Đền ơn - Đáp nghĩa

Hà Tĩnh: Cuộc đợi chờ không vô vọng của một cựu TNXP

Trong khi hầu hết những cựu thanh niên xung phong (TNXP) đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, thì vì nhiều lý do khác nhau, hàng nghìn người trong số họ vẫn chưa được hưởng một đồng trợ cấp nào cho những năm tháng cống hiến tuổi xuân và cả máu xương trên những con đường ra chiến trường đầy đạn bom khốc liệt một thời. Nhiều người đã ra đi sau những chờ đợi mỏi mòn, để lại nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi trong lòng những đồng đội còn sống…

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Lý thăm hỏi cựu TNXP Võ Minh Châu lúc còn sống.

Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Lý thăm hỏi cựu TNXP Võ Minh Châu lúc còn sống.

Mơ ước không thành của người cựu TNXP 20 năm nằm liệt giường

Năm 2012, báo Nhân Dân hằng tháng đã thực hiện chuyên đề “Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong” viết về những hoàn cảnh thương tâm của lực lượng cựu TNXP ngày ấy. Nhóm phóng viên chúng tôi đã đi hết dải đất miền trung từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, chứng kiến vô vàn những cô, những mệ vẫn đơn thân, sống khổ cực ở tuổi xế bóng, để rồi bất lực khi không thể kể hết tên họ trên những trang báo, nói gì đến mô tả hết được những thân phận đầy nước mắt của họ. Loạt bài ấy đã được vinh danh bằng giải C, Giải Báo chí Quốc gia năm 2012. Nhưng ngay cả khi những phản ánh thành công trên công luận, thì thực tế vẫn khó có thể xoay chuyển cuộc sống của họ. Hai năm qua, những phận người đã là nhân vật một thời trên những trang báo vẫn đang lặng lẽ sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình với những đợi chờ mong manh…

Trở lại Hà Tĩnh lần này, khi chúng tôi vừa đề cập đến chuyện lại tiếp tục tìm hiểu về thân phận những cựu TNXP khó khăn, bác Võ Tá Lý, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh đã đọc một danh sách dài dằng dặc những tên o, tên mệ, nhiều trong số đó chúng tôi đã gặp từ hai năm trước. Nhưng có tên một người, lại là người tôi hết sức quan tâm trong lần trở lại này, bởi trong loạt bài về nữ cựu TNXP kia, chúng tôi vẫn áy náy vì chưa có dịp kể về bác. Đó là một người cựu TNXP thời chống Pháp, bác Võ Minh Châu. Khi tôi nhắc đến tên ông, bác Võ Tá Lý chợt dừng đọc rồi trầm giọng nói: “Ông ấy mất năm ngoái rồi cháu ạ”. Tôi bỗng lặng người đi…

Tôi còn nhớ đó là người đàn ông duy nhất chúng tôi đến thăm hai năm trước. Bác Châu nằm thượt trên tấm đệm cũ, phải có người đỡ mới ngồi dậy được để nói chuyện. Đã 20 năm bác nằm liệt giường như thế vì chứng bệnh thoái hóa cột sống. Nhưng khác hẳn với tấm thân ốm o ấy, gương mặt người đàn ông 80 tuổi vẫn cười rạng rỡ khi chúng tôi hỏi chuyện về thời xưa cũ.

Năm 1953, ông dẫn đầu 50 thanh niên xã Thạch Hạ đi bộ nhiều tháng ròng lên Điện Biên để tải đạn, tiếp lương, mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Rồi khi hoàn thành nhiệm vụ, cả đoàn lại đi bộ trở về. Ông cũng không biết có phải vì những lao lực thời ấy mà giờ đây bệnh tật hành hạ hay không. Sau bốn năm đi TNXP, ông Châu trở về làm cán bộ y tế xã. Khi nghỉ, ông được nhận 920.000 đồng lương hưu mỗi tháng, số tiền ấy đương nhiên chả thấm vào đâu so với yêu cầu chi tiêu trang trải cuộc sống hằng ngày của đôi vợ chồng già cả đau yếu, nói gì đến chuyện để chữa bệnh, nên càng ngày bệnh của ông càng nặng thêm. Thông cảm cho hoàn cảnh đau ốm của ông, Hội cựu TNXP xã Thạch Hạ xin cho ông được hưởng suất hỗ trợ trọn đời một triệu rưỡi đồng cho cựu TNXP để đỡ phần nào trong việc thuốc men chữa bệnh. Đó là khoản tiền duy nhất người cựu TNXP chống Pháp nhận được cho những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân trên đoạn đường huyết mạch lên Điện Biên Phủ một thời.

20 năm ốm đau chỉ nằm một chỗ, gần như không giao tiếp với ai nữa, nhưng người đảng viên 47 tuổi Đảng chưa bao giờ từ bỏ các lần họp chi bộ. Cứ mỗi lần đến ngày họp, anh con trai lại bế bố đặt lên xe và đèo đi. Nhiều người bảo ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông chỉ cười và giải thích, họ vẫn cần mình, vẫn hỏi ý kiến mình…

Mong muốn cuối đời của ông không phải là cần thêm một khoản hỗ trợ nào nữa để chữa căn bệnh đã hành hạ mình suốt 20 năm, mà đó là được Trung ương Đoàn trao tặng Kỷ niệm chương TNXP, một món quà tinh thần vô giá ghi nhận công lao của những người thanh niên dũng cảm một thời. Nhưng ông đã ra đi khi mong ước nhỏ nhoi ấy chưa thành hiện thực.

“Lúc ông ấy mất, tôi có thay mặt Hội cựu TNXP đến thắp hương tiễn đưa ông ấy. Chúng tôi cũng chỉ làm được thế thôi, còn tấm kỷ niệm chương thì…”, giọng bác Võ Tá Lý nghẹn ngào.

Khi những hy vọng không thể thành hiện thực lúc sống

Không biết bao nhiêu người đã lặng lẽ ra đi như bác Võ Minh Châu sau những đợi mong vô vọng. Nhưng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những thanh niên thời đó xung phong ra trận tải đạn, mở đường, cứu thương… đâu để cần một sự ghi nhận nào. Sự chờ đợi, chịu đựng hy sinh… với họ cũng là cũng là những phẩm cách mang tinh thần TNXP.

Hà Tĩnh hiện còn khoảng gần 10.000 cựu TNXP còn sống, tỷ lệ những nữ cựu TNXP đơn thân, sống một mình trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn còn nhiều. Theo danh sách vừa được Hội cựu TNXP tỉnh rà soát lại, còn khoảng 700 người trong số đó chưa hề nhận được một khoản trợ cấp nào. Trong số đó, cũng chỉ có khoảng một nửa có thể được bổ sung để nhận trợ cấp trong đợt tới, số hồ sơ còn lại là thiếu và không hợp lệ. Theo bác Lý, đó là do những người đồng đội ấy của ông tuổi đã cao, sức đã yếu, trí nhớ không còn minh mẫn, không còn nhớ nổi phiên hiệu của đơn vị mình từng công tác.

Mà ngay cả những người được nhận trợ cấp, thì với khoản tiền ít ỏi 180.000 đồng/tháng, có người lại chỉ được nhận 120.000 đồng/tháng, thì số tiền ấy cũng chả giúp họ được nhiều trong cuộc sống bần hàn, bệnh tật lúc đã về già.

Có thể kể tên những người có chế độ trợ cấp rồi vẫn khổ như: O Nguyễn Thị Sờ, 74 tuổi ở xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, đi TNXP bị ảnh hưởng chất độc da cam nên sinh ra đứa con tàn tật, chỉ nằm một chỗ. Đứa con như “cái dây buộc chân” khiến o chẳng làm lụng được gì, hai mẹ con chỉ biết sống nhờ vào số tiền trợ cấp chất độc da cam quá ít ỏi.

O Trương Thị Long ở phường Thạch Linh, từng là TNXP làm đường 21 từ năm 1972 – 1975, nay sống đơn thân. O được hưởng trợ cấp TNXP 120.000 đồng/tháng, được xây tặng nhà tình nghĩa, nhưng tiền trợ cấp không đủ sống nên đành phải bỏ nhà đi làm thuê kiếm sống…

Hay như hai vợ chồng đều là cựu TNXP là ông Nguyễn Thái Hồng và bà Đào Thị Hương ở Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Mặc dù được nhận trợ cấp 180.000 đồng mỗi người, nhưng chồng bị mù, còn vợ thì ốm yếu nên số tiền ấy cũng chẳng giúp họ có đủ cái ăn, huống hồ có nổi một căn nhà để ở.

Còn có người trở nên điên dại sau khi phải sống quá lâu trong cảnh đơn chiếc vì quá lứa lỡ, giờ bỏ cả nhà tình nghĩa đi lang thang như o Lê Thị Mai…

Trong khi đó, hầu hết những cựu TNXP đang bước vào độ tuổi xế bóng, giảm vợi đi rất nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê của Hội cựu TNXP Hà Tĩnh, năm 2013, đã có 102 cựu TNXP qua đời, 17 người trong số đó chưa kịp nhận chế độ trợ cấp.

Có những người lúc “thập tử nhất sinh” đã để những lời trối trăng khiến đồng đội, người thân của họ ứa nước mắt: O Nguyễn Thị Trường ở Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, sống đơn thân, đang bị ung thư phổi, chưa được hưởng chế độ gì, chỉ mong được xây một căn nhà để có chỗ thờ tự cho mình lúc chết.

Hay o Nguyễn Thị Bản, 67 tuổi, ở Cẩm Bình, Cẩm Nhượng, không có chồng, trước khi mất vì bị bệnh hiểm nghèo đã trăng trối lại với em rằng bao giờ nhận được Kỷ niệm chương TNXP thì để lên di ảnh trên bàn thờ cho mình…

Khi những hy vọng đợi chờ đã không còn có thể thành hiện thực lúc sống, những cựu TNXP cũng chỉ biết lặng lẽ ra đi và để lại những mong ước nhỏ nhoi. O Nguyễn Thị Bản hay ông Võ Minh Châu chỉ là hai trong tổng số 1.200 cựu TNXP chưa được nhận Kỷ niệm chương TNXP ở Hà Tĩnh, dù Hội làm hồ sơ xin đã hơn một năm nay.

Cuộc tổng rà soát và những ước mơ gần

Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến những người có công, trong đó có cựu TNXP bằng nhiều chế độ, chính sách. Nhưng đến nay, vẫn còn một số quy định chính sách chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, một số quy định còn thiếu tính khả thi trong thực tiễn. Sau thời gian thực hiện, các chính sách, chế độ đãi ngộ cựu TNXP đã xuất hiện những hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo quy định, TNXP muốn được hưởng chế độ thì phải có giấy tờ gốc xác nhận và có chứng nhận của đồng đội cùng đơn vị… Nhưng thực tế, do chiến tranh ác liệt, rất nhiều cựu TNXP không còn giữ được giấy tờ gốc để chứng minh thân phận, nhiều người còn sống sót trong khi cả đơn vị đã hy sinh nên không thể xin chứng nhận của đồng đội, hay có những đơn vị hy sinh cả thì rất khó để xác định liệt sĩ…

Bởi vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu TNXP tiến hành tổng rà soát lại để có hướng tham mưu cho Chính phủ bổ sung các quy định về chế độ đãi ngộ TNXP, trước khi trở nên quá muộn.

Theo bác Nguyễn Cao Vãng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP, phụ trách chính sách, việc rà soát đang được triển khai trong nội bộ các hội cựu TNXP ở các địa phương trong toàn quốc. Ngày 21-7 tới, Trung ương Hội sẽ tổ chức Hội nghị tổng rà soát. Cuối năm nay sẽ rà soát xong cho đối tượng gần 300.000 cựu TNXP vẫn còn sống.

Theo số liệu sơ bộ, hiện trong số hơn nửa triệu TNXP tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, còn hơn 52.000 người không thể chứng minh từng là TNXP vì mất giấy tờ gốc, hơn 7.000 người chưa được công nhận thương binh, gần 11.000 người chưa được công nhận nhiễm chất độc màu da cam và 681 người chưa được công nhận là liệt sĩ.

Khi những chế độ chính sách của Nhà nước dành cho cựu TNXP vẫn còn nhiều bất cập, ngay cả những người được hưởng chính sách thì số tiền trợ cấp còn quá ít ỏi, thì vẫn cần lắm những tấm lòng của toàn xã hội hướng về những người đã là TNXP hào sảng một thời.

Vừa mới đây, theo lời phát động của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, toàn ngành đã quyên góp để hỗ trợ những hoàn cảnh cựu TNXP khó khăn nhằm tri ân phần lớn những TNXP thời ấy (khoảng 80%) tham gia vào ngành giao thông vận tải như làm đường, tải đạn, tiếp lương thực…

Trong lễ Tri ân và chia sẻ các cựu TNXP do Bộ Giao thông vận tải và Báo Nhân Dân tổ chức diễn ra đêm 15-7 tại trường quay S9, 70 cựu TNXP đại diện cho tổng số 2.000 người được nhận sổ tiết kiệm 5 triệu đồng/người và 200 người được nhận nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng/nhà sẽ có mặt để trực tiếp nhận món quà này từ Bộ trưởng.

Bà Lê Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội TNXP, Chủ tịch Hội đồng nữ TNXP cho biết, danh sách những người được nhận sổ tiết kiệm và nhà đợt này do các địa phương lựa chọn. Đó là những người không có nhà hoặc nhà ở dột nát, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn… Nhưng trên hết, họ phải là những cựu TNXP đã tham gia trong lực lượng giao thông vận tải một thời. Bà Thảo cho biết, nếu như chương trình “Dấu ấn tuổi xuân” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội cựu TNXP và nhà tài trợ chính là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trong suốt 5 năm qua đã tri ân những đối tượng là nữ cựu TNXP, thì lần tri ân này đối tượng được mở rộng sang cả nam giới.

Sự sẻ chia, chung tay của nhiều tầng lớp xã hội đối với những cựu TNXP năm xưa đã góp phần làm vợi bớt những nỗi mất mát, hy sinh của thế hệ thanh niên một thời và tiếp sức cho những đợi chờ của họ sẽ không mỏi mòn trong vô vọng nữa…

Ngay cả khi những phản ánh thành công trên công luận, thì thực tế vẫn khó có thể xoay chuyển cuộc sống của họ. Hai năm qua, những phận người đã là nhân vật một thời trên những trang báo vẫn đang lặng lẽ sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại của mình với những đợi chờ mong manh…

MINH – VÂN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP