40 tuổi thì cũng bằng chừng đó số lần bị gãy tay, gãy chân phải vào bệnh viện để bó bột. Xương thường xuyên bị gãy nên cơ thể tôi không thể phát triển, chân tay cong queo, lưng bị gù. Vì thế, từ nhỏ tôi bị bạn bè gán cho cái tên là "Tể tướng lưng gù”, anh Phương nói.
Chuyện tình của vợ chồng anh Phương bắt đầu từ chiếc tivi hỏng |
Người đàn ông cao chỉ hơn 1,2 mét này kể tiếp, mặc dù bệnh tật nhưng anh vẫn được bố mẹ cho ăn học đến lớp 7. Đến năm 1991, khi anh Phương vừa tròn 18 tuổi, bố mẹ anh quyết định đưa cả nhà vào tỉnh Bình Phước để lập nghiệp. Ở vùng đất mới, với quyết tâm “tàn nhưng không phế” anh xin bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa điện tử. Trải qua 5 năm theo học, anh xin bố mẹ ít tiền thuê một miếng đất để mở tiệm sửa chữa đồ điện tử mưu sinh qua ngày. Định mệnh đưa anh gặp người vợ cũng bắt đầu từ đó.
Cô khách hàng may mắn
Chiều 30 Tết năm 1996, khi đang chuẩn bị sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì chiếc tivi của nhà chị Trương Thị Bích Phượng (trú tại ấp Hưng Phú, xã An Lộc, huyện Bình Long, Bình Phước) bất ngờ bị hỏng. Được mẹ giao đem tivi đi sửa, chị Phượng đi gõ cửa khắp các cửa hàng sửa chữa điện tử nhưng tất cả đã đóng cửa để nghỉ Tết.
Trên đường về, chị may mắn tìm được một quán sửa chữa đồ điện tử của anh Phương vẫn đang mở cửa hoạt động nên vô cùng vui mừng. “Trong quá trình nhờ anh Phương sửa tivi, tôi tranh thủ hỏi chuyện về hoàn cảnh gia đình của anh ấy. Anh Phương thật thà kể hết từ chuyện gia đình vào đây lập nghiệp cũng như nguyên nhân khiến anh ấy không thể cao lớn như người bình thường. Chả hiểu thế nào, ngay trong lần đầu gặp đầu tiên này, tôi đã đem lòng yêu anh ấy”, chị Phượng nhớ lại.
Chị Phượng buôn ve chai để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống |
Vài tháng sau, chị Phượng đưa anh Phương về ra mắt gia đình nhưng bị bố mẹ chị kịch liệt phản đối vì “không yêu ai lại đi yêu người bệnh tật”. Sau nhiều ngày thuyết phục, anh chị cũng được gia đình chị Phượng đồng ý cho đến với nhau nhưng không được tổ chức đám cưới. Sợ hàng xóm bên vợ dị nghị, anh Phương dắt chị Phượng lên tỉnh Kon Tum để sinh sống. Tại đây, anh Phương thuê đất mở quán sửa chữa điện tử, còn chị Phượng đi hái tiêu và cà phê cho người dân trong vùng.
Gia cảnh khốn khó
Năm 1997, chị Phượng mang thai đứa con đầu lòng cho anh Phương trong sự vui mừng của hai vợ chồng. Thế nhưng, khi rời tỉnh Kon Tum trở về nhà mẹ đẻ sinh sống thì chị Phượng bị người thân bắt phá thai vì sợ đứa con sinh ra sẽ mắc bệnh như anh Phương. Bỏ ngoài tai sự ngăn cản của gia đình, chị Phượng quyết tâm sinh hạ thai nhi cho bằng được.
“Ba má cũng chỉ muốn tốt cho mình nên tôi không thể trách họ được. Dù con do mình khi sinh ra có bị gì đi nữa cũng là một sinh linh vô tội. Vì thế, những người làm cha, làm mẹ làm sao nỡ lòng nào khước từ sự sống của con”, chị Phượng nói và cho biết đúng như dự đoán của mọi người, đứa con do chị sinh ra khi vừa lọt lòng đã mắc bệnh xương thủy tinh.
Hai cha con anh Phương cùng nhau nhận sửa chữa đồ điện tử hư hỏng để mưu sinh qua ngày |
Đến năm 2001, vợ chồng anh Phương đón thêm đứa con trai thứ 2 sinh ra. Buồn thay, cháu cũng bị mắc bệnh giống bố và anh trai. Để có tiền chạy chữa cho 2 con, anh Phương phải bán mảnh đất mà bố mẹ ruột mua cho ở Bình Phước rồi đưa vợ con trở về quê ở Hà Tĩnh sinh sống.
Từ đó đến nay, anh Phương mở một quán sửa chữa điện tử gần nhà, còn chị Phượng thì đi buôn ve chai. Với số tiền trợ cấp của nhà nước và số tiền kiếm được của 2 vợ chồng cũng chẳng đáng bao nhiêu, nên cuộc sống của gia đình anh Phương cũng bị thiếu trước, hụt sau. Dù vậy, chưa bao giờ họ ta thán, kêu khổ với ai. Họ lặng lẽ cùng nhau xây dựng gia đình bé nhỏ, nghèo nhưng luôn đầy ắp yêu thương.
“Bây giờ con trai lớn của tôi đã phụ được cha nó trong việc sửa chữa đồ điện tử kiếm thêm thu nhập. Còn con trai thứ được một trung tâm khuyết tật trong Sài Gòn nhận nuôi nên gia đình cũng bớt chút khó khăn. Tôi chỉ mong sao chồng và 2 đứa con khỏe mạnh, nhà luôn đầy ắp tiếng cười là mãn nguyện lắm rồi”, chị Phượng nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên