Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Giải pháp nào cho bài toán rác thải xây dựng?

Cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng đang hàng ngày, hàng giờ được đổ tùy tiện tại nhiều địa bàn ở Hà Tĩnh gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan. Trong khi đó, chính quyền và ngành chức năng có phần bị đọng trong việc tìm lời giải để chấm dứt thực trạng này.

Xã Thạch Bình thành phố Hà Tĩnh là địa phương ven đô- Nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng đổ bỏ rác thải tùy tiện. Phế thải như gạch đá sau khi xây nhà ngổn ngang, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đánh mất mỹ quan đô thị. Cùng chung thực trạng này tồn tại ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nằm ngay giữa khu đất nằm ven công trình hồ điều hòa trên địa bàn xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh nhiều năm nay cũng đang trở thành bãi tập kết phế thải xây dựng. Hàng loạt đống đất, đá to nhỏ nằm ngổn ngang. Loại rác thải này được chuyển đến từ các công trình xây dựng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn các phường trung tâm thành phố.

Điểm quy hoạch xây dựng khu sinh thái bị biến thành bãi rác xây dựng tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà


Bà Nguyễn Thị Hương- Một người dân ở thôn Tân Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh phản ánh: “ Ngay ở khu vực thoáng mát, thường thu hút đông đảo người dân tụ tập vui chơi bổng dưng được trưng dụng làm nơi đổ rác. Thật khó để chấp nhận những đống rác như núi nằm án ngữ năm này qua năm khác”.

Phần lớn hoạt động của các xe tải đổ trộm rác đều diễn ra buổi trưa hoặc đêm muộn khi vắng bóng người. Theo chân một xe tải từ khu vực nội thành, phóng viên đã chứng kiến rác thải gồm gạch vữa, bao bì… được trộn đổ tại những bãi đất trống dọc ven các tuyến đường nội thành hay bất cứ khu vực nào nếu không được rào chắn, bảo vệ.

Rác thải xây dựng được đổ ra bờ biển ở huyện Nghi Xuân


Ông Nguyễn Tuấn Anh- Chủ tịch UBND xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Một số khu vực khuất sâu, ít người qua lại trở thành những khu tập kết rác thải xây dựng. Mặc dù những tấm biển cấm đổ rác được cắm xung quanh khu vực này nhưng cũng không thể ngăn những người thiếu ý thức đổ trộm”.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trình nhà ở tư nhân, công trình phát triển đô thị đang được xây dựng, đồng nghĩa với lượng rác thải xây dựng thải ra là rất lớn. Theo thống kê tại thành phố Hà Tĩnh mỗi năm phát sinh hơn 6 ngàn tấn rác thải xây dựng.

Những đống rác thải từ công trình xây dựng tập kết thành đống lớn ở bên bờ hồ điều hòa xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh


Việc xử lý các loại rác thải này cũng gặp khá nhiều khó khăn đối với các hộ dân xây dựng cải tạo nhà, bởi lẽ thành phố chưa có bãi tập kết. Trong khi đó công ty CP môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh cũng không được giao nhiệm vụ thu gom rác thải xây dựng. Điều này đồng nghĩa rác thải từ các công trình đang được thu gom xử lý theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tiện đâu đổ đấy.

Thực trạng ô nhiễm rác thải xây dựng cũng đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong bối cảnh mật độ xây dựng ngày càng tăng cao đồng nghĩa với việc rác xây dựng thải ra môi trường ngày càng nhiều. Điều đáng nói là hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa quy hoạch được các bãi tập kết rác thải xây dựng.

Phương pháp xử lý rác thải xây dựng đang phổ biến ở các địa phương trong toàn tỉnh hiện nay là chôn lấp. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, ít chi phí, dễ sử dụng và có thể xử lý một lượng lớn cùng một lúc. Thế nhưng để có thể chôn lấp được đảm bảo thì việc phân loại tại nguồn hết sức quan trọng.

Kỹ sư Môi trường Đặng Thị Quyên- Công ty CP Tài nguyên môi trường T&T (đơn vị tư vẫn lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Rác thải xây dựng nếu không được phân loại và đổ thải lén lút tại các khu vực công cộng không thì không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, diện mạo nông thôn, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Bởi trong rác thải xây dựng có nhiều vật liệu chứa các hợp chất độc hại, nhiều vật liệu nhựa thời gian phân hủy kéo dài tới cả hàng trăn năm.

Rác thải xây dựng nằm án ngữ tại điểm vui chơi ở cạnh hồ điều hòa, xã Thạch Trung


Theo số liệu phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỉ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25-30% là rác thải xây dựng. Trong khi đó rác thải xây dựng được ví như một nguồn tài nguyên nếu bết tái chế sử dụng một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Khánh Trà- Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc - Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay, ở các đô thị lớn ngoài việc chôn lấp thì vật liệu xây dựng đang được tái chế theo các công nghệ hiện đại cho phép tận dụng 100% chất thải từ vật liệu xây dựng. Các hạt thành phẩm sau xử lý cho nhiều kích cỡ. Hạt to có thể dùng làm cấp phối san nền đường, cát mịn có thể dùng để sản xuất gạch lát vỉa hè, vườn hoa, công viên, đê chắn sóng... thậm chí có thể dùng để chế tạo bê tông tươi”.

Ông Nguyễn Đức Công- Phó Phòng TN&MT thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Giải bài toán cho rác thải xây dựng, hiện nay, UBND thành phố Hà Tĩnh đang chỉ đạo các địa phương đơn vị liên quan triển khai xây dựng bãi tập kết rác thải xây dựng tập trung tại phường Đại Nài. Quy mô dự án gần 5ha với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần xử lý bùn đất từ hệ thống thoát nước đạt công suất 43m3/ ngày đêm; xử lý đất cát, các thành phần vô cơ như sành sứ, thạch cao, gỗ, thủy tinh …đạt công suất 50m3/ ngày đêm”.

Rác thải xây dựng có thể sử dụng cho việc tái chế


Rõ ràng những giải pháp tổng thể như quy hoạch các điểm thu gom, ưu tiên tái chế, tái sử dụng là hết sức cần thiết, đảm bảo cho một sự phát triển bền vững. Trong khi chờ đợi, các cấp các ngành ở Hà Tĩnh cần tăng cường quản lý việc chấp hành quy định xử lý rác thải xây dựng của các tổ chức cá nhân.

Thêm nữa, một yêu cầu đặt ra đó là phương án thu gom xử lý rác thải phải được đề cập trong phương án thi công, tránh tình trạng thi công nhưng không cần biết địa điểm, phương thức, cách thức đổ bỏ và xử lý rác thải xây dựng như lâu nay tại nhiều địa bàn.

Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP