Tối 21/10, tại thành phố Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh trang trọng tổ chức kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-2023).
Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có chủ đề “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: Danh bất hư truyền” với thời lượng 50 phút, do NSƯT An Ninh tổng đạo diễn, âm nhạc do nhạc sĩ Quốc Dũng dàn dựng.
Một tiết mục tại chương trình nghệ thuật “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Danh bất hư truyền”. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Chương trình mang đến cho khán giả những trích đoạn kịch dân ca, tổ khúc dân ca và các ca khúc đặc sắc viết về mảnh đất Can Lộc nói riêng, quê hương Hà Tĩnh nói chung như: Về miền nhân kiệt; Kẻ sỹ núi Bùi Phong - “Vua Quang Trung cầu hiền”; Tây Sơn bước chân hào kiệt; Danh bất hư truyền; Hà Tĩnh đất phượng hoàng.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống của quê hương, con người Hà Tĩnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Hà Tĩnh vinh dự là quê hương sinh thành, dưỡng dục, tạo nên khí phách, bản lĩnh của các bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa nổi tiếng, các nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong đó có người con ưu tú La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804).
Bằng trí tuệ uyên thâm, lỗi lạc, Nguyễn Thiếp đã phò vua, giúp nước, góp phần quan trọng đánh bại quân Thanh. Sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Thiếp đã cùng vua Quang Trung lo việc chấn hưng, xây dựng đất nước.
Dưới triều đại Quang Trung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã dành nhiều tâm sức dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức một thời của nước ta.
Nguyễn Thiếp mất năm 1804. Năm 1994, di tích đền thờ Nguyễn Thiếp tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc và phần mộ tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2016, cùng với các danh nhân: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp để đúc tượng và đưa vào thờ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.
Ông Lê Ngọc Châu khẳng định, những giá trị văn hóa, giáo dục, tư tưởng hội tụ đầy đủ trong con người La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định ông là một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp xứng đáng là một nhà hiền triết, nhà giáo có vai trò quan trọng đối với nền văn hóa, giáo dục Việt Nam cuối thế kỷ XVIII.
Lễ kỷ niệm 300 năm năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp một lần nữa càng khẳng định, tôn vinh những giá trị mà ông đã để lại; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử văn hóa của con người Hà Tĩnh, đặc biệt là truyền thống hiếu học, để các thế hệ tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh vươn tầm ra thế giới.
Tại lễ kỷ niệm, khán giả cũng được tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân qua bộ phim tài liệu “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Danh sỹ đất Hồng Lam”.
Bức tượng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp bằng chất liệu đồng tại đền thờ danh nhân ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Trước đó, trong sáng 21/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Viện Sử học quốc gia tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam”.
Hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong cả nước gửi về. Hội thảo nhằm công bố những sưu tầm, khảo cứu, những nghiên cứu mới về cuộc đời, con người, sự nghiệp, quê hương, thời đại, các mối quan hệ xã hội, lịch sử của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Qua đó bổ sung, khẳng định vai trò và những đóng góp của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đối với triều Tây Sơn, với văn hóa và lịch sử đất nước; bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa triều Tây Sơn và danh nhân Nguyễn Thiếp.
Tác giả: T.Toàn
Nguồn tin: Báo Công Luận