Dù đã kết thúc tiêm phòng đợt 1 năm 2023 nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin cúm gia cầm tại các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đạt thấp. Ảnh: Thanh Nga. |
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30/4/2023 kết thúc thời hạn tiêm phòng đợt 1 năm 2023. Tuy nhiên, do sự thiếu quyết liệt của một số địa phương nên tỷ lệ tiêm các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt thấp.
Đơn cử, vắc xin viêm da nổi cục, thị xã Kỳ Anh mới chỉ đạt hơn 9%, huyện Kỳ Anh trên 16%, Nghi Xuân hơn 44%.
Vắc xin cúm gia cầm, huyện Vũ Quang chưa tổ chức tiêm, Kỳ Anh 1%, Nghi Xuân 3%, Can Lộc, Hương Sơn 6%, Đức Thọ 8%. Vắc xin dại chó, huyện Thạch Hà hơn 27%, Nghi Xuân hơn 45%…
Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao nên nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh thời gian tới trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Phòng Quản lý thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, hiện tại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại Hà Tĩnh cơ bản được kiểm soát nhưng ở các địa phương khác dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm… đang hoành hành, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trước những áp lực từ ngoại cảnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.
Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động giám sát các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật và tiếp tục xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, ngành chuyên môn đang chỉ đạo cơ sở tập trung tiêm phòng bổ sung vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên trâu, bò. Ảnh: Thanh Nga. |
Đặc biệt, rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng đợt 1. Trước mắt, tập trung tiêm vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò.
“Hiện chúng tôi đã cung ứng hơn 40.000 liều vắc xin lở mồm long móng và 30.000 liều vắc xin tụ huyết trùng cho các địa phương triển khai tiêm phòng bổ sung.
Kinh phí mua vắc xin lở mồm long móng trên trâu, bò do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, phải trải qua quá trình đấu thầu nên thời gian phân bổ, tổ chức tiêm phòng bổ sung muộn hơn so với kế hoạch”, ông Nam nói.
Theo ông, công tác tiêm phòng tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như: thời tiết nắng nóng, người dân đang tập trung cho sản xuất vụ hè thu nên việc tổ chức tiêm diện rộng gặp khó khăn, lực lượng thú y cơ sở hạn chế…
Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản đôn đốc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo xã, phường tiếp tục rà soát, tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng.
Trong đó, tập trung tiêm phòng các mũi vắc xin như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, cúm gia cầm và vắc xin dại chó.
Đồng thời, bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, giám sát tại cấp cơ sở để kịp thời hướng dẫn, bổ cứu các nội dung liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật tiêm phòng.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp