Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Hành nghề y, dược tư nhân không phép (Bài 1)

Ngoài kiểu hành nghề như ông N., trên địa bàn tỉnh ta đang còn khá nhiều kiểu hành nghề y tự phát, nhỏ lẻ, núp bóng các tổ chức nhân đạo, từ thiện. Số đối tượng hành nghề này thường không biển hiệu, không đăng ký, hoạt động không cố định, thường xuyên nên ngành Y tế gần như không thể nắm bắt, quản lý và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người dân rất cao. Đơn cử, ngày 7/1/2014, sau khi đến một điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện trên địa bàn xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) để tiêm một liều thuốc bổ, ông Lê Đình Tứ (76 tuổi, trú tại khối phố 8, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) đã tử vong. Tại các điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện do một số người dân địa phương lập nên và chưa có giấy phép như thế này, việc để xảy ra các sai sót nghiêm trọng về chuyên môn là không tránh khỏi.

– Bát nháo “sân chơi”
Theo số liệu của cơ quan chức năng, Hà Tĩnh hiện có 1.174 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; trong đó mới chỉ có 98 cơ sở hành nghề y và 586 cơ sở hành nghề dược hoạt động hợp pháp. Số còn lại đang lợi dụng kẽ hở của các cơ quan quản lý, ngang nhiên hành nghề, bất chấp an nguy tính mạng người dân…Là một cán bộ của trạm y tế xã, sau 9 năm công tác, năm 1984, ông Nguyễn N. (Đức Thọ) xin nghỉ việc về mở cơ sở hành nghề y, dược tại nhà riêng. Mặc dù trình độ chuyên môn sơ cấp và tham gia một khóa học đông y tại Nghệ An, nhưng cơ sở của ông N. vẫn hoạt động như một bệnh viện đa khoa thu nhỏ. Một mình ông vừa khám bệnh, vừa kê đơn, bốc và bán thuốc chữa bệnh cả tây y và đông y.
Hành nghề y, dược tư nhân không phép (Bài 1): Bát nháo “sân chơi”
Bán thuốc không cần đơn của bác sỹ diễn ra ở hầu hết các cơ sở hành nghề dược

Không riêng hành nghề trái phép, trong số 98 cơ sở hành nghề y hợp pháp, cũng không quá khó để nhận ra những “lỗi” như: quảng cáo quá phạm vi hoạt động được cấp phép (thường các phòng khám hay ghi thêm chữ chất lượng cao – PV); biển hiệu không đúng quy định; công khai giá dịch vụ và phạm vi chuyên môn chưa rõ ràng; vi phạm quy chế chuyên môn, kỹ thuật y tế; hoạt động quá phạm vi cho phép. Một đặc điểm phổ biến hiện nay ở các cơ sở hành nghề y ngoài công lập thường là sử dụng nơi ở hoặc thuê lại nhà ở của người khác để hành nghề, do vậy, cơ sở vật chất chưa đạt theo yêu cầu xây dựng và thiết kế đối với từng loại hình hoạt động khám chữa bệnh; diện tích các phòng chưa đủ; quy trình xử lý rác thải y tế… chưa đúng quy định.

So với hành nghề y thì số cơ sở hành nghề dược ngoài công lập trái phép không nhiều, song nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn rất cao. Có thể nói, thuốc chữa bệnh là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện và phải được đặt trong những môi trường bảo quản với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Song, tại các chợ nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, thuốc chữa bệnh được bày bán khá thoải mái, thậm chí còn được bày chung với nhiều hàng hóa khác. Những mẹt hay sạp thuốc chữa bệnh “phơi” nắng mưa, từ phiên chợ này sang phiên chợ khác. Chưa nói đến hạn sử dụng, chỉ riêng điều kiện bảo quản và môi trường xung quanh cũng có thể làm biến đổi thành phần, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Ngoài thuốc chữa bệnh, tại các chợ ở nông thôn, người ta còn bày bán rất nhiều loại dược liệu chưa qua chế biến (còn gọi là thuốc sống – PV). Không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; người bán chỉ biết bán, người mua tùy thích mua, còn công dụng, hiệu quả chữa bệnh đến đâu thì đến “thần y” cũng chịu.

Hệ thống 586 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cũng có “lỗi”. Ngoài những vi phạm dễ thấy như về tiêu chuẩn, cách sắp xếp, phân loại nhóm thuốc, tủ thuốc chưa khoa học; việc niêm yết giá thuốc chưa đầy đủ, chưa đúng quy định thì còn nhiều biểu hiện vi phạm khác. Theo quy định, các đại lý chỉ được phép bán những loại thuốc của công ty mình nhận làm đại lý và không được bán các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn (thuốc giảm đau, chống viêm, gây nghiện, gây mê – PV) nhưng trên thực tế thì gần như đại lý nào cũng đều bán thuốc kê đơn. Tại một số nhà thuốc, quầy thuốc đang hoạt động nhưng không có mặt của chủ quầy thuốc, nhà thuốc cho thấy tình trạng mượn tên, đứng tên để kinh doanh thuốc vẫn còn xảy ra…

Tình trạng lộn xộn, bát nháo trong hành nghề y, dược tư nhân đã tồn tại hàng chục năm nay. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cơ sở hành nghề kiểu này đua nhau mọc lên “như nấm sau mưa”. Thế nhưng, công tác kiểm tra, quản lý của các ngành chức năng xem ra chưa thực sự phát huy hiệu quả. Có vẻ như, các cơ quan chức năng – những người làm công tác trọng tài đã “ngủ quên” trên “sân bóng”.

Tuấn Nghĩa – Thăng Long

(Còn nữa)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP