Đi dọc cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) những ngày cận Tết Nguyên Đán, mùi cá nướng lẫn trong mùi khói than hồng, ngào ngạt hương vị của biển khiến chúng tôi dường như không còn cảm nhận được cái lạnh của mùa đông mà thay vào đó là một chút hơi xuân ấm áp.
Video: Nghề nướng cá biển tất bật ngày giáp Tết
Từ lâu người dân Thạch Kim được biết đến và nổi tiếng với nghề đi biển đánh cá. Cũng chính vì thế mà nghề nướng cá ở nơi đây không còn xa lạ gì đối với người dân trong tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Yến (40 tuổi, xã Thạch Kim) cho biết, mỗi ngày nướng không dưới 1,5 tạ cá để giao bán cho khách, hoặc không có khách đặt thì chị lại nhận nướng thuê cho người khác.
Gặp chúng tôi khi đang dở tay với công việc nướng cá, chị Yến tủm tỉm nói: “Mùi cá này thơm lắm, các chú ngồi đây tối về đi cưa (tán) gái thì kiểu gì mấy em vẫn ngửi thấy mùi cá trên người cho mà coi ”.
Vừa trò chuyện, chị Yến vừa thoăn thoắt cầm đôi đũa đưa cá lên vỉ nướng, lật từng con cá để cá chín đều. Hỏi ra mới biết chị làm nghề nướng cá đã hơn 20 năm.
“Từ khi chưa lấy nhông (chồng) tôi đã làm nghề nướng cá biển. Bình thường cứ 3 đến 4h sáng, mỗi khi tàu thuyền cập bến, tôi lại chạy xe ra cảng cá Thạch Kim mua những rổ cá tươi như bạc má, cá nục, cá trích…. để về nướng bán cho khách”, chị Yến nói.
Theo chị Yến, hầu hết chỉ mua được cá đã đông đá từ các tàu đánh bắt dài ngày, một lượng nhỏ mua được cá tươi đánh bắt trong đêm và thường phải cạnh tranh mua với cả người bán lẻ ở các chợ xã nên khâu chọn và mua cá là khó khăn nhất.
Theo quan sát, việc làm lò nướng cá cũng không quá khó, chỉ cần dùng hai thanh sắt đôi dài kê lên hai viên gạch rồi phía dưới quạt than còn ở phía trên để cá lên nướng.
Tuy nhiên, để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay thì cá càng thơm ngon.
“Nướng cá mùa đông chứ mùa hè nắng 40 độ thì khổ lắm chú à, tôi phải ngồi bếp than để nướng hàng tạ cá, vã cả mồ hôi. Đó là chưa kể đến việc tiếp xúc với khói và bụi than, đêm về nằm ho sặc sụa còn chồng thì ngửi thấy mùi cá là không dám đụng (chạm) vào người”, chị Yến than thở.
Nhiều lúc chị muốn bỏ nghề nhưng đã gắn bó suốt hơn 20 năm giờ nói bỏ cũng không phải dễ. Hơn nữa, ngẫm lại ngoài nghề này, không còn nghề nào để làm nữa, đất chật người đông, ruộng đồng lại không có nên đành phải chấp nhận.
Cũng theo chị Yến, nghề nướng cá vất vả như vậy nhưng mỗi ngày may mắn nướng và bán được hết hàng thì chị cũng kiếm được 200 đến 300 ngàn đồng. Đặc biệt, những ngày Tết số lượng khách mua cá nướng tăng mạnh nên thu nhập cũng khá hơn.
“Gần Tết người dân mua cá tăng nên thường thì nướng không kịp để bán cho khách, dù vất vả nhưng sản phẩm làm ra có người mua, thu nhập lại tăng nên mình cũng phấn khởi”, chị Yến cười nói.
Cũng giống chị Yến, chị Đặng Thị Xuân (45 tuổi, xã Thạch Kim) cũng đã có đến 15 năm làm nghề nướng cá. Mỗi ngày lò nướng của chị cũng nướng được vài tạ cá biển.
Theo chị Xuân, mùa Đông và giáp Tết là cá nướng bán chạy nhất, nhờ sự tiêu thụ mạnh của người dân trong và ngoài tỉnh.
Thời gian này, việc nướng cá thường không kịp để bán cho khách, còn mùa nóng (mùa đánh bắt được nhiều cá nhất) thì cá nướng lại bán ế hơn.
“Các loại cá nướng được ưa chuộng nhất là cá trích, nục, bạc má, đỏ, thu nhỏ, đục… Cũng có hộ còn nướng cả mực, nhưng chỉ là số lượng ít vì giá cao mà thị trường tiêu thụ thường là các nhà hàng lớn”, chị Xuân nói.
Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao không để cá tươi đưa đi bán mà phải nướng thì chị Xuân cho biết: “Do cá đánh bắt được lên ướp đá lâu ngày không còn tươi và giữ được thịt thơm ngon, chính vì thế cá nướng vẫn được người dân ưa chuộng hơn”.
Được biết, ở xã Thạch Kim có đến gần 20 hộ gia đình làm nghề nướng cá, tập trung chủ yếu tại các xóm gần cảng cá, nơi neo đậu của tàu thuyền. Trung bình mỗi ngày xã xuất đi khoảng 10 tấn cá các loại, thị trường chủ yếu là trong tỉnh và Nghệ An.
Nghề cá nướng của xã Thạch Kim tuy vất vả nhưng hầu như không ai bỏ nghề bởi cá nướng đã trở thành đặc sản của người dân Thạch Kim, khắp nơi ưa chuộng và mang lại thu nhập ổn định.
Phan Hiếu