Toàn cảnh cuộc họp.
Theo đó, kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch… nhằm giảm dần việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch xây đất sét nung trong các công trình xây dựng.
Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế dần gạch xây đất sét nung nhằm giảm dần việc sử dụng đất sét từ đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng, góp phần bảo đảm, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp vật liệu xây, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Dự thảo kế hoạch đưa ra mục tiêu phát triển sản xuất VLXKN đảm bảo thay thế nguồn cung cho thị trường vật liệu xây đạt tỷ lệ 20-25% VLXKN vào năm 2017 và 30% – 40% VLXKN vào năm 2020 trong tổng số vật liệu xây sản xuất trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất gạch xây đất nung công nghệ lò đứng liên tục, sản xuất bằng công nghệ lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch… chấm dứt hoạt động sau năm 2017.
Đồng thời, từ năm 2016, không cho phép đầu tư sản xuất gạch xây đất nung bằng lò tuynel (trừ các lò tuynel sử dụng nguyên liệu đất sét đồi) trên địa bàn tỉnh. Các nhà máy sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò tuynel (trừ các lò tuynel sử dụng nguyên liệu đất sét đồi) nếu không có nguồn nguyên liệu đất sét được cấp có thẩm quyền cấp mỏ phải dừng hoạt động vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi họp, đa số các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch trên địa bàn tỉnh cho rằng dự thảo lộ trình chuyển đổi quá nhanh, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất gạch tuynel chưa kịp thu hồi vốn, chưa trả hết vốn vay nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Dương Đình Huân, Chủ tịch HĐQT Nhà máy gạch Hưng Bình, Hương Khê cho rằng: Khi doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án để đầu tư thì tất nhiên phải tự tìm nguồn nguyên liệu, dự thảo kế hoạch này gây ra tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp đang sản xuất gạch thủ công truyền thống.
Ông Dương Đình Huân, Chủ tịch HĐQT Nhà máy gạch Hưng Bình cho rằng dự thảo kế hoạch này quá gấp, gây tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh.
Trái với nhận định của ông Huân, ông Trần Nhiệm (Giám đốc Nhà máy gạch Phúc Trạch) lại bày tỏ tinh thần rất ủng hộ chủ trương đưa VLXKN thay thế gạch nung truyền thống nhưng đề xuất ý kiến tỉnh cần có lộ trình chuyển đổi phải hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.
Ông Trần Nhiệm, Giám đốc Nhà máy gạch Phúc Trạch.
Đồng quan điểm với ông Nhiệm, anh Thông, Nhà máy gạch Sông Đà 27 đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét điều chỉnh lộ trình chuyển đổi tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh theo đề án đã được phê duyệt để doanh nghiệp thu hồi vốn đầu tư.
Theo anh Long, Giám đốc Nhà máy gạch Cầu Họ, việc đầu tư mới dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, tinh giản lao động không phải là việc có thể làm được ngay nên đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc để điều chỉnh hợp lý
Anh Chung, Giám đốc nhà máy gạch Bình Hà bày tỏ quan điểm: Việc áp dụng cơ chế chính sách chuyển đổi đề nghị đưa cơ quan quản lý thuế vào để tính chi phí khấu hao định hướng cho doanh nghiệp chuyển đổi đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo mà không vi phạm pháp luật.
Anh Chung, Giám đốc Nhà máy gạch Bình Hà.
Anh Đường, Giám đốc Cty gạch không nung Hồng Lĩnh cho rằng hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp đều mới nghĩ đến quyền lợi của mình mà quên mất ưu điểm vượt trội của VLXKN. Dự thảo kế hoạch chuyển đổi là phù hợp chủ trương của Chính phủ và địa phương.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các doanh nghiệp có báo cáo về lộ trình hoạt động cụ thể gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phát biểu tại cuộc họp.
Đại diện UBND tỉnh nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ đưa ra đều có lộ trình cụ thể, đảm bảo logic để các doanh nghiệp tự thấy mô hình sản xuất kinh doanh của mình có phù hợp với cơ chế thị trường hay không để tự chuyển đổi phương thức đầu tư kinh doanh. Từ đó, đề nghị Sở xây dựng hoàn chỉnh dự thảo trên cơ sở đánh giá chi tiết hiện trạng các nhà máy sản xuất gạch truyền thống để đưa ra lộ trình chuyển đổi hợp lý, thực hiện đúng chủ trương nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Hậu Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp rất thực tế và có tinh thần xây dựng của đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạch trên địa bàn tỉnh. Ông Thành đề nghị các doanh nghiệp có báo cáo kế hoạch hoạt động của đơn vị gửi về Sở Xây dựng để làm căn cứ tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và lộ trình giảm dần sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.