Hương Khê

Hà Tĩnh: Hàng chục hecta rừng Phú Gia bị “triệt hạ” trái phép

Hàng chục hecta rừng tại tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị chặt phá trái phép trong thời gian dài khiến nhiều người dân địa phương xót xa và bức xúc.

Tan hoang cánh rừng đầu nguồn

Nhận được phản ánh của người dân xã Phú Gia, phóng viên Báo PLVN đã tìm về địa phương này để tìm hiểu sự việc. Được một người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi men theo con đường độc đạo để đi vào hiện trường cánh rừng bị “lâm tặc” chặt phá, đốn hạ.

Trên đường đi vào rừng, chúng tôi bắt gặp một người dân bản địa khác, người này cho biết: “Việc hàng chục hecta rừng tại xã Phú Gia bị chặt phá trái phép, không thương tiếc thì người dân ai cũng biết, tuy nhiên cũng đành bất lực nhìn rừng “chảy máu”. Rừng tự nhiên bị đốn hạ xảy ra từ rất lâu rồi không phải là mới “ngày một ngày hai”. Người dân ai cũng bức xúc bởi những cánh rừng đang xanh tươi bỗng nhiên bị chặt hạ, đốt phá nham nhở. Con đường đi vào rừng đang bình yên cũng bị tàn phá dẫn đến “nát bét” trở nên khó đi như vậy đó. Điều xót xa và đau lòng nhất là những cánh rừng vừa tái sinh nay lại bị triệt hạ, không biết đến bao giờ rừng mới được xanh tốt như trước đây…”.

Sau một thời gian khó khăn để vượt qua đoạn đường đồi núi đầy đá cuội lởm chởm, chúng tôi cũng có mặt tại tiểu khu 229, nơi có hàng chục hecta rừng đã bị đốn hạ, đốt phá.

Men theo những lối mòn nhỏ, chúng tôi lần ra những đoạn rừng đã bị “triệt hạ”. Cả một cánh ven biên giới, rộng hàng chục ha bị chặt phá tan hoang. Tại hiện trường, dấu vết từ những gốc cây gỗ cho thấy rừng đã bị triệt hạ bằng cưa xăng, dao… Nhiều cây gỗ có đường kính lớn đã bị đốn hạ, có những cây không bị “hạ” nhưng cũng chỉ còn trơ lại thân tàn. Bởi tuy chưa bị chặt nhưng cũng đã chết vì bị dùng lửa thiêu đốt “bức tử”. Thậm chí ngay cả những cây rừng tự nhiên có đường kính nhỏ cũng bị “triệt hạ” không thương tiếc.

Càng đi vào sâu càng thấy rõ sự nham nhở do việc chặt phá rừng gây ra. Có đoạn cả một khu rừng rộng không còn một bóng cây bởi sau khi đốn hạ, rừng còn bị châm lửa đốt. Ngay cả những cây thực bì, tre nứa, dây leo của rừng cũng bị thiêu rụi.

Trèo lên một cánh rừng khá cao, chúng tôi nhận thấy một số địa điểm của tiểu khu 229 vẫn còn có nhiều bê gỗ đã được cưa xẻ nằm vương vãi, ngổn ngang trên mặt đất. Ngoài nhưng cây gỗ lớn bị cưa thành gỗ thành phẩm chuyển đi thì phần gỗ bìa, ngọn và cành vứt ngổn ngang trong rừng.

Thấy một số thân gỗ, cành cây sót lại nằm lăn lóc trên mặt đất, anh bạn đi cùng tôi cho rằng: “Miếng “ngon” thì bọn nó đã đưa ra đem đi bán hết rồi. Hàng chục hecta bị chặt phá mà sót lại mấy khúc gỗ với mấy cái cành ngọn thế này là ít lắm rồi đó chú. Cành ngọn thì không nói nhưng có lẽ những khúc gỗ còn lại này dù thấy là lớn thế nhưng không có giá trị nên bị “lâm tặc” chừa lại…”.

Đốt rừng trồng keo

Trong quá trình “tham quan” những cánh rừng, người dẫn đường cho chúng tôi cho hay: “Như thấy các chú thấy đó, những đoạn không bị chặt phá thì rừng tự nhiên rất xanh tươi. Trước đây, tiểu khu này có những đoạn mật độ cây rừng khá dày, trữ lượng hàng chục m3/ha, cây bình thường tính quân bình cũng cao 7-10m cả. Còn bây giờ những đoạn bị chặt phá thì đã chẳng còn gì nữa rồi. Vốn dĩ đây là rừng được giao cho một số hộ dân với mục đích là khoanh nuôi, sản xuất, bảo vệ chăm sóc. Nhưng giờ thành ra như thế đó, chăm sóc và bảo vệ rừng thì không thấy mà giờ lại thấy chặt phá trái phép, triệt hạ rừng…”.

Người dẫn đường cho chúng tôi biết thêm: “Điều đáng nói là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, UBND xã Phú Gia nằm cách khu rừng bị chặt phá trái phép cũng không xa lắm. Ngoài hai cơ quan trên thì còn có lực lượng Kiểm lâm của địa phương đóng trên địa bàn huyện. Hơn nữa càng không hiểu sao, gần cánh rừng này cũng có tổ bảo vệ rừng mà việc “lâm tặc” ngang nhiên chặt gỗ diễn ra thời gian dài, châm lửa đốt khiến các cánh rừng tan hoang lại không ai can thiệp. Nếu can thiệp sớm và có giải pháp xử lý triệt để thì có lẽ diện tích và số lượng cây rừng bị đốn hạ đã không lớn như thế này…”.

Ngoài việc đốn hạ rừng tự nhiên thì những vị chủ rừng được giao bảo vệ chăm sóc sau khi “trảm” thân cây xong còn dùng lửa thiêu đốt cả cánh rừng, cây thực bì còn lại để lấy đất trồng cây keo.

Theo nguồn tin của phóng viên, tổng diện tích rừng tại xã Phú Gia bị chặt phá là gần 40 hecta, với số lượng hàng ngàn cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, tập trung tại khoảnh 2, 5a, 6. Trong đó, khoảnh 2 có diện tích bị chặt phá lớn nhất với diện tích là 22,81 hecta.

Các cơ quan chức năng liên quan nói gì trước vụ việc nghiêm trọng trên, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Phan Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP