Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Khi giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường

Sau 5 năm thực hiện thí điểm xây dựng mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, khu dân cư (KDC) Liên Hà (xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh) đã có những bước phát triển vượt trội cả về xóa đói giảm nghèo lẫn bảo vệ môi trường. Từ đây, KDC này đã vươn dậy.

Phố không rác

Liên Hà nằm bên con sông Rào Cái (thường gọi là sông Hộ Độ), đây là một KDC đông dân nhất ở Hà Tĩnh, lại là vùng ven đô thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão, lũ. Năm 2008, KDC Liên Hà được chọn thí điểm để xây dựng mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, đây quả là điều không dễ đối với đội ngũ những người làm công tác Mặt trận. Thế nhưng, hiện nay nơi đây lại được mệnh danh là “phố không rác” và là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã.

Liên Hà có 237 hộ với 968 nhân khẩu, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là 11,3%, đến nay giảm xuống chỉ còn 2,7% (bình quân mỗi năm giảm được 2%). Đời sống nhân dân ngày càng được đảm bảo, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người 6 triệu đồng/người/năm (2008), đến nay đã đạt 23 triệu đồng.

Liên Hà hôm nay đã đổi thay, hệ thống đường đất trước đây nay đã được bê tông hóa hoàn toàn, phong trào xóa nhà tranh tre dột nát đã biến vùng đất này thành “ngói hóa” và những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ… đã biến Liên Hà thành phố trong làng.

Không chỉ vậy, Liên Hà còn là phố không rác. Những con đường rợp bóng cây xanh, những đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng mát, vườn tược chỉnh trang… Ý thức được việc bảo vệ môi trường là cần thiết, hữu ích nên mỗi người dân Liên Hà đều ra sức thực hiện. Bên cạnh thu gom rác thải thì người dân đã phân loại theo đúng quy định. Hàng tháng, xóm tổ chức dọn vệ sinh môi trường dọc các trục đường, phát quang bụi rậm, trở thành hoạt động thường kỳ của thôn. Có thể nói, mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” đã thực sự làm đổi thay một ngôi làng, một KDC vốn nghèo khó vươn lên thoát nghèo.

Bà Đặng Thị Nhị, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Liên Hà chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai đến bây giờ, mô hình này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, được đầu tư nhiều công sức, mất nhiều thời gian và tâm huyết của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bởi vậy mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Để thay đổi được nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường là điều rất khó. Đòi hỏi phải kiên trì, quyết liệt mới mong đạt được kết quả. Bây giờ mọi việc đã đi vào nề nếp nên việc duy trì mọi hoạt động cũng dễ dàng hơn”.

5 năm nay, 100% hộ dân ở đây đều ký kết thực hiện các cuộc vận động như “Xóa đói giảm nghèo”; “Năm không bốn sạch”; “An toàn vệ sinh thực phẩm”; “Bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”… Kết quả là trong 5 năm, toàn thôn đã làm được 29 nhà Đại Đoàn Kết, làm 8,6km đường bê tông, 2km kênh mương cứng, lắp đặt 7,7km đường ống dẫn nước sạch, trong đó người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng ngàn ngày công. Ban công tác Mặt trận đã vận động nhân dân hiến 2.100m2 đất (ước tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng) để mở rộng đường giao thông. Trồng hơn 6.000 cây xanh các loại trên tổng diện tích 10.000m2.

Để có được kết quả đó, theo ông Võ Thanh – Chủ tịch UBMTTQ xã Thạch Hạ đó là nhờ việc thực hiện thí điểm mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. “Liên Hà là một KDC đông dân nhưng mọi phong trào, mọi cuộc vận động đều thực hiện và hoàn thành xuất sắc, nhất là từ khi xây dựng mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” thì Liên Hà đã vươn dậy hẳn”, ông Thanh khẳng định.


Vẫn còn bất cập

Hiệu quả của mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” đã thể hiện khá rõ nét ở Liên Hà. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tồn tại những bất cập cần được tháo gỡ.

Trước hết, đó là rác thải đã được chú trọng thu gom, song nước thải thì chưa được quan tâm đúng mức. Ông Võ Thanh cho biết: “Xóm đã có đường bê tông, có kênh mương nội đồng nhưng mương nước thải thì chưa có, mặc dù trong quy hoạch thì hai bên trục đường dân sinh đều có mương nước thải. Chính vì vậy, nước thải sinh hoạt hay nước mưa lũ thường tràn ra đường, ảnh hưởng đến môi trường”. Bên cạnh đó, việc thu gom rác thải đã trở thành thói quen của mỗi người dân nhưng việc phân loại rác thải không được triệt để mà còn qua loa, đại khái. Rác sau khi thu gom thì tập kết bên đường quốc lộ, chờ xe chở rác của thành phố xuống gây mất mỹ quan, đồng thời ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Tại thôn Liên Hà hiện nước sạch vẫn chưa “phủ” hết toàn thôn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ nghèo chưa thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Trương Công Trung – Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ cho biết, đối với bất cập về mương nước thải thì hướng giải quyết đó là phải có kinh phí. Việc xây mương thoát thải cần một khoản tiền rất lớn, song tiềm lực của địa phương thì có hạn. Xã cũng đã có phương án, tập kết rác tại một điểm cách xa KDC, xây tường bao xung quanh, mỗi khi đến ngày xe chở rác đến thì tổ thu gom rác thải sẽ tập kết rác về đó, phương án này đang chờ phê duyệt.

Mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” về cơ bản đã tác động một cách tích cực đến nhận thức của nhân dân, sắp tới xã Thạch Hạ sẽ nhân rộng mô hình này”, ông Trung thẳng thắn nhận định.

HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP