Thạch Hà

Hà Tĩnh: Di dời cột điện vướng giao thông, Tiến độ “rùa bò”!

Nỗ lực cán đích

Ngày 31/10/2014 là hạn chót hoàn thành di dời cột điện ảnh hưởng an toàn giao thông và quy hoạch NTM mà UBND tỉnh chỉ đạo. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này gặp không ít khó khăn. Bằng chứng là đến thời điểm này, số lượng cột điện vi phạm còn khá ngổn ngang…

Thời gian qua, xã Thạch Bằng (Lộc Hà) dồn sức cho việc di dời cột điện ảnh hưởng giao thông và quy hoạch NTM. Sự chung tay của chính quyền và ngành điện góp phần đẩy nhanh tiến độ. Ông Trần Ngọc Lý – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương kết hợp chặt chẽ với Điện lực Lộc Hà, tiến hành rà soát, lên phương án di dời, dự trù kinh phí cụ thể. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, công sức, xã thuê máy móc và thực hiện theo các phần việc một cách nhịp nhàng, hiệu quả”. Ông Nguyễn Danh Trọng (thôn Xuân Khánh) phấn khởi: “Trước đây, cột điện nằm giữa lòng, lề đường, vừa mất mỹ quan, vừa ảnh hưởng tới phương tiện tham gia giao thông. Nay “chướng ngại vật” được giải tỏa, bà con rất vui mừng”.

Di dời cột điện vướng giao thông: Tiến độ “rùa bò”!

Điện lực Lộc Hà và xã Thạch Bằng tiến hành di dời cột điện vướng giao thông trên địa bàn.

Được biết, xã Thạch Bằng đã “giải cứu” thành công đường giao thông nông thôn với 5 cột cao thế nằm trong lòng, lề đường và 121 cột hạ thế vi phạm quy hoạch NTM. Các địa phương khác của huyện Lộc Hà cũng đang tập trung cao cho nhiệm vụ nặng nề này. Ông Bùi Quang Quân – Giám đốc Điện lực Lộc Hà cho biết: “Đến thời điểm này, các xã về đích NTM năm 2014 đã hoàn thành việc di dời; các xã về đích 2015 cũng đã cơ bản khép lại các phần việc, chúng tôi đang tập trung cho các xã còn lại”.

Vũ Quang cũng là đơn vị dẫn đầu trong việc di dời cột điện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thành công việc này đúng tiến độ. Ông Nguyễn Hồng Tân – Giám đốc Điện lực Vũ Quang chia sẻ: “Chúng tôi đã di dời 274/274 cột điện vi phạm. Đây không chỉ là sự nỗ lực hết mình của ngành điện mà còn thể hiện quyết tâm cao của các cấp chính quyền”.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Nếu như Lộc Hà, Vũ Quang là những đơn vị cán đích khá nhanh, thì nhiều địa phương vẫn “ỳ ạch” với khối lượng công việc khá nặng nề. Theo văn bản số 3307 của UBND tỉnh, đối với các cột nằm ở lòng đường trên địa bàn toàn tỉnh và các cột thuộc xã về đích NTM 2014, phải hoàn thành trước ngày 31/8/2014, các cột còn lại hoàn thành trước ngày 31/10/2014. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng Kỹ thuật – Công ty Điện lực Hà Tĩnh: “Tính đến ngày 12/11, các xã về đích NTM 2014 đã di dời 804/922 cột (chiếm 87,2%; Điện lực Hà Tĩnh đã nhiều lần có công văn chỉ đạo và mới đây là Công văn số 1264/PCHT-P4 ngày 24/9/2014 yêu cầu các điện lực sở tại chủ động phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước ngày 31/10. Tuy vậy, kết quả thực tế còn khá khiêm tốn. Vấn đề này, Trưởng phòng Kỹ thuật – Công ty Điện lực Hà Tĩnh thừa nhận: “Công tác phối hợp của một số điện lực sở tại đối với chính quyền địa phương chưa thực sự khoa học, thiếu sự đồng bộ; một số trường hợp điện lực chưa chủ động lên kế hoạch làm việc với chính quyền địa phương…”.

Ông Lê Đức Hùng – Phó phòng Quản lý điện – Sở Công thương cho biết: “Thực tế công tác di dời cột điện vi phạm tại các địa phương rất phức tạp. Một số xã trước đây thống kê chưa chính xác, một số địa phương thay đổi quy hoạch nên số lượng cột vi phạm giảm so với báo cáo trước đây; có những xã chưa giải phóng được mặt bằng. Thêm vào đó, UBND một số xã thiếu chủ động trong việc liên hệ, phối hợp với điện lực triển khai phương án di dời”.

Thạch Hà là một trong nhiều đơn vị chậm tiến độ di dời cột điện. Ông Nguyễn Phi Trưng – Chủ tịch UBND xã Thạch Long (Thạch Hà) cho hay: “Để đạt mục tiêu về đích sớm trước 1 năm, xã mới đạt 15 tiêu chí, nên đang tập trung nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí khác khó hơn như giao thông, trường học, môi trường. Thêm vào đó, kinh phí xã phải bỏ ra để di dời khá lớn, trong khi ngân sách còn hạn chế, nên việc di dời cột điện sẽ… từ từ”.

Theo quy định của UBND tỉnh, trong tổng nguồn kinh phí di dời, Công ty Điện lực Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về nhân công kỹ thuật, vật tư phần nổi, tháo lắp công tơ, kéo căng dây, lắp đặt các phụ kiện trên không đối với đường dây hạ thế và toàn bộ chi phí đối với đường dây trung thế; UBND huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí phần vật tư móng cột đường dây hạ thế; các xã, thị trấn chịu chi phí phần nhân công di dời, làm móng, giải phóng mặt bằng cả phần trung thế và hạ thế.

Thu Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP