Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Công ty Vinaco khai thác đất ngoài phạm vi được cấp phép và trong hành lang lưới điện 500KV

Mặc dù UBND xã Ngọc Sơn cắm biển báo cấm khai thác đất đá trong hành lang lưới điện 500KV, nhưng công ty Vinaco bất chấp nguy hiểm, vẫn khai thác đất tại mỏ đất Đại Thanh trong thời gian dài, với khối lượng lớn. Điều đáng nói là vị trí của mỏ sát ngay chân cột điện. Nguy cơ sạt lở, đổ gãy cột điện đang hiển hiện. Người dân nơi đây hết sức lo lắng khi tính mạng bị đe dọa từng ngày.

Bất chấp quy định khai thác dưới lưới điện 500kv và khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.

Nhiều chính sách để hạn chế tình trạng lũ quét và sạt lở đất

Tại các vùng núi của Việt Nam, lũ quét và sạt lở đất thường xuất hiện cùng lúc làm tăng mức độ nguy hại và đang có xu hướng gia tăng.

Để giảm thiểu rủi ro, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều Luật và chính sách, như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai...

Bên cạnh luật là các văn bản đi kèm. Ngày 18/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác Phòng, chống thiên tai trong đó có nhiệm vụ xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình.

Ngày 13/7/2018 Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Ngày 29/11/2018 Chính phủ ra Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai.

Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện một số giải pháp phòng, chống lũ quét và sạt lở đất như tăng cường hệ thống cảnh báo sớm; Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; Hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo cho các địa phương có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất; Tổng cục Phòng chống thiên tai đề xuất các chương trình, dự án phục vụ công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.

Mặc dù Nhà nước, các cơ quan chức năng nỗ lực hạn chế mức thấp nhất tình trạng lũ quét và sạt lở đất, nhưng vẫn có một số cá nhân, tổ chức bất chấp luật pháp, coi thường tính mạng người dân, khai thác đất đá khối lượng lớn, khiến người dân sinh sống gần đó hoang mang, lo lắng. Vấn đề này đang xảy ra tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người dân

Ngày 19/4/2019 UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1145/GP-UBND cho phép Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Vinaco khai thác đất san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đất khu vực đồi Động Đẻ, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà với diện tích khu vực khai thác là 0,5ha; độ sâu khai thác thấp nhất +40; trữ lượng địa chất 131,437m3; trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác 131,437m3; phương pháp khai thác lộ thiên; công suất khai thác 50.000m3 nguyên khai/năm; thời hạn khai thác là 03 năm.

Sau nhiều lần nhận phản ánh của nhân dân, ngày 20/11/2019 phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà đã phối hợp với hợp với UBND xã Ngọc Sơn tiến hành bắt quả tang, lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vinaco, có địa chỉ tại Trung tâm thể thao Phú Quang, tổ 8 phường Trần Phú, Tp Hà Tĩnh, đã có hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 10% hoặc đến dưới 0.1 ha. Theo đúng quy định, Công ty Vinaco đã khai thác ngoài ranh giới, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Mục b. Khoản 3, Điều 36, Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản.

Nhưng ngay sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Vinaco không chịu dừng khai thác mà còn tiếp tục hoạt động này ngoài lộ giới được cấp phép, Điều đáng quan ngại là Công ty này dám ngang nhiên khai thác một cách triệt để số lượng đất cực lớn dưới đường dây lưới điện 500KV, dẫn đến nguy cơ chập điện, phóng điện, sụt lún, đổ hàng lưới điện là rất cao, nhất là vào mùa mưa lũ, mặc cho UBND xã Ngọc Sơn đã có thông báo số 29/TB-UBND về việc cấm khai thác đất trái phép trên địa bàn xã Ngọc sơn và đã trực tiếp cắm biển cảnh báo ở khu vực khai thác của mỏ Đại Thanh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên (PV) tại khu vực khai thác, hàng ngày có hàng chục xe tải lớn vào mỏ lấy đất, các xe này được chủ mỏ xúc đổ đầy “có nóc” gây ra hiện tượng vừa đi vừa rải đất dọc tuyến đường, gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Các xe còn có dấu hiệu quá khổ, quá tải, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an toàn giao thông. Điều đáng nói, ngay tại nơi khai thác, việc tưới nước để giảm thiểu bụi, bùn đất không hề được thực hiện như đã cam kết trong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường như cam kết trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1145/GP-UBND đã quy định.

Hình ảnh mỏ đất Đại Thanh không thực hiện tưới nước để đảm bảo môi trường như đã cam kết.

Để có thông tin khách quan, PV Sức khỏe và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND xã Ngọc Sơn. Ông Nguyễn Quốc Quân, chủ tịch UBND xã cho biết: “Mỏ đất Đại Thanh đã nhiều lần bị xã lập biên bản đình chỉ và khẳng định, mỏ đất của Công ty xây dựng và thương mại Vinaco khai thác ngoài phạm vi cho phép và khai thác số lượng đất lớn dưới chân cột điện và dưới dòng lưới điện 500KV”. Ông Quân cho biết thêm, ở xã mới có biên bản đình chỉ khai thác chứ chưa có biên bản xử phạt vi phạm hành chính.

PV đã tìm đến công ty truyền tải điện Hà Tĩnh để có cái nhìn khách quan về vấn đề này và giải pháp của Công ty Truyền tải điện là đơn vị trực tiếp quản lý và bảo vệ hành lang lưới điện. Sau khi PV đặt lịch làm việc thì nhân viên khẳng định “lãnh đạo đang ở trên phòng”, nhưng khi nhân viên lên báo cáo thì lãnh đạo của đơn vị này đã cử người xuống thông báo đi vắng và từ chối làm việc với phóng viên.

Mỏ đất Đại Thanh bất chấp khai thác dưới đường dây điện 500kv, mất an toàn, nguy cơ sụt lún, gãy đổ.

Người dân xã Ngọc Sơn đang rất bức xúc, và đặt ra câu hỏi, không hiểu tại vì sao và có thế lực nào chống lưng mà công ty Vinaco đã bất chấp pháp luật, vì lợi nhuận khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, nhất là khai thác dưới chân cột điện và khai thác số lượng đất, đá lớn. Còn các đơn vị liên quan lại né tránh báo chí một cách “bất thường”. Phải chăng để xảy ra việc vi phạm này là do năng lực quản lý của địa phương chưa tốt hay là trong vấn đề này có “lợi ích nhóm” nên công ty xây dựng và thương mại Vinaco tự do tung hoành, muốn làm gì thì làm.

Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: ĐẶNG ĐỨC

Nguồn tin: suckhoemoitruong.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP