Đã áp dụng từ năm 2018
Quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi Tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 – 2021 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ký. Học sinh có điểm thi IELTS từ 6.5 trở lên được miễn tham dự kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh nhưng vẫn được công nhận là HSG. Cụ thể, có 6 học sinh đoạt giải Nhất môn Tiếng Anh cấp tỉnh với điểm IELTS 8.0, 20 em đạt 7.5 IELTS được trao giải Nhì, 44 em giải Ba với chứng chỉ IELTS đạt 6.5-7.0.
Năm học 2020 -2021, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã quyết định đặc cách công nhận HSG Tỉnh cho 70 học sinh đạt trên 6.5 điểm IELTS. |
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, chủ trương này đã được thực hiện từ năm 2018. Năm đầu tiên áp dụng chính sách này thì học sinh chỉ cần đạt 7.0 IELTS là đã được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh, nhưng năm nay, yêu cầu tăng lên mức 8.0 IELTS. Ngoài chứng chỉ IELTS, những học sinh có chứng chỉ TOEFL và một số chứng chỉ khác cũng được chấp nhận.
Chứng chỉ IELTS là một trong những bằng ngoại ngữ quốc tế có uy tín trên toàn cầu. IELTS được đánh giá là chứng chỉ Tiếng Anh có giá trị, phản ánh trình độ Tiếng Anh của thí sinh. Tuy nhiên, đối với quyết định lần này của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, nhiều cư dân mạng lập tức tỏ thái độ không đồng tình, trong đó bao gồm cả giáo viên và học sinh.
Bất cập về cấu trúc và mục tiêu đánh giá
Ngay khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều giáo viên và học sinh đã nêu rõ sự băn khoăn trước quyết định của Sở GDĐT Hà Tĩnh.
Thầy Hoàng Hải Long, giáo viên luyện thi IELTS nhiều năm tại Trung tâm luyện thi IELTS Panda bày tỏ quan điểm về vấn đề: "Bản thân là giáo viên luyện thi IELTS một thời gian khá dài, tôi có thể khẳng định rằng cấu trúc và kiến thức của đề thi IELTS khác hẳn với đề thi Học sinh giỏi tỉnh, không thể gộp chung vào như vậy. Không chỉ khác nhau về cấu trúc và kiến thức mà mục đích đánh giá cũng có nhiều sai khác. Học sinh ôn thi IELTS rất vất vả là điều không thể phủ nhận, nhưng không thể vì khuyến khích các em mà khiến các học sinh khác mất cơ hội".
Học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên đang giao tiếp với người nước ngoài trong một hoạt động ngoại khóa. |
Bạn Phạm Thành Vinh (học sinh lớp chuyên Tin trường THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng) đã trải qua đồng thời hai kỳ thi chia sẻ: "Em thấy quy định này không hợp lý. Em cũng có bằng IELTS và cũng từng tham gia kỳ thi HSG tỉnh môn Tiếng Anh rồi, em thấy cả dạng đề lẫn kiến thức áp dụng trong 2 kỳ thi không liên quan gì đến nhau. Các chủ đề trong bài thi IELTS thường mang tính học thuật và nhiều từ ngữ chuyên ngành hơn, còn bài thi HSG tỉnh thì ít nhiều vẫn liên quan đến kiến thức học trên nhà trường. Không phải ai có chứng chỉ IELTS 6.5 cũng đủ khả năng thi HSG môn Tiếng Anh. Hơn nữa quá trình cấp chứng chỉ IELTS cũng không tránh được những tiêu cực, như vậy rất không công bằng".
Cẩn thận sẽ đánh mất sự công bằng
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục của hệ thống Hocmai.vn cho rằng: "Tôi và hầu hết các giáo viên, học sinh đều không hề đồng tình chủ trương này của Hà Tĩnh. Việc quy đổi điểm IELTS sang Danh hiệu Học sinh Giỏi tỉnh là vô cùng bất bình đẳng trog quan điểm tiếp cận giáo dục. Nếu vội vàng áp dụng, không chừng đột phá sẽ trở thành bất cập".
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (ngoài cùng bên trái) trong một chương trình tọa đàm. |
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, có một số điểm rất đáng lưu ý trong quy định này.
Thứ nhất, chi phí học và thi IELTS là một chi phí không hề nhỏ với học sinh, phụ huynh. Đặc cách quy đổi IELTS thành danh hiệu HSG tỉnh vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục khi đặc quyền thuộc về những học sinh có hoàn cảnh tốt hơn.
Thứ hai, Tiếng Anh chỉ là một trong các lựa chọn môn Ngoại ngữ, vậy với các ngôn ngữ khác liệu Sở GD-ĐT Hà Tĩnh có các chính sách tương tự hay không. Không chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ khác về môn Toán, Hóa học, Sinh học… liệu có sơ sở đo lường để đưa ra các quy định tương đương.
Thứ ba, chúng ta thấy rằng đây là quy định riêng của Hà Tĩnh nhưng danh hiệu HSG tỉnh thì đã là quy chuẩn chung được áp dụng trên khắp cả nước. Ví dụ, các thành phố lớn như Hà Nội nếu lấy 6.5 điểm IELTS sẽ đạt HSG thành phố (tỉnh) thì con số này phải đến hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn. Trong khi đó, danh hiệu HSG tỉnh đang trở thành một trong những ưu tiên cho học sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy, sự mất cân bằng và công bằng là điều rõ thấy.
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cũng cho rằng khuyến khích học sinh học Tiếng Anh là một chủ trương cần ủng hộ nhưng gắn nó vào kỳ thi chung đã được chuẩn hóa trên khắp cả nước thì rõ ràng đó là một chủ trương bất cập. Nếu quy đổi điểm IELTS thành một giải thưởng, danh hiệu riêng của tỉnh thì không có gì phải bàn cãi.
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng đã lên tiếng xác nhận quy định này là để khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ, phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe, đọc, nói, viết chứ không chỉ biết về kiến thức được dạy trên trường. Tuy nhiên, nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh vẫn đang băn khoăn về tính hợp lý của quy định này. Đặc biệt, là các học sinh ở địa bàn các tỉnh khác có mức điểm IELTS tương đương.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo GĐ&XH