Xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ
Tiểu dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc –Thạch Khê thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm Chủ đầu tư.
Dự án đang thi công dang dở thì bị tạm đình chì. |
Đây là dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB) và vốn đối ứng ngân sách, có tổng dự toán xây dựng hơn 5,4 tỷ đồng, đơn vị thi công là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Thành Đạt và Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Thái Ngọc. Quy mô dự án bao gồm trạm bơm, hệ thống đường cấp nước cho các ao nuôi tôm, ao lắng và ao thải… tổng diện tích thi công dự án gần 6ha.
Công trình này được xây dựng nằm mục đích phục vụ cấp, xả nước cho 12ha nuôi tôm của 31 hộ gia đình phía trong đê Hữu Phủ, xã Thạch Khê. Tuy nhiên, khi dự án chỉ mới thực hiện được thời gian ngắn thì người dân bức xúc vì diện tích đất xây dựng của dự án nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ của xã. Cùng với đó, người dân lo lắng việc thi công sẽ phá hỏng rừng đước và ảnh hưởng đến tuyến đê chắn sóng Hữu Phủ có vai trò quan trọng đối với sự an toàn của người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Th (thôn Phúc Lộc, Thạch Khê) cho biết: “Đây là rừng phòng hộ có từ xa xưa, có tác dụng không nhỏ trong việc bảo vệ đê biển. Đáng ra phải di dời những cây nằm trong khu vực dự án ra phía ngoài để trồng. Đằng này họ chặt phá luôn”.
Nhiều người dân sống gần khu vực dự án cho biết, trong quá trình thực hiện dự án này, họ không được hỏi ý kiến, dù đây là những người sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu như rừng đước phòng hộ và tuyến đê Hữu Phủ bị ảnh hưởng bởi dự án này.
Giấy mời họp xác nhận mặt bằng thực hiện dự án |
Theo quan sát của PV, công trình này hiện đang được thi công dang dở. Nhà thầu đã tiến hành múc đất, ngăn hồ, xây móng và đổ trụ thì bị cơ quan chức năng huyện Thạch Hà tạm thời đình chỉ vì xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ.
Không cơ quan nào biết là đất rừng phòng hộ (?)
PV đã có cuộc làm việc với ông Hà Văn Trà – Phó trưởng BQL các dự án ODA Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh (BQL). Ông Trà cho biết: quy trình các bước thực hiện dự án này được Ban quản lý thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Trước bức xúc của người dân khi không được hỏi ý kiến, ông Trà cho rằng: Trong các cuộc họp, BQL đã gặp mặt và lấy ý kiến của các hộ chăn nuôi tôm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đại diện các tổ chức đoàn thể cũng như chính quyền địa phương của xã Thạch Khê, các phòng chuyên môn như Phòng TN&MT và phòng NN&PTNT của huyện Lộc Hà.
Theo ông Trà, không thể xuống trực tiếp gặp và tham vấn hết người dân, mà ý kiến các hộ nuôi tôm, đại diện các tổ chức đoàn thể, chủ tịch mặt trận của xã cũng đã đủ để đại diện cho người dân trong khu vực thực hiện dự án.
Về nguyên nhân của việc công trình đang tạm thời bị đình chỉ, ông Trà cho biết: Khi thực hiện diện án, BQL không hề biết là công trình đang được xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Lý do là ngay từ khi khảo sát lập dự án cũng như trong quá trình thực hiện, phòng TN&MT huyện Thạch Hà và xã Thạch Khê không hề biết đây là khu vực đất quy hoạch rừng phòng hộ (?), vì vậy các đơn vị này không có ý kiến gì nên BQL vẫn cho thực hiện dự án.
: Ông Hà Văn Trà – Phó trưởng BQL các Dự án ODA Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh. |
“Trong quá trình lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường có sự tham gia của ông Hoàng Việt Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà nhưng cũng không biết đây là đất quy hoạch rừng phòng hộ. Tuy nhiên, sau khi thi công dự án được khoảng một tuần thì có đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thạch Hà, trong đó có mặt ông Phú – Phó phòng TN&MT xuống kiểm tra và tạm đình chỉ vì xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ”, ông Trà cho biết.
Theo ông Trà, đây là “sai sót” trong quá trình thực hiện dự án.
Khi PV hỏi trách nhiệm của các bên khi để xảy ra vụ việc này như thế nào, ông Trà cho rằng, đáng ra xã Thạch Khê và phòng TN&MT huyện Thạch Hà phải biết đây là đất quy hoạch rừng phòng hộ.
PV chất vấn, liệu có thể xã, huyện và thậm chí cả BQL đều đã biết trước đây là đất quy hoạch rừng phòng hộ rồi mà vẫn tiến hành cho thực hiện dự án hay không? Ông Trà cho rằng không phải, vì Dự án này được thực hiện trên 7 xã của Hà Tĩnh, nếu phát hiện ra thì chúng tôi cũng có thể đưa dự án về địa phương khác chứ không nhất thiết phải làm ở đó.
Cũng theo ông Trà, sau khi bị tạm đình chỉ, trong cuộc họp xử lý vướng mắc dự án ở xã Thạch Khê có sự chủ trì của ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, hai phương án đã được đưa ra: một là sẽ cho chuyển đổi đất quy hoạch rừng phòng hộ để tiếp tục thực hiện dự án, hai là sẽ thay đổi thiết kế, xin nạo vét theo lạch có sẵn đi ven rừng phòng hộ để thực hiện tiếp dự án.
Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, có sự tham gia của ông Hoàng Việt Hùng – trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà. |
Do việc chuyển đổi đất quy hoạch sẽ phải đưa ra trước Hội đồng nhân dân, và việc thực hiện chuyển đổi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nên cuối cùng, phương án thứ hai đã được lựa chọn.
Tuy nhiên, trước những ý kiến này, nhiều người dân cho rằng đất quy hoạch rừng phòng hộ nằm trên địa bàn quản lý nhưng chính quyền xã (trong đó có nhân viên địa chính xã tham gia dự án từ đầu) và huyện không biết thì người dân khó có thể tin được.
Ngoài ra, dự án này có vốn dự toán không quá lớn (5,4 tỷ đồng) nhưng các đơn vị liên quan lại đề xuất một phương án là chuyển đổi đất quy hoạch rừng phòng hộ, vốn có vai trò rất quan trọng đối với sự an toàn của người dân ven biển địa phương này là điều khó chấp nhận được. Đặc biệt, đây lại là dự án sử dụng vốn ODA với nhiều yêu cầu lại càng đòi hỏi sự đúng đắn, đúng quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Tiến Đạt, Chánh VP UBND huyện Thạch Hà cho biết, hiện huyện đang tập hợp hồ sơ các bên liên quan để xem xét kỹ mới có thể thông tin chính thức với PV về vụ việc này.
Một số hình ảnh về dự án này:
Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Mai Nguyễn – Trần Hoàn