Trao đổi với Zing News, những hộ nuôi ngao thôn Bắc Hà (xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết sau khi xuất hiện sự cố cá chết hàng loạt, những con ngao nằm sát biển cũng dần bắt đầu chết trắng đầm. Chỉ trong vòng vài ngày, hiện tượng ngao chết hàng loạt đã khiến người nuôi ngao tại xã Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Khi sự cố cá chết hàng loạt vẫn chưa chấm dứt thì người dân Hà Tĩnh lại phải đối mặt với hiện tượng ngao chết hàng loạt. Ảnh Zing News
Bà Đậu Thị Thanh có diện tích nuôi ngao 1,5 ha. Số tiền bà Thanh bỏ ra để mua ngao giống từ tỉnh Thái Bình, Nam Định lên tới 180 triệu đồng song hơn 10 ngày nay, ngao bỗng há miệng trắng xóa. “Chúng tôi phải đặt sổ đỏ để vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hiện tại chúng tôi trắng tay và cũng không có khả năng trả nợ”, bà Thanh than thở.
Khu vực này chỉ có 5 hộ dân thôn Bắc Hà (thuộc xã Kỳ Hà, Kỳ Anh) nuôi ngao với diện tích gần 10 ha. Người dân ước tính, hơn 10 tấn ngao đã chết trắng, nhiều đầm nuôi số lượng ngao chết lên tới 90%.
Bà Hà Thị Lịch nuôi trồng ngao tại đầm hơn 10 năm nay, nhưng chưa có năm nào bị tình trạng ngao chết hàng loạt như vậy. Cả gia đình có 8 nhân khẩu trông chờ vào đầm ngao, nhưng giờ họ không còn gì. Số tiền bà Lịch bỏ ra mua giống thả xuống đồng lên tới 150 triệu đồng.
Trước tình trạng ngao chết ở Hà Tĩnh, ngày 26/4, nhiều hộ dân đi nhặt vỏ ngao để làm sạch đầm trong khi một số người khác tranh thủ vớt những con ngao còn sống về để cho gia súc ăn. Hầu hết các gia đình tự đi nhặt vỏ ngao hoặc thuê nhân công lên tới 200.000 đồng một ngày để dọn sạch lượng ngao chết trắng đầm.
Đáng chú ý, cách đây 6 ngày, người dân tại Kỳ Hà cho biết, khi họ ra đầm thăm ngao, lúc về toàn bộ phần chân bị ngâm dưới nước phồng rộp, sưng tấy. Một số con ngao còn sống khi bóc ra xuất hiện màu đen phía trong. Người dân cho biết, họ nhặt ngao về nhưng không dám ăn vì sợ độc tố làm ngao chết hàng loạt vẫn còn bên trong.
Từ chỗ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều gia đình bỗng trở nên trắng tay vì ngao chết ở Hà Tĩnh. Ảnh Zing News
Những người có kinh nghiệm cho biết, nuôi ngao thích hợp nhất là dưới các cồn cát có nước. “Đây là tháng buôn bán ngao tốt nhất trong năm, còn nếu để tháng 9, mùa nước lên, chúng tôi không thể lấy”, anh Phạm Xuân Phương chua xót chia sẻ.
Cùng đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì hiện tượng ngao chết hàng loạt là người nuôi ngao ở nhiều xã ven biển của huyện Hải Hà, Quảng Ninh. Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đoàn (43 tuổi, trú thôn 3, xã Quảng Minh, H.Hải Hà) cho biết gia đình ông đã đầu tư gần 430 triệu đồng vào 3 ha bãi nuôi ngao nhưng nay hầu hết số ngao nuôi bị chết. Theo ông Đoàn, hiện tượng ngao chết hàng loạt xảy ra từ tháng 10/2015 và ngày càng rộ cho đến nay.
“Cuối năm ngoái, nhà tôi chuẩn bị thu hoạch thì ngao chết, sau đó thì nuôi đợt nào chết đợt ấy, giờ vẫn đang tiếp tục chết”. Đáng lo ngại là gia đình ông Đoàn đã thế chấp nhà cửa để vay ngân hàng 250 triệu đồng, nay đang lo lắng về khoản tiền sắp phải trả. Ông Đoàn cho biết gia đình đã 2 lần phải thuê người đi cào vỏ ngao mất hơn 30 triệu đồng, giờ hết tiền nên bỏ đầm bãi hoang hóa, ngao chết thối bốc mùi xú uế, cát chuyển sang màu đen, vỏ ngao đổ thành đống.
Theo ông Đoàn, ông Phán, hầu hết các hộ nuôi ngao, vạng đỏ ở Quảng Minh đều đang thất thu, nợ nần chồng chất, đầm bãi bỏ không vì hết vốn. Các bãi ngao 3 anh em ông Đoàn nuôi đều mất trắng. Theo ông Đoàn, mong muốn của người dân ở đây là được ngân hàng hoãn, giãn nợ để họ có thời gian gượng dậy.
Cùng cảnh ngộ nhiều hộ nuôi ngao ở xã Quảng Minh, người nuôi ngao ở các xã lân cận của huyện Hải Hà là Quảng Thắng, Quảng Hà, Quảng Điền cũng lâm cảnh lao đao, không lối thoát khi ngao chết. Để lấy lại một phần vốn liếng, nhiều hộ dân tranh thủ thu hoạch ngao dù chưa đạt tiêu chuẩn thương phẩm để bán chạy trước khi ngao chết hàng loạt. Tuy nhiên, giá bán ngao cũng xuống thấp, chỉ khoảng 9.000 đồng/kg và không vớt vát được bao nhiêu.
Trong khi đó, người dân ở Hải Hà (Quảng Ninh) cũng khóc ròng khi chứng kiến cảnh ngao chết hàng loạt trắng bãi nuôi. Ảnh Thanh Niên
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, hiện địa phương này có 65 hộ dân nuôi ngao và một số loài nhuyễn thể khác trên diện tích hơn 215 ha. Các hộ khởi nghiệp từ năm 2000, giống nhập từ Thái Bình, Nam Định nhưng không được kiểm dịch và được cho là thả với mật độ quá dày. Ông Chính xác nhận, vào các năm 2001, 2008, khu vực này từng bị thiệt hại tương tự, người dân đã từng vài lần điêu đứng.
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Công, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, ngày 24/3 Sở đã cử cán bộ chuyên môn xuống bãi nuôi lấy mẫu kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân. Trước đó, vào cuối tháng 12/2015, ngay sau khi nhận thông tin có hiện tượng ngao nuôi chết tại H.Hải Hà, Sở cũng đã thu mẫu giám sát, quan trắc môi trường và xác định nghêu, ngao nuôi chết không phải do bệnh tật mà chủ yếu là do mật độ thả nuôi quá dày.
Thêm vào đó, ngao đã đạt tiêu chuẩn thương phẩm nhưng người dân chưa thu hoạch mà để đó chờ được giá, cộng với thời tiết lạnh, các bãi nuôi đầu nguồn khi mới có hiện tượng ngao chết hàng loạt không được xử lý kịp thời, triệt để, làm ô nhiễm môi trường khiến ngao ở các bãi nuôi khác chết tiếp…
Lan Anh (T/h)