Đề án giao đất, giao rừng đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, giai đoạn 2013 – 2015”, 95,7% diện tích đất lâm nghiệp Hà Tĩnh đã có chủ thực sự. Đây là một trong những đề án lâm nghiệp “hợp lòng dân” nhất từ trước đến nay.
Dăm năm về trước, trên địa bàn các huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… thường xuyên “nóng” các vụ việc lâm tặc chặt phá rừng, một số đối tượng cố ý đốt rừng và tranh chấp đất rừng vì lợi ích kinh tế… Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là người dân chưa thực sự chung tay bảo vệ rừng.
“Muốn người dân, đặc biệt là bà con sống gần rừng thay đổi nhận thức, cùng tham gia gìn giữ, phát triển rừng thì phải gắn quyền và lợi ích kinh tế cho họ”, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Để tháo gỡ “nút thắt” này, ngày 6/12/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 3952 chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp, giai đoạn 2013 – 2015”.
Lúc này, toàn tỉnh mới giao được hơn 307.802/hơn 376.400ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng. Trong đó, giao cho 20 tổ chức quản lý, sử dụng với diện tích hơn 277.000ha; 11.302 hộ gia đình, cá nhân quản lý hơn 30.200ha; cấp GCNQSD đất cho 9.637 hộ với hơn 24.800ha. Diện tích đất, rừng đang do UBND xã quản lý và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhưng chưa được giao là hơn 68.600ha.
Hai năm gần đây số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn Hà Tĩnh giảm hơn 70% so với trước khi thực hiện đề án giao đất, giao rừng. Điều này một lần nữa cho thấy việc trao tư liệu sản xuất cho người dân là cách tốt nhất để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Sau khi đề án ban hành, quá trình triển khai, rà soát cụ thể, một số diện tích chồng lấn quy hoạch địa phương, một số diện tích thuộc rừng tự nhiên hoặc đèo dốc cao, núi đá, khe suối không thể sản xuất được. Do đó, tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp chưa được giao giảm còn 44.637ha.
Mặc dù thời gian thực hiện ngắn, diện tích phải giao cho hộ gia đình, cá nhân lớn nhưng nhờ sự phối hợp kịp thời của cả hệ thống chính trị từ chuyên môn đến chính quyền các cấp, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay UBND các huyện đã lập hồ sơ, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 16.806 hộ, cộng đồng/42.736ha (đạt 95,7%). Một số địa phương thực hiện tốt đề án là Hương Khê, Lộc Hà, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên…
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay, Hương Khê là một trong những huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Do đó các vụ việc liên quan đến phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng hay lấn chiếm đất rừng luôn luôn thường trực. Điển hình như vụ việc người dân tranh chấp đất với Cty TNHH MTV cao su Hương Khê. Mặc dù tỉnh, huyện, xã tổ chức rất nhiều cuộc họp, vận động, tuyên truyền nhưng người dân vẫn không đồng ý giao trả lại đất cho Cty cao su Hương Khê. Mãi đến khi thực hiện đề án 3952, thống nhất hợp đồng giao khoán giữa chủ rừng và hộ dân sự việc mới được giải quyết.
“Đến thời điểm này chúng tôi đã cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho 2.352 hộ/7.390ha (đạt 100%) để người dân quản lý, bảo vệ, phát triển sản xuất. Tất cả các hộ được giao đất, giao rừng lần này đều rất phấn khởi”, ông Huấn nói.
Theo ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, việc thực hiện đề án giao đất, giao rừng cho hộ gia đình quản lý không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân mà còn trao cho họ chiếc “cần câu” để họ dựa vào rừng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, tập trung cho công tác trồng rừng, giảm thiểu tác động tiêu cực vào rừng, góp phần hạn chế thiên tai, bão lũ do phá rừng gây ra.