Những ngày đầu tháng 5, các bãi tập kết cát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hầu như đều trong tình trạng hết hàng, đồng nghĩa với việc giá cát trong thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh bị đẩy lên cao.
Bãi tập kết cát doanh nghiệp tư nhân Công Tiến rộng hơn 1ha nhưng luôn trong tình trạng "trống không". |
Ông Phan Văn Nga, Giám đốc Công ty TNHH Nga Lan, xóm 5, thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi có quy định bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông trên địa bàn đều phải có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa thì mới được hoạt động tàu thuyền bốc dỡ hàng hóa, công ty do chưa được cấp phép nên không có thuyền vào neo đậu để cấp cát lên bãi tập kết. Hiện tại, bãi tập kết trữ lượng cát hầu như không còn.
"Chúng tôi cũng đã phản ánh nhiều đến các đơn vị liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Doanh nghiệp chỉ biết ngồi chờ", ông Nga nói.
Doanh nghiệp treo gầu múc cát đã nhiều tháng nay. |
Đồng quan điểm với ông Nga, ông Phạm Quang Tiến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Công Tiến, thôn Đông Xá, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ chia sẻ, sau khi tỉnh có chủ trương phải có bến thủy nội địa mới được phép các thuyền chở vật liệu về neo đậu cung cấp hàng hóa cho bãi tập kết, doanh nghiệp luôn chấp hành. Vậy nên, khoảng 5 tháng nay, bãi tập kết hầu như không có cát để bán.
Theo tìm hiểu được biết, hầu hết các bến bãi tập kết kinh doanh VLXD (chủ yếu là cát xây dựng) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Đức Thọ, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà... đều chưa được cấp phép xây dựng bến thủy nội địa để tàu, thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa. Điều này đồng nghĩa từ trước đến nay, việc cập bến để bốc dỡ hàng hóa của các phương tiện đường thủy tại bãi tập kết cát xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh đều vi phạm các quy định của pháp luật.
Bãi tập kết VLXD ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc cũng không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Ảnh VĐ |
Được biết, hiện nay trên toàn tỉnh Hà Tĩnh có 34 bến bãi tập kết kinh doanh VLXD trên địa bàn chưa được đưa vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Nếu tàu thuyền vào neo đậu bốc dỡ hàng hóa mà không có bến thủy nội địa thì chúng tôi bị phạt. Vấn đề này nếu kéo dài thì chúng tôi không thể kinh doanh buôn bán được", một doanh nghiệp thông tin.
Tỉnh Hà Tĩnh có hệ thống sông ngòi khá dày đặc. Việc quy hoạch và xây dựng các bến thủy nội địa sẽ cung cấp thêm hạ tầng giao thông đường thủy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đây cũng là cách để góp phần tháo gỡ nút thắt trong quản lý khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng hiện nay.
Bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng.
Tác giả: Hồ Thắng
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn