Tháng 4-2014, xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đạt 19/19 tiêu chí về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, theo ông Trần Hồng Cẩm, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Môn thì hiện tại địa phương vẫn còn nợ 32 tỷ đồng tiền xây dựng nông thôn mới (chủ yếu là nợ đầu tư xây dựng cơ bản).
Tương tự, ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh cho biết, năm 2013 địa phương này là một trong bảy xã dẫn đầu toàn tỉnh về hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng để về đích “đúng hẹn”, Thạch Hạ phải đầu tư rất nhiều công trình cơ bản và đến nay xã này vẫn còn nợ đến 22 tỷ đồng.
Ngoài 2 xã Thạch Môn, Thạch Hạ thì Hà Tĩnh còn có 24 xã khác đã về đích nông thôn mới nhưng trong số này có nhiều xã vẫn đang nợ đầm đìa. Cụ thể, tại huyện Cẩm Xuyên có 3 xã là Cẩm Thành, Cẩm Thăng, Cẩm Bình đã về đích nông thôn mới nhưng đến nay cả 3 xã này đều “ôm nợ” (Cẩm Thành nợ 6 tỷ đồng; Cẩm Thăng nợ 6 tỷ đồng; Cẩm Bình nợ 1 tỷ đồng). Còn tại huyện Can Lộc cũng có 3 xã về đích nông thôn mới là Thiên Lộc, Khánh Lộc, Thanh Lộc. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Can Lộc thì đến nay cả ba xã nói trên đang nợ từ 6-7 tỷ đồng/xã.
Trụ sở và nhà văn hóa xã Thạch Hạ, xã còn “ôm nợ” 22 tỷ đồng tiền xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng thường trực điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã có 26 xã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện bình quân mỗi xã về đích nông thôn mới vẫn còn “gánh” từ 3-6 tỷ đồng tiền nợ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xã về đích nông thôn mới tại Hà Tĩnh phải “ôm nợ” là vì đã “vung tiền” đầu tư quá mức các công trình xây dựng cơ bản nhằm đảm bảo tiến độ “cán đích” nông thôn mới theo chỉ đạo của huyện, của tỉnh. Ông Võ Nhân Nông, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc cho biết, năm 2010 địa phương này vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới; đồng thời giao nhiệm vụ, thời gian “cán đích”.
Tiếp đó, để đảm bảo tiến độ, Thiên Lộc đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ, ngân sách dự án, ngân sách xã hội hóa… đầu tư hàng loạt công trình cơ bản. Cụ thể, đầu tư công trình nước sạch có kinh phí 21 tỷ đồng; đầu tư 9 nhà văn hóa thôn (1,2 tỷ đồng/nhà); nâng cấp trạm y tế xã kinh phí 2 tỷ đồng; xây mới, tu sửa 3 trường học hết tổng kinh phí 12 tỷ đồng; xây dựng hơn 10km đường bê tông liên xã; gần 4km đường bê tông thôn… Vì “vung tiền” đầu tư cơ sở vật chất như trên trong lúc nguồn vốn thiếu cân đối nên năm 2013, sau khi về đích nông thôn mới, xã Thiên Lộc “ôm nợ” hơn 20 tỷ đồng và đến nay sau gần 2 năm “còng lưng” trả nợ, hiện xã này vẫn còn nợ hơn 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ về đích nông thôn mới, từ năm 2010-2013, xã này đã đầu tư khoảng 126 tỷ đồng, chủ yếu nhằm xây dựng các công trình cơ bản. Đặc biệt, hiện nay, dù đã “cán đích” nông thôn mới nhưng Thạch Hạ vẫn đang xây dựng công trình “tiêu biểu” là miếu thờ Quan Quận. “Công trình nông thôn mới này đã được tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa”, ông Hàn nói.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, để đáp ứng đủ 19/19 tiêu chí về đích nông thôn mới, một số xã khác như Thạch Môn đã đầu tư xây dựng 1,9km đường rải thảm nhựa liên xã hết 14 tỷ đồng; công trình hội trường xã 5,5 tỷ đồng; chợ hết 6,7 tỷ đồng. Còn tại xã Cẩm Thành đầu tư nhà văn hóa xã hơn 6 tỷ đồng….
Theo một lãnh đạo tại tỉnh Hà Tĩnh thì một thực tế đang diễn ra tại nhiều xã về đích nông thôn mới của tỉnh này là có nhiều công trình nông thôn mới được xây dựng hoành tráng, “ngốn” hàng tỷ đồng nhưng đến nay chưa phát huy được nhiều hiệu quả và gây lãng phí. “Trong lúc vì những công trình này mà nhiều xã phải ôm nợ”, vị cán bộ này nói. Thiết nghĩ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Nhưng việc triển khai xây dựng phải có kế hoạch phối hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nhất là huy động sức dân. Cốt lõi của quá trình xây dựng nông thôn mới là phải đạt được các tiêu chí một cách bền vững, công trình phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, hết sức tránh bệnh “thành tích” để rồi ôm nợ như tại một số địa phương.
Nhiều sai phạm tại một xã điển hình nông thôn mới Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ xã Hương Hòa 175 tấn xi măng và UBND huyện Nam Đông hỗ trợ kinh phí gần 100 triệu đồng để mua cát sạn xây dựng đường bê tông. Theo đó, sẽ có 1.321m đường bê tông nông thôn được xây dựng để phục vụ việc đi lại cho người dân. Thế nhưng, lợi dụng dự án này, lãnh đạo xã Hương Hòa đã cho xây dựng 2 con đường bê tông rộng lớn đi qua mặt tiền nhà ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch UBND xã) và ông Cao Viết Hùng (Bí thư Đảng ủy xã). Sự việc khiến người dân địa phương bức xúc gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, trong các năm 2013 và 2014, có nhiều dự án được tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ người dân Hương Hòa nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một số cán bộ xã Hương Hòa đã cố tình trục lợi từ các dự án này… Trước những vụ việc khuất tất trên, vừa qua, Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Nam Đông đã có quyết định cảnh cáo, kỷ luật nhiều cán bộ chủ chốt của xã Hương Hòa. Cụ thể, cảnh cáo về mặt Đảng, hạ bậc lương đối với ông Cao Viết Hùng, buộc ông Hùng hoàn trả ngân sách số tiền 28,6 triệu đồng, do chi sai mục đích. Khiển trách về Đảng, hạ bậc lương đối với ông Diệp Hải Triều, buộc hoàn trả ngân sách 25 triệu đồng. Cách chức Ủy viên Đảng ủy, hạ bậc lương đối với ông Hồ Xuân Tuấn, Trưởng Công an xã Hương Hòa, buộc hoàn trả ngân sách và trả chế độ cho các cá nhân hơn 26,7 triệu đồng…(Anh Khoa) |