Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Có cần thiết phải đẩy 1.000 công nhân ra đường?

Trước thái độ quá cứng rắn của Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng về việc Công ty Thuỷ sản Nam Hà Tĩnh cho thuê đất trái phép, hàng nghìn cán bộ, công nhân viên Công ty NIBELC đang hoang mang, lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án Formosa.

Ai phải chịu trách nhiệm chính về sai phạm?Sai phạm trong vụ việc này đã rõ, song cần nhận thức rõ đối tượng phải chịu trách nhiệm chính về sự việc là ai?Trong Hợp đồng thuê mặt bằng số 9 ngày 6/9/2012, bên A (Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh) đồng ý cho bên B (Công ty NIBELC) thuê 6.288 m2 đất trong thời hạn 3 năm 6 tháng với mục đích “Để cải tạo, xây dựng mới làm khu nhà ở và làm việc cho công nhân, chuyên gia nước ngoài của Công ty NIBELC”. Hợp đồng qui định rõ trách nhiệm của bên A: “cam kết bảo đảm quyền sử dụng mặt bằng”; “Hoàn thiện xin cấp phép sửa chữa cải tại toàn bộ khu vực theo thiết kế của bên B cung cấp”. Điều khoản cuối cùng của bản hợp đồng ghi rõ, trong trường hợp xẩy ra tranh chấp không giải quyết được, thì sẽ nhờ toà án phân xử, và bên có lỗi phải chịu bồi thường.Như vậy, trong trường hợp này, là chủ thể được nhà nước cấp GCNQSD đất, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (SHATICO) phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sai mục đích. Theo qui định của pháp luật và các điều khoản của Hợp đồng thuê đất, đối tượng bị xử lí và phải chịu bồi thường toàn bộ thiệt hại trong trường hợp này là SHATICO. Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự việc ở góc độ khác. Như giải trình của SHATICO, diện tích đất nói trên được Nhà nước giao cho mục đích nuôi tôm, nhưng do quá trình làm ăn không hiệu quả do giá cả đầu vào quá cao, DN đã có công văn xin cho chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê mặt bằng để cải thiện thu nhập trong hoàn cảnh khó khăn, vì nếu đất để không như vậy cũng rất lãng phí.


Hợp đồng thuê mặt bằng số 9 ngày 6/9/2012, bên A (Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh) đồng ý cho bên B (Công ty NIBELC) thuê 6.288 m2 đất trong thời hạn 3 năm 6 tháng với mục đích “Để cải tạo, xây dựng mới làm khu nhà ở và làm việc cho công nhân, chuyên gia nước ngoài của Công ty NIBELC”.Cái sai của SHATICO là đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, tự ý cho thuê đất khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, hành vi này không gây huỷ hoại đất, không làm ô nhiễm môi trường hay các tác động tiêu cực khác. Thực ra, BQL KKT Vũng Áng đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc SHATICO xây dựng nhà tạm cho công nhân ở trên diện tích đất đó (cho dù là công nhân của công ty nào thì cũng chưa đúng với mục đích sử dụng đất). Tại Công văn số 208 ngày 5/4/2013 gửi SHATICO do Trưởng Ban quản lý KKT Vũng Áng Hồ Anh Tuấn kí nếu rõ: “Đồng ý chủ trương cho Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh xây dựng nhà tạm cho công nhân của Công ty ở như nội dung nêu trong công văn số 108/TTr/NHT ngày 18/3/2013”, và nêu rõ khu đất nói trên đã nằm trong qui hoạch Khu đô thị giáo dục chuyên nghiệp và Công nghệ cao của KKT đã được phê duyệt, vì vậy yêu cầu Công ty phải có bản cam kết tự tháo dỡ, không được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất và phải làm việc với Sở Xây dựng để được hướng dẫn về thủ tục xây dựng. Có cần thiết phải tìm mọi cách đẩy hơn 1.000 công nhân ra đường? Ngày 21/6/2013, tại cuộc họp bàn về sự việc, ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng ban quản lí Khu kinh tế Vũng Áng khẳng định: Việc SHATICO cho Công ty NIBELC thuê đất xây dựng nhà là sai phạm; việc Công ty NIBELC cho tiến hành xây dựng công trình trên phần đất đã thuê là hoàn toàn trái phép và vi phạm Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Xây dựng. Do vậy, Ban quản lí khu kinh tế sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng tiến hành di dời các khu nhà tạm mà công ty NIBELC xây dựng cùng cán bộ, công nhân đến một nơi ở mới. Ngoài ra, như kiến nghị của Công ty NIBELC, Ban Quản lý KKT Vũng Áng còn nêu rõ nếu doanh nghiệp không tự tháo dỡ công trình nhà tạm trước ngày 20/6/2013 sẽ tiến hành cắt điện, nước, viễn thông, cưỡng chế phá dỡ…Mặc dù Công ty NIBELC đã liên hệ với Công ty Hoành Sơn để đặt vấn đề thuê mặt bằng theo giới thiệu của BQL KTT Vũng Áng, nhưng cho đến nay, mặt bằng của Công ty Hoành Sơn chưa hoàn thiện, hạ tầng điện, nước, đường sá, viễn thông, xử lý chất thải chưa hoàn chỉnh, chưa thể dịch chuyển công nhân vào ở được.


Công văn số 208 ngày 5/4/2013 gửi Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh do Trưởng Ban quản lý KKT Vũng Áng Hồ Anh Tuấn kí nêu rõ: “Đồng ý chủ trương cho Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh xây dựng nhà tạm cho công nhân của Công ty ở như nội dung nêu trong công văn số 108/TTr/NHT ngày 18/3/2013”.Vì vậy, nếu cơ quan chức năng của Hà Tĩnh kiên quyết cưỡng chế để xử lí sai phạm, sẽ xẩy ra những thiệt hại kinh tế to lớn của hai Công ty, thậm chí có thể làm SHATICO phá sản, vì giá trị bồi thường thiệt hại quá lớn; mặt khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, công ăn việc làm của hơn 1.000 công nhân, trong đó có 500 công nhân là con em Hà Tĩnh, chủ yếu là địa bàn Kỳ Anh.“Bề ngoài là lí, song trong là tình” Trước hết, về mặt pháp lí, hành vi sử dụng đất sai mục đích là cần phải xử lí. Nhưng trong trường hợp này, hành vi đó không gây tổn hại về đất, không gây thiệt hại về kinh tế và các hậu quả khác, ngược lại còn tạo thu nhập cho doanh nghiệp, tránh lãng phí đất không sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khác kinh doanh, cho hàng nghìn công nhân có công ăn việc làm. Nhất là trong điều kiện KKT Vũng Áng chưa có mặt bằng cho thuê xây dựng nhà ở cho công nhân. Thứ hai, như công văn số 208 của BQL KKT Vũng Áng, khu đất hiện đang cho thuê tuy thuộc quyền sử dụng của SHATICO, nhưng đã nằm trong qui hoạch Khu đô thị giáo dục chuyên nghiệp và Công nghệ cao của KKT đã được phê duyệt. Hiện nay các dự án nói trên chưa triển khai. Thiết nghĩ, đến khi có quyết định thu hồi đất để triển khai các dự án hãy yêu cầu SHATICO tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng cũng chưa muộn (vì đây là công trình nhà tạm, dễ tháo dỡ). Vì vậy, việc cưỡng chế phá dỡ khu nhà ở của công nhân sẽ đẩy hai doanh nghiệp và hàng nghìn công nhân vào bước đường cùng nhưng cũng chỉ để giành lại một bãi đất trống “chờ” dự án! Thứ ba, trong trường hợp các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh kiên quyết xử lí sự việc đến cùng theo yêu cầu gắt gao của pháp lí, thì thiết nghĩ cũng nên có thời gian để hai doanh nghiệp thoả thuận, xử lí tranh chấp và đặc biệt là Công ty NIBELC tìm được vị trí khác và xây dựng xong nhà ở cho 1.000 công nhân, bảo đảm đời sống và công việc của họ không bị gián đoạn. Bởi vì công việc của họ liên quan đến hơn 1.000 “nồi cơm” của hàng ngàn gia đình.Đại thi hào Nguyễn Du có câu “Bề ngoài là lí song trong là tình”, cách ứng xử của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh trong trường hợp này thiết nghĩ cần có sự mềm dẻo, cân nhắc cẩn trọng về nhiều phương diện, không cần thiết quá cứng nhắc. Trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh, bên cạnh yêu cầu bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cần cân nhắc đến phương diện nhân văn, phương diện kinh tế xã hội và chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.

(Còn tiếp)
Quang Đại – Hà Vy

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP