Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Chủ đầu tư “khất” – người lao động điêu đứng

Mặc dù việc thi công phần móng cho Doanh nghiệp khám chữa bệnh (DN KCB) tư nhân An Hòa Phát hoàn thành từ năm 2008 nhưng đã 5 năm trôi qua, anh Hoàng Văn Hậu (Đội trưởng Đội thi công công trình) vẫn chưa nhận được số tiền thỏa đáng. Sau nhiều lần “đòi nợ” không thành, gia đình anh Hậu “vác” chồng đơn kêu cứu khắp nơi.

Đơn phương sửa chữa hợp đồng…

Ngày 16/1/2008, anh Hoàng Văn Hậu (trú tại xóm 2, xã Thạch Bàn, Thạch Hà) và ông Tạ Quang Hùng (Giám đốc DN KCB tư nhân An Hòa Phát) ký hợp đồng thi công phần móng công trình bệnh viện do ông Hùng làm chủ đầu tư với tổng số tiền 416.487.000 đồng. Đến ngày 4/5/2008, theo đúng hợp đồng đã ký kết, phía anh Hậu hoàn thành công việc. Sau đó, hai bên tiến hành nghiệm thu khối lượng công việc đã làm, bao gồm: khối lượng đào đất móng trụ, cột 2.828,9m3; đổ bê tông dầm, giằng 247,9m3.

Tuy nhiên, khi thanh lý hợp đồng, ông Tạ Quang Hùng đơn phương tách khối lượng đào đất 2.829,9m3 thành 2 công đoạn là đào bằng máy 2/3 = 1.885,93m3, đào bằng tay 1/3 = 942,97m3 và áp giá máy, giá nhân công để thanh toán. 247,9m3 bê tông giằng cũng được ông Hùng tách ra và áp giá theo ý của mình. Việc làm này khiến anh Hậu bị thiệt hại 130.483.567 đồng.

Chủ đầu tư “khất” - người lao động điêu đứng
Doanh nghiệp KCB tư nhân An Hòa Phát (nay đã bán lại cho Bệnh viện Mắt Sài Gòn) nơi diễn ra việc tranh chấp xây dựng giữa anh Hoàng Văn Hậu và ông Tạ Quang Hùng.

Qua nhiều lần đòi lại số tiền như đã cam kết mà không được, quá bế tắc, anh Hoàng Văn Hậu gửi đơn kiện ông Tạ Quang Hùng lên TAND thành phố Hà Tĩnh. Trong khối lượng 50 hạng mục công trình thi công theo hợp đồng có giá trị 416.487.000 đồng, anh Hậu đã được ứng 292.300.000 đồng. Còn lại 124.187.000 đồng, tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông Hùng phải có trách nhiệm thanh toán cho anh Hậu.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Hùng kháng cáo với lý do DN chỉ phải trả cho anh Hậu số tiền 312.489.491 đồng.

Ngày 16/11/2010, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã xác định trong hợp đồng ký kết giữa bên A (ông Hùng) và B (anh Hậu) không quy định rõ những phần công việc bên B phải thi công bằng máy và thi công bằng thủ công. Do đã tổ chức thi công bằng thủ công nên việc bên B áp giá theo dự toán được duyệt, nhân với khối lượng công việc đã thực hiện là phù hợp với hợp đồng. Đồng thời, bộ giá của UBND tỉnh không có quy định 2/3 đào bằng máy, 1/3 đào bằng thủ công.

Bởi những lẽ trên, tòa án cấp phúc thẩm quyết định y án sơ thẩm. Ngày 19/8/2011, Chi cục Thi hành án thành phố gửi thông báo về việc thi hành án đối với ông Tạ Quang Hùng. Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo, nếu ông Hùng không chịu thi hành, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo luật định. Thế nhưng, đã hơn 2 năm, anh Hậu vẫn chưa nhận lại được số tiền thù lao bằng mồ hôi, nước mắt của người lao động.

… “Chật vật” thi hành án

Trong khi việc tranh chấp xây dựng với anh Hậu vẫn đang “rối như tơ vò”, năm 2010, ông Tạ Quang Hùng bị tai nạn, mất 85% sức khỏe. Lý giải cho việc không thanh toán tiền công lao động, ông Hùng nêu lý do: “TAND xét xử không công bằng. Tuy nhiên, một phần lỗi là do tôi thiếu chặt chẽ khi làm hợp đồng”. Cũng theo lời ông Tạ Quang Hùng, do bản thân tàn tật, hơn nữa, hoạt động của DN không hiệu quả nên ông quyết định bán DN cho Bệnh viện Mắt Sài Gòn với số tiền 27,5 tỷ đồng. “Đến nay, họ vẫn còn nợ tôi hơn 5,5 tỷ đồng chưa thanh toán” – ông Tạ Quang Hùng nói thêm. Tuy vậy, nhưng ngày 19/4/2012, bà Nguyễn Thị Kim Hoa (vợ ông Hùng) đã viết đơn cam kết sẽ trả món nợ sau khi Bệnh viện Mắt trả hết số tiền còn lại. Lá đơn này được gửi tới Chi cục Thi hành án thành phố xin kéo dài thời gian và chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế do hoàn cảnh gia đình ông Tạ Quang Hùng hiện rất khó khăn.

Về phía anh Hoàng Văn Hậu, sau nhiều lần đợi chờ trong vô vọng, gia đình phải vay mượn họ hàng để anh Hậu đi xuất khẩu lao động sang

Angola từ tháng 10/2012. Chị Lưu Thị Chiến (vợ anh Hậu) mắt ngấn nước: “Vì ông Hùng không chịu thanh toán tiền nên vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi để trả cho nhân công trong đội. Một số người thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên đang cho khất”. Anh Hậu nhận công trình từ năm 2004 đến nay, nhưng theo người vợ thì “Trước đây, toàn hợp đồng bằng miệng nhưng chủ đầu tư đều thanh toán đầy đủ. Lần này, hợp đồng bằng văn bản có ký kết, thỏa thuận hẳn hoi thì họ lại khiến gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Chị Chiến không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập của 2 vợ chồng hết sức bấp bênh. Do nghề làm muối chỉ “sống” được một mùa nên thời gian còn lại, từ đi xe ba gác đến làm phụ hồ, người phụ nữ này đều đảm nhận. Mọi chi phí, sinh hoạt của 8 người trong gia đình (4 con nhỏ và bố mẹ già) chỉ biết dựa vào đồng tiền làm ra ít ỏi của anh chị. Dù rất chịu khó làm ăn nhưng cái khó vẫn cứ đeo bám dai dẳng. Quá vất vả trước gánh nặng mưu sinh, vợ chồng người lao động nghèo “đánh liều” vay mượn 6.000 USD cho anh Hậu xuất ngoại để trang trải dần.

Tuyệt vọng vì phải trông chờ vào sự tự nguyện của ông Tạ Quang Hùng, gia đình anh Hậu đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án thành phố thì toàn bộ tài sản của vợ chồng ông Tạ Quang Hùng bao gồm đất ở và nhà 3 tầng tại địa chỉ số 80, đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cùng DN KCB tư nhân An Hòa Phát đã được dùng thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank). Vì vậy, việc cưỡng chế để thi hành án đối với ông Hùng hiện rất khó thực hiện.

Lời “khất” nợ của chủ đầu tư đã kéo theo bao nhiêu người lao động điêu đứng. Với tình cảnh ngặt nghèo như hiện nay, khi phía ông Hùng cũng đã “sức cùng lực kiệt”, anh Hoàng Văn Hậu đang phải ngày ngày “gồng” mình làm việc nơi đất khách quê người để trả nợ. Hai bên đã lâm vào đường cùng, chưa ai có thể đoán trước cuộc “tranh giành” này đến bao giờ mới kết thúc.

Thùy Dương (Nguồn Baohatinh.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP