Nhằm kiểm tra tình hình sử dụng sai ngân sách giáo dục, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc.

Theo ông Đoàn Đình Anh- Trưởng ban Văn hóa, Giáo dục Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh,  đầu năm học 2015-2016, trước những dự luận “ồn ào” về công tác thu chi tại các cơ sở giáo dục, Ban Văn hóa –Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 419/HĐND ngày 21/9/2015 gửi Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đề nghị phối hợp cung cấp thông tin đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

hatinh24h
Đến ngày 19/10, đã có 9/13 huyện thị gửi Báo cáo về Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thông tin về việc sử dụng ngân sách và tình trạng thu chi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn

Đến 17h ngày 19/10, đã có 9/13 huyện thị gửi báo cáo giải trình. Còn 4 huyện thị chưa gửi là Hương Sơn, Hương Khê, Thị xã Kỳ Anh và Lộc Hà (riêng Lộc Hà chỉ mới gửi văn bản báo cáo giải trình số 166/BC-UBND ngày 30/9/2015 “về việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh tại trường tiểu học Thụ Lộc, xã Phù Lưu, Lộc Hà” )

Các văn bản báo cáo của 9 huyện thị đã thấy được những ưu điểm cũng như nhược điểm khi thực hiện Hướng dẫn liên ngành 1702. Ông Phạm Văn Thắng- Phó chủ tịch HĐND huyện Cẩm Xuyên thẳng thắn: “Việc thực hiện quy trình huy động ở một số trường còn mang tính hình thức, việc khảo sát lập kế hoạch không sát thực tế, xây dựng định mức thu cao hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư nâng cấp sửa chữa….

Khi tổ chức thu các trường không viết biên lai thu tiền từ học sinh hay phụ huynh. Việc quản lý, sử dụng quỹ khuyến học, quỹ đoàn, đội, quỹ Chữ thập đỏ, quỹ lớp, hội cha mẹ HS thiếu chặt chẽ, chưa công khai minh bạch”.

Thu thập, khảo sát việc thu chi phát hiện nhiều sai phạm

Theo kế hoạch của Ban Văn hóa-Xã hội thì sau gửi công văn phối hợp cung cấp thông tin, dự kiến Ban sẽ tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia làm việc với một số Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện.

Để nắm kỹ hơn những thông tin phục vụ buổi làm việc, trong tháng 10/2015, Ban đã cử phòng chuyên môn đến khảo sát tình hình thực hiện các khoản thu tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Đức Thọ, Lộc Hà…

Kết quả khảo sát và nắm tình hình ở cơ sở, bước đầu cho thấy phần kinh phí xin hỗ trợ xây mới, tu sửa, mua sắm cơ sở vật chất không gây nên “bức xúc” trong dư luận;

Còn những khoản thu thỏa thuận (tiền mua sắm chăn, giường chiếu, tiền ăn bán trú…) hoặc thu hộ (như bảo hiểm xã hội, quỹ đoàn, đội, quỹ phụ huynh học sinh, quỹ lớp…) lộn xộn, không thống nhất, mỗi cơ sở giáo dục do hoàn cảnh riêng nên cách huy động, mức thu, cách thu và chi không thống nhất, một số cơ sở tùy tiện.

Và những ý kiến bức xúc của phụ huynh học sinh làm “nóng” dư luận cũng ở khoản thu thỏa thuận này.

Nhiều trường tại Hà Tĩnh đã buộc phải trả lại các khoản thu thỏa thuận, bất hợp lý như  tiểu học Cẩm Hà, Cẩm Xuyên;  THCS Đậu Liêu, Tiểu học Cẩm Trung, nhà trường đã hoàn trả hơn 4 triệu đồng/ 1 phụ huynh…

Qua kết quả hai lần giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, một phần của nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nóng” chuyện thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn đó là việc các địa phương chưa đảm bảo đúng định mức chi hoạt động sự nghiệp (hay còn gọi là chi khác) được quy định tại Nghị quyết 136/2010/NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về “Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; Tỷ lệ phần trăm(%) phân chia giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011-2015; Định mức phân bố chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011”

Hiện tại định mức chi hoạt động sự nghiệp tại các cơ sở giáo dục chỉ dao động từ 6% đến 15% khiến cho các trường vô cùng khó khăn trong tổ chức hoạt động dạy và học.

Hy vọng, Hà Tĩnh giải quyết được khúc mắc thực sự của việc sử dụng sai ngân sách chi cho giáo dục để hạn chế vấn đề tiền trường vốn luôn nóng vào đầu năm.

Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ/ Infonet.vn