Đền ơn - Đáp nghĩa

Hà Tĩnh: Chết 5 năm vẫn chưa được hưởng chế độ mai táng

Hà Tĩnh có hơn 1.000 người chưa được hưởng các chế độ người có công, bị kìm hãm nhiều năm nay vì sai tên, lệch họ. Riêng huyện Thạch Hà có hơn 750 người đang ngóng chờ hưởng chế độ. Có cụ chết 5 năm vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp tuất. Cụ Trần Thị Hai (Nguyễn Đang Nhâm – Nguyễn Thị Nhâm), xóm Thống Nhất, xã Phù Việt được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, qua đời năm 2009. Ngày 10/02/2011, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh “chỉnh lí” giấy chứng nhận mang tên (ông Nguyễn Đăng Nhâm, bà Trần Thị Hai). Đáng buồn, suốt 5 năm cán bộ xã Phù Việt và gia đình cụ ôm hồ sơ trong tuyệt vọng, bởi sự thách đố của cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh: “Phải có giấy Huy chương Nhà nước cấp mang tên bà Trần Thị Hai…”.

hatinh24h

Ông Nguyễn Văn Phúc, ở phường Tân Giang, cháu ruột cụ Trần Thị Hai (Nguyễn Thị Nhâm) tâm sự: Tôi bận công việc nên ít về, nhờ cán bộ xã trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH hỏi, họ bảo phải có Bằng Tổ quốc ghi công (Huy chương Kháng chiến) Nhà nước cấp mang tên cụ Trần Thị Hai mới làm được hồ sơ hưởng mai táng phí. Nhận ít triệu bạc bắt giấy này, hồ sơ nọ, quan liêu cửa quyền, người đã chết rồi còn bảo ra Hà Nội xin lại giấy, không khác gì thách đố nhau. Gia đình nghèo khó, ở nông thôn, gạo chưa đủ ăn lấy đâu kinh phí đi lại, ăn? Cụ Nhâm (Hai) mất 5 năm rồi, tiền nợ ngân hàng chưa trả hết. Ma bắt, quỷ còn hành, tội lắm.

Ông Hà Huy Sơn, cán bộ chuyên trách Người có công, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: Vấn đề sai tên lệch họ Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh đã tích cực cấp lại giấy chứng nhận có ghi rõ họ, tên, địa chỉ, Huân, Huy chương Kháng chiến của Chủ tịch nước cấp… Năm 2011, Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết 705 trường hợp hưởng chế độ 1 triệu đồng… Qua điện thoại ông Nguyễn Trọng Thành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà nói: Hiện nay đã thống kê hơn 750 người trước đây làm sai họ tên, vướng mắc một số nghị định, thông tư, Sở không làm cho. Tôi đã làm việc nhiều cuộc với Sở LĐ-TB&XH rồi, nhưng vẫn chưa làm được. Vừa rồi Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh có cấp lại giấy chứng nhận nhưng không đúng với hướng dẫn, Bộ không chấp thuận.

Ông Võ Xuân Linh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời ấp úng: Sau khi sự việc xảy ra, Ban Thi đua Khen thưởng có hướng dẫn xử lí sự việc này, cơ bản ở huyện Thạch Hà có bảy trăm linh mấy người. Cái này phải làm theo tuần tự quy định pháp luật, nắm thông tin dưới dân, họp xóm, thanh tra, xử lí… nếu làm không đúng sẽ gặp bao nhiêu việc rắc rối xảy ra. Phần lớn là thật, biết đâu có người lợi dụng lấy tên cha mẹ hưởng lần nữa. Hiện nay tôi đang xin hướng xử lí.

Trong căn phòng rộng mở, ông Nguyễn Văn Phúc bước thấp, bước cao miệt mài lao động, góp phần xây dựng Tổ quốc tươi đẹp, chưa vơi uất hận, ngước gọi: “Đông ơi, mày giúp cụ Nhâm với, chết 5 năm rồi vẫn không hưởng được mai táng phí…” còn vọng trong tâm can nghe chua chát. Họ không thương xót những con người quê nghèo nhưng trước đây, “xe chưa qua nhà không tiếc”. Những con người ấy, khi trút hơi thở cuối cùng vẫn không vui trong giấc ngủ ngàn thu ở cõi vĩnh hằng.

Không riêng cụ Trần Thị Hai, xóm Thống Nhất, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, sau 5 năm rời xa trần tục, mà còn hơn 1.000 trường hợp sai tên lệch họ chưa được hưởng chế độ, cán bộ Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Hà Tĩnh vẫn trả lời “đang xin hướng xử lí”? Mong các cấp, ngành liên quan vào cuộc sớm, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật, tạo niềm tin, động lực thúc đẩy thế hệ trẻ có ý chí chiến đấu, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Bài và ảnh Trần Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP