Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Giết mổ gia súc tự phát tràn lan, trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện nay trên địa bàn Thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tình trạng giết mổ gia súc tự phát tại các hộ gia đình diễn ra tràn lan mà không hề bị xử lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Clip: các cửa hàng bán thịt lợn trôi nổi

Có mặt tại các chợ của huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh, không khó để chúng tôi bắt gặp những sạp thịt tạm bợ được bày bán ven đường. Đáng nói, tất cả số thịt này đều không hề có dấu kiểm dịch

Thịt lợn không có dấu kiểm dịch được bày bán công khai tại TX Kỳ Anh

Trong vai người đi mua thịt, chúng tôi hỏi một người bán thịt tại TX Kỳ Anh về lý do tại sao không có dấu kiểm dịch, anh này tiết lộ: “Vào lò mổ làm gì cho mất công và tốn kém. Làm ở nhà cũng có bị làm sao đâu? Thích có dấu thì bỏ ra 100.000 đồng là có liền”.

Tương tự, tại chợ Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, các hộ bán thịt cũng đều khẳng định họ làm thịt lợn thường xuyên nhưng không cần đưa vào lò mổ và cũng chẳng cần sự kiểm dịch của thú y.

Tại chợ Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh tình trạng thịt lợn không qua kiểm dịch cũng được bày bán công khai mà không hề bị xử lý

Theo báo cáo của UBND Thị xã Kỳ Anh, tình trạng giết mổ gia súc vào các lò mổ tập trung vẫn còn rất ít, mới đạt khoảng 65/%. Theo bảng tổng hợp bình quân mỗi ngày toàn thị xã mới chỉ có từ 15 - 20 con lợn được đưa vào lò giết mổ tập trung.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã có cuộc làm việc với các cơ quan chức năng để hiểu rõ hơn vì sao tình trạng giết mổ gia súc tràn lan trong một thời gian dài mà không bị xử lý.

Một cán bộ QLTT phụ trách thị xã kỳ Anh thông tin: “Ở TX Kỳ Anh vấn đề này cũng đang rất nóng. Để xử lý, cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt. Thậm chí còn có cả sự bảo kê bởi nhiều khi chúng tôi đi kiểm tra, tiểu thương đều biết để tìm cách đối phó".

Ông Thân Văn Tự, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX Kỳ Anh cũng thừa nhận vấn đề kiểm soát giết mổ đang còn lõng lẻo.

“Để ngăn chặn việc giết mổ gia súc tự phát, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền xã. Nếu xã kiểm soát chặt chẽ và xử lý mạnh tay thì sẽ ngăn cản được tình trạng này. Tôi cũng đề xuất rất nhiều lần với thị xã nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan”, ông Tự thông tin.

Ông Phan Quý Chương, Trưởng phòng quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi Chi cục Thú y Hà Tĩnh phân trần: “Để xảy ra tình trạng giết mổ tự phát trong dân diễn ra trong một thời gian dài, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương xã, huyện. Nếu xã và huyện không vào cuộc thì rất khó để xử lý. Chúng tôi chỉ quản lý và đề xuất với tỉnh có phương án xử lý”.

Văn bản số 411/UBND-NL ngày 24/01/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh

Ông Chương cho biết thêm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 411/UBND-NL ngày 24/1/2018 yêu cầu các Sở NN&PTNT, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã phải tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm... nhưng xem ra việc thực hiện vẫn chỉ mang tính hình thức. Công tác quản lý giết mổ tại nhiều địa phương vẫn còn lỏng lẻo, gia súc không đưa vào giết mổ tập trung còn nhiều như ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, TX Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Can Lộc...

Trước đó, ngày 22/3/2018, chuyên trang ANTT đã có bài viết: "Hà Tĩnh: Nghi vấn cán bộ thú y 'tiếp tay' cho người dân giết mổ gia súc tự phát". Sau khi báo đăng cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và phát hiện sai phạm của ông Nguyễn Văn Quỳ, Cán bộ hợp đồng kiểm soát tại lò giết mổ phường Sông Trí .

Ngày 4/4, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ Cây trồng Vật nuôi TX. Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Nguyễn Văn Quỳ vì có hành vi 'tiếp tay' cho người dân giết mổ gia súc tự phát. Thế nhưng mọi việc vẫn không hề chuyển biến, tình trạng người dân giết mổ gia súc tại nhà vẫn không thuyên giảm, nhiều sạp bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch vẫn được bày bán công khai mà không bị cơ quan chức năng xử lý.

Tác giả: Quốc Hoàn - Hồ Thắng

Nguồn tin: antt.vn

  Từ khóa: Hà Tĩnh , giết mổ gia súc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP