Những năm gần đây, Cảng Xuân Hải từ chỗ gặp nhiều khó khăn đang từng bước vươn lên khẳng định mình, trở thành cửa ngõ đường thủy quan trọng thứ hai của tỉnh (sau Cảng Vũng Áng). Với đặc điểm vùng, những năm qua, Cảng Xuân Hải là nơi trung chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào, tái xuất sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Gần đây, do sự thay đổi của tình hình kinh tế thế giới (đặc biệt thị trường Trung Quốc không ổn định) cũng như chính sách xuất khẩu trong nước, các mặt hàng này qua Cảng Xuân Hải giảm mạnh. Tuy nhiên, các sản phẩm như: gỗ băm dăm, than đá, vật liệu xây dựng, quặng mangan, gỗ cây, lương thực, thạch cao… lại trở thành những mặt hàng chính tại cảng, với số lượng làm thủ tục xuất khẩu ngày càng lớn.
Đạt được kết quả này, có thể nói, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự thông thoáng, đơn giản hóa về thủ tục xuất nhập khẩu; công tác cải cách hành chính được thực hiện một cách tối đa. Hầu hết các doanh nghiệp, bạn hàng đều khá yên tâm và thoải mái mỗi khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cảng Xuân Hải. Ông Đinh Đức Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Đức Hạnh cho biết, thủ tục xuất nhập khẩu tại Cảng Xuân Hải rất nhanh chóng, đơn giản. Trong những trường hợp cần thiết, khách hàng truyền thống chỉ cần gọi điện thông báo kế hoạch là cảng sẽ bố trí. Biện pháp này đã rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một tín hiệu vui đối với hệ thống cảng sông – biển nói chung và Cảng Xuân Hải nói riêng, đó là ngày 30/6/2014, Bộ GTVT đã thông qua Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT về việc công bố tuyến vận tải từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Theo đó, các tàu vận tải sông – biển được phép hoạt động vận tải hàng hóa với những ưu đãi và điều kiện hỗ trợ đặc biệt. Bên cạnh đó, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ về mặt tải trọng xe, nhiều đơn vị, doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang vận tải đường thủy bằng đội tàu sông – biển với sản lượng gia tăng nhanh chóng.
Hàng hóa thông qua Cảng Xuân Hải ngày càng đa dạng |
Theo ông Nguyễn Duy Linh – Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào, đây là cơ hội tốt để đơn vị gia tăng sản lượng hàng hóa thông qua cảng, nhưng cũng đặt ra những thử thách về yêu cầu năng lực bốc dỡ. Bởi, trong khi lượng hàng hóa dự kiến tăng thì cơ sở hạ tầng bến bãi vẫn chưa đáp ứng được. Hiện tại, lượng hàng hóa qua Cảng Xuân Hải tăng rất nhiều so với thời điểm năm 2013 trở về trước (tăng lên 20 khách hàng); dự kiến, năm 2014, đạt khoảng 200.000 tấn với tổng doanh thu khoảng 6 tỷ đồng. Từ năm 2015-2016, dự kiến, sản lượng tăng từ 300.000-500.000 tấn với tổng doanh thu 20-30 tỷ đồng. Nếu nhìn vào sự tăng trưởng trong những tháng vừa qua, đồng thời đảm bảo năng lực bốc dỡ thì con số trên hoàn toàn có thể đạt được.
Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Duy Linh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, công ty đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục bổ sung và bố trí lại nhân lực, phương tiện, thiết bị như: cần cẩu, máy xúc; tổ chức sản xuất 24/24h, đảm bảo giải phóng tàu nhanh nhất, nâng cao năng suất bốc dỡ, quy hoạch lại bãi chứa hàng; phối hợp chặt chẽ với đại diện Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh tại Cảng Xuân Hải và chủ hàng, chủ tàu để điều động tàu linh hoạt, tổ chức sản xuất hợp lý…, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay cũng như lâu dài đối với Cảng Xuân Hải là tình trạng bồi cạn luồng lạch. Mặc dù tại khu vực thượng lưu vẫn đảm bảo cho tàu ra vào và hoạt động (với độ sâu từ 5-10m); khu vực đậu tàu trước bến có độ sâu khoảng 4,5-5m vẫn có khả năng tiếp nhận tàu đến 3.000 tấn, nhưng về lâu dài, chưa thể lường được điều gì, bởi luồng lạch vẫn bị bồi lấp, trong khi lượng tàu thuyền, phương tiện ngày càng nhiều. Nếu vấn đề này được giải quyết, Cảng Xuân Hải không chỉ dừng lại là một cảng sông – biển có quy mô nhỏ như hiện nay, mà chắc chắn sẽ trở thành một bến cảng có tầm cỡ, xứng đáng là cửa ngõ hàng hải phía Bắc của tỉnh.
Vũ Dũng