Trong nước

Hà Tĩnh đang trở thành điểm sáng về ứng dụng CNTT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng: "Hà Tĩnh cũng là 1 trong số ít các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 34 về việc ứng dụng CNTT và sử dụng thư điện tử cũng như Chỉ thị 15 về sử dụng văn bản điện tử. Đồng thời là tỉnh nằm trong tốp đầu có chủ trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT từ cấp tỉnh cho đến xã".

Chiều 11/11 tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), số 18 Nguyễn Du, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ TT&TT.



Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Võ Kim Cự – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các đồng chí trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.


Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Kim Cự thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế – xã hội; hoạt động thông tin và truyền thông thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2013 – 2015 và đến năm 2020.


Theo báo cáo, trong thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Hà Tĩnh đã nỗ lực không ngừng và đạt được kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh đạt 14%; dự kiến năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19%, thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ và vượt 25% kế hoạch Trung ương giao); tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,6%, ngành công nghiệp đạt 12,8%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và thương mại…


Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Công tác đào tạo nguồn nhân lực – nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Chính phủ đánh giá là điểm sáng, có cách làm sáng tạo và đạt nhiều kết quả tích cực…


Đối với hoạt động thông tin và truyền thông đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ, cụ thể: Công tác quản lý nhà nước có bước chuyển biến tích cực, hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển nhanh, các doanh nghiệp viễn thông đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mạng lưới, tăng cường cung cấp các loại dịch vụ, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên của cả nước có cấu trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh được thể chế hóa bằng quyết định của UBND tỉnh; là tỉnh đầu tiên có cán bộ CNTT chuyên trách đến 100% xã. Hà Tĩnh luôn đứng ở tốp đầu xếp loại về môi trường chính sách CNTT; tốc độ phát triển Internet năm 2013 tăng gấp đôi so với năm 2010; doanh nghiệp viễn thông duy trì mức tăng trưởng trên 20%/năm…


Những thành tựu nêu trên chính là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển mạnh về thông tin và truyền thông; phát triển chính quyền điện tử, góp phần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, hội nhập quốc tế sâu rộng vào khu vực và thế giới.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đời sống nhân dân còn thấp so với cả nước, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển… Với ngành thông tin và truyền thông, hạ tầng thông tin chưa đồng bộ; việc ứng dụng CNTT chưa tương xứng với quá trình phát triển của tỉnh; các dịch vụ công trực tuyến còn ít; an ninh mạng chưa được quan tâm; hệ thống thông tin vùng nông thôn, vùng biên giới còn kém, thông tin đối ngoại còn hạn chế – nhất là khu vực cửa khẩu, cụm cảng, khu kinh tế; thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về quản trị mạng và quản trị hệ thống…


Để Hà Tĩnh triển khai thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, đồng chí Võ Kim Cự đưa ra 8 đề xuất đề nghị Bộ TT&TT quan tâm, giúp đỡ để ngành thông tin truyền thông Hà Tĩnh phát triển và hội nhập gồm: Xây dựng chính quyền điện tử, đưa vào danh mục các khu CNTT tập trung của cả nước do Bộ cấp phép, cho phép Hà Tĩnh xây dựng trung tâm dữ liệu với vai trò là Trung tâm dữ liệu cho cả vùng Bắc Trung Bộ; Hỗ trợ xây dựng Trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghiệp CNTT; Hỗ trợ Hà Tĩnh hoàn thành dự án số hóa, tin học hóa và phát sóng truyền hình lên vệ tinh; Hỗ trợ và giao cho Hà Tĩnh chủ trì các nội dung phát triển các giải pháp, dịch vụ phục vụ các lĩnh vực kinh tế như: khai khoáng, luyện kim, kinh tế biển và ven biển, nông nghiệp công nghệ cao, lọc hóa dầu; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ thông tin – truyền thông tại các Khu kinh tế trọng điểm quốc gia Vũng Áng, Khu mỏ sắt Thạch Khê, cụm thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Tiếp tục hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở; Vận động Bộ Khoa học Công nghệ cấp kinh phí từ Quỹ đổi mới công nghệ cho Hà Tĩnh thực hiện ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ đào tạo các CEO về CNTT, các chuyên gia bậc cao, kỹ sư phần mềm phục vụ ứng dụng và phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh; Đề nghị Bộ TT&TT có các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, ứng dụng CNTT để mô phỏng các biến cố, nhằm giúp Hà Tĩnh chủ động hơn trong công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai…Bộ TT&TT đồng ý hỗ trợ nhiều nội dungPhát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong đó, Hà Tĩnh đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững, góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một tỉnh giàu mạnh, phát triển bền vững trong tương lai. Với tốc độ tăng tưởng kinh tế liên tục ở mức cao, dự kiến năm nay đạt 19%, đây quả thực là những kỳ tích lớn trong điều kiện đất nước còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Hà Tĩnh đã và đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư tại khu vực Bắc miền Trung.


Tuy là một trong những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, song Hà Tĩnh đã trở thành một tỉnh đứng ở tốp đầu trong cả nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông. Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ghi nhận và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến sự nghiệp thông tin và truyền thông và tạo điều kiện cho ngành thông tin và truyền thông phát triển, khẳng định được vai trò của mình góp phần rất quan trọng vào sự phát triển đất nước nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng.


Bên cạnh lĩnh vực Viễn thông, CNTT, lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tại Hà Tĩnh cũng phát triển mạnh mẽ. Hà Tĩnh cũng là 1 trong số ít các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 34 về việc ứng dụng CNTT và sử dụng thư điện tử cũng như Chỉ thị 15 về sử dụng văn bản điện tử. Đồng thời là tỉnh nằm trong top đầu có chủ trương triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT từ cấp tỉnh cho đến xã.


Bộ trưởng hoàn toàn nhất trí với phương hướng chung và những giải pháp cũng như các kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu ra tại buổi làm việc. Tuy nhiên, Bộ sẽ tập trung giải đáp những kiến nghị sát với lĩnh vực mà Bộ quản lý.


Về việc đề nghị thí điểm xây dựng chính quyền điện tử, Bộ ủng hộ và đánh giá cao việc này và sẵn sàng chia sẻ giúp Hà Tĩnh xây dựng thành công chính quyền điện tử, trở thành điểm sáng ở khu vực miền Trung. Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh mà cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án này để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với khu CNTT tập trung, trước đây Bộ ký quyết định công nhận các khu CNTT này nhưng nay đề nghị Thủ tướng Chính phủ ký thì cơ chế sẽ mạnh hơn. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, Bộ sẽ bổ sung Hà Tĩnh vào quy hoạch để đầu tư khu CNTT. Về việc kiến nghị xây dựng Trung tâm dữ liệu tại Hà Tĩnh (theo chương trình 1605 về việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước sẽ xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử của Chính phủ), Bộ sẽ lưu ý phương án dự phòng tại Hà Tĩnh và một số nơi khác nữa nhằm đảm bảo an toàn thông tin chứ không chỉ tập trung một chỗ phòng trừ khi bão lụt, phòng trừ bất trắc xảy ra. Về việc hỗ trợ xây dựng Khu Công nghiệp CNTT theo tinh thần Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 12/7/2010 của Văn phòng Chính phủ, đề nghị UBND tỉnh sớm lập đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi ý kiến và báo cáo Chính phủ xem xét phê duyệt.


Đối với việc hỗ trợ số hóa truyền hình, phát sóng truyền hình lên vệ tinh (theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Hà Tĩnh thuộc giai đoạn 3), đề nghị Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ, cụ thể là Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Tần số triển khai theo đúng tiến độ.


Việc phát sóng qua vệ tinh, Bộ đã ban hành Thông tư 15 quy định điều kiện, thủ tục rất cụ thể, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Đài PTTH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện kế hoạch này.


Còn việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ CNTT tại các khu kinh tế trọng điểm quốc gia, cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu (thuộc Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở) dự kiến sẽ đầu tư xây dựng tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào năm 2015, nhưng theo đề nghị của Hà Tĩnh tại buổi họp, Bộ nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư trong năm 2014 này. Đây là chương trình rất quan trọng góp phần xóa nghèo về thông tin, xóa nghèo về cơ sở vật chất góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Do vậy, Bộ trưởng mong rằng sau năm 2015, vẫn sẽ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho duy trì Chương trình này.


Về viễn thông công ích gồm 5 nội dung thành phần, Hà Tĩnh là tỉnh sẽ được hỗ trợ 5 nội dung này như đề xuất.


Kiến nghị về việc vận động Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp kinh phí xây dựng Khu công nghệ cao ở Hà Tĩnh, Bộ hoàn toàn ủng hộ và đặt vấn đề trên giúp Hà Tĩnh đạt được các mong muốn, nhưng về phía UBND tỉnh phải xây dựng các đề án, các chương trình.


Về hỗ trợ đào tạo CEO và giám đốc CNTT, Bộ hoàn toàn nhất trí và giao cho Cục ứng dụng CNTT sẽ tổ chức các nội dung trên tại Hà Tĩnh.


Kiến nghị Bộ có các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, Bộ đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Viện phần mềm số, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài nguyên môi trường để có thêm nguồn lực cho dự án này.

Ngô Xuân Lộc

Infonet

  Từ khóa: ứng dụng CNTT , Điểm sáng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP