Chăm sóc sức khỏe

Hà Tĩnh: Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim đã chết lâm sàng

Chị Nguyễn Thị Bình, vợ anh Phúc cho biết: bình thường anh khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tim. Hôm ấy, sau khi đi làm đường cho xóm về, anh kêu mệt, chóng mặt, khó thở và diễn biến xấu rất nhanh. Gia đình đã đưa anh Phúc vào BVĐK huyện Kỳ Anh cấp cứu trong tình trạng mạch không, huyết áp không, tim ngừng đập.

Bằng phương pháp đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa cứu sống bệnh nhân Võ Công Phúc (43 tuổi, quê xã Kỳ Tây, Kỳ Anh) bị viêm cơ tim cấp đã chết lâm sàng.
Cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim đã chết lâm sàng

Bác sỹ Phạm Hữu Đà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi cho xuất viện

Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn của BVĐK Kỳ Anh, các bác sỹ BVĐK tỉnh đã nhanh chóng có mặt, vừa truyền thuốc cấp cứu bệnh nhân vừa cho xe chuyên dụng chuyển bệnh nhân ra BVĐK tỉnh để thực hiện phẫu thuật.

Bác sỹ điều trị Phạm Hữu Đà, Khoa Tim mạch và Lão học BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc, được chẩn đoán block nhĩ thất cấp III, viêm cơ tim. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Trong quá trình đặt máy, có đến 3 lần tim bệnh nhân ngừng đập. Tuy nhiên, các bác sỹ vẫn cấp cứu đã thành công bệnh nhân Phúc.

Sau 2 tuần đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, bệnh nhân hồi phục sức khỏe, huyết áp ổn định. Tuy nhiên, tình trạng nhịp tim vẫn không được phục hồi. Trước tình hình đó, các bác sỹ BVĐK tỉnh tiếp tục chỉ định cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã ổn định và đã đủ điều kiện được xuất viện.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Khoa Tim mạch và Lão học BVĐK tỉnh đã đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 50 bệnh nhân. Riêng bệnh nhân Võ Công Phúc là ca đầu tiên được chỉ định đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn 2 buồng tim.

Bác sỹ Phạm Hữu Đà cho biết: Lần đầu tiên bệnh viện cứu sống được bệnh nhân trẻ tuổi trong tình trạng nguy kịch như thế này. Hơn nữa, đối với nhóm bệnh nhân này nói chung, phải kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần nên việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến tỉnh sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại. Hiện nay có khá nhiều bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này tại các tuyến trung ương đến BVĐK tỉnh xin được hỗ trợ nhưng rất khó vì phần mềm không tương thích.

Biện Nhung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP