Những ngày gần đây, người dân phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) liên tục phản ánh tình trạng nhiều xe chở đất phong hóa từ dự án Đầu tư xây dựng công trình đường Lê Hữu Trác ra khỏi khu vực, đi đổ đắp nền cho trụ sở Công ty TNHH Như Nam, tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh.
Được biết, dự án Đầu tư xây dựng công trình đường Lê Hữu Trác, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), có tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng, do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Như Nam. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2018.
Đến nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 75% tiến độ. Song, quá trình thi công của nhà thầu này bắt đầu lộ rõ một số vấn đề sai phạm.
Xe tải lấy đất từ dự án Đầu tư xây dựng công trình đường Lê Hữu Trác, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Qua tìm hiểu của Phóng viên Kinh tế Môi trường, theo thiết kế dự án nói trên, đơn vị thi công phải cào bóc lớp bùn (đất phong hóa) sau đó mới đổ đất mới vào làm nền. Những phần đất bóc đi, nhà thầu phải vận chuyển về 2 bãi thải tại phường Đậu Liêu và phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (để làm bãi đỗ xe), vị trí bãi thải này cách khu vực xây dựng khoảng 2,5 km.
Tuy nhiên, nhà thầu thi công là Công ty TNHH Như Nam đã tự ý đưa phần đất này về đổ tại trụ sở mình mà không đưa về bãi tập kết theo quy định. Hàng nghìn khối đất đã không về đúng địa chỉ mà thay vào đó được chính nhà thầu "rút ruột".
Xe tải mang biển số 38C-02259 chở đất về trụ sở Công ty TNHH Như Nam. (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm quản lý dự án khi xảy ra tình trạng thất thoát tài nguyên quốc gia, ông Nguyễn Công Thiện, Phó Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản thị xã Hồng Lĩnh cho hay, thực tế đơn vị vẫn biết, nhưng đa phần số lượng đất đó chỉ để đắp vườn nên không đáng kể, đơn vị cũng tạo điều kiện cho nhà thầu.
Còn ông Nguyễn Phúc Đức (cán bộ phụ trách dự án - Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản thị xã Hồng Lĩnh) cũng thừa nhận sự việc trên. Theo ông Đức, thiết kế của dự án phải bóc phong hóa rồi đưa về bãi tập kết. Khối lượng bóc đi khoảng 20 nghìn khối.
“Trong quá trình thi công, việc giải phóng mặt bằng của dự án mất nhiều thời gian, chúng tôi cũng có thiếu sót trong quá trình giám sát dẫn đến việc nhà thầu đưa đất ra ngoài, phía Ban sẽ chấm dứt ngay tình trạng đưa đất ra ngoài của nhà thầu Như Nam”, ông Đức nói.
Hàng nghìn khối đất được đưa về đổ tại trụ sở Công ty TNHH Như Nam. (Ảnh: Quỳnh Nguyên) |
Phóng viên đã cung cấp tư liệu cho lãnh đạo Công an thị xã Hồng Lĩnh, để hỏi về trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản trên đại bàn. Thượng tá Nguyễn Công Dũng, Trưởng Công an thị xã Hồng Lĩnh cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã cử cán bộ làm việc với Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản và Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Hồng Lĩnh.
“Chúng tôi đã vào cuộc đình chỉ ngay việc đưa tài nguyên khoáng sản ra ngoài và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý theo quy định pháp luật”, Thượng tá Dũng nói.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo công ty TNHH Như Nam, song đơn vị này từ chối làm việc, cung cấp thông tin.
Trước đó, như Kinh tế Môi trường đã đưa tin, tại dự án Xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, nhà thầu sau khi nạo vét, bóc phong hóa đất bùn phải đưa về bãi thải. Tuy nhiên, đơn vị thi công là Công ty TNHH Như Nam đã tự ý đưa đất ra ngoài “bất chấp” quy định pháp luật.
Được biết, tổng số vốn của dự án này là 130 tỉ đồng, được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, giá trị gói thi công là 56 tỉ đồng.
Điều này khiến không ít người phải băn khoăn đặt câu hỏi liệu có sự buông lỏng quản lý, phớt lờ trước những vi phạm của nhà thầu, gây thất thoát tài nguyên đất tại các dự án có kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng sử dụng ngân sách nhà nước?
Tác giả: Tiến Đạt
Nguồn tin: Tạp chí Kinh tế Môi trường