Cảnh ngộ bất hạnh
Nơi vùng quê nghèo xóm Chấn Thành, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ai cũng mến thương, khâm phục ý chí vươn lên từ nỗi bất hạnh của em Nguyễn Quang Hải (SN 1999, học sinh 11A11, Trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi – huyện Lộc Hà). Hải là một điểm sáng cho các bạn trang lứa học tập, là niềm mến phục của thầy cô, bà con lối xóm, và hơn hết là chỗ dựa cho người bà ngoại nghèo.
Khi bà Nguyễn Thị Tân (SN 1943, bà ngoại, cũng là người đỡ đầu, chăm nuôi em Hải từ những ngày mới lọt lòng mẹ) đưa cuốn sổ hộ khẩu gia đình, trong số chỉ có tên hai bà cháu khiến chúng tôi phải xót xa. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt già nua, nhăn nhó của bà Tân khi kể về đứa cháu tội nghiệp. Mẹ Hải cũng là một phụ nữ bất hạnh, ngay từ nhỏ đã có những biểu hiện khác thường, thường hay bỏ đi lang thang đầu làng, cuối xóm. Lớn lên mẹ Hải có biểu hiện của chứng bệnh thần kinh. Sống lang thang rồi người phụ nữ ấy mang thai và sinh ra cậu bé Hải.
17 năm nay, Hải sống với bà ngoại trong căn nhà xập xệ, xuống cấp.
Bà Tân kể, ngay từ những ngày mới sinh ra, Hải nhiều lần tưởng không qua khỏi vì quá ốm yếu, thiếu hơi ấm chăm sóc của cha mẹ. Bất hạnh hơn, lúc Hải vừa chập chững bước đi, mẹ bé đột nhiên biến mất không rõ lí do. Người thân, xóm làng đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay mẹ Hải vẫn bặt vô âm tín mười mấy năm nay.
Không bố, không mẹ, Hải lớn lên trong vòng tay của bà ngoại khốn khó. Bà góa, cháu thơ chỉ có hai sào ruộng là gia tài lớn nhất, sống cảnh bữa đói, bữa no. Từ tuổi thơ cho đến bây giờ, Hải không nhớ nổi số lần hai bà cháu chịu đói, bởi cảnh bà cháu thiếu đói, thiếu thốn đủ thứ quá quen thuộc với em.
Thương hoàn cảnh của hai bà cháu, nhiều người trong xóm luôn yêu thương đùm bọc, san sẻ bó rau, con cá. Cũng vì tình thương, lo sợ người phụ nữ bất hạnh khó nuôi được bé Hải lớn khôn nên nhiều người khuyên bà gửi Hải vào trại trẻ mồ côi. Rồi có lần Hải được một người tốt từ Nghệ An vào xin bà Tân nhận cháu về nuôi, hứa sẽ đảm bảo cuộc sống no đủ cho cháu. Nhưng Hải nhất quyết không đi.
“Cháu nó nói với tui, cháu đi rồi bà ở với ai, bà ốm ai chăm sóc. Rồi nhỡ bà chết trong nhà liệu ai biết. Cháu đã không có bố mẹ rồi, cháu chỉ muốn ở với bà thôi” – bà Tân nhìn đứa cháu ngoan hiền ngậm ngùi kể.
Không nỡ xa bà, Hải thường tranh thủ ra đồng bắt ốc, bắt cua để bà ra chợ bán đổi lấy thức ăn, phụ giúp bà thêm nhiều việc trong nhà. Bà cháu cứ thế sớm tối có nhau.
Thành tích học tập của cậu bé côi cút
Từ nhỏ cho đến lớn em sống thiếu thốn tình cảm, hơi ấm của cha mẹ, cuộc sống lại cơ cực, nhưng Hải rất ngoan, sớm tự lập lại có ý chí vượt khó. Những người mà hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với Hải chưa bao giờ phàn nàn về em.
Ngay từ khi đi học cấp một, Hải đã sớm bộc lộ tính thông minh, hiếu học. Những năm lớp 1, 2, 3, em rất chăm chỉ và tiếp thu bài rất tốt, đạt kết quả rất cao trong quá trình học tập, thầy cô và bạn bè rất quý em. Dù vậy, quá túng quẫn nên bà Tân có ý định cho Hải nghỉ học khi em mới học hết lớp ba. May thay, thương cậu bé côi cút hiếu học nên thầy cô và nhà trường động viên bà cho cháu tiếp tục đi học.
Không phụ công bà, thầy cô, cuối cấp tiểu học em đã kết quả cao với nỗ lực xứng đáng của mình. Hải đã khiến nhà trường, thầy cô, các bạn, chính quyền địa phương khâm phục, tuyên dương với kỳ tích đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đấy cũng là động lực để cậu bé cố gắng tiếp tục con đường học tập đầy khó khăn của mình.
Suốt những năm học sau đó Hải luôn được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, là học sinh giỏi huyện. Trong cảnh nhà neo người, lụp xụp không có một tài sản gì đáng giá cả, thậm chí khi chúng tôi đến cái ghế trong nhà cũng không có ngồi, em Hải phải tận dụng chỗ giường để ngủ làm ghế để ngồi học. Những tấm giấy khen treo ngay ngắn trên trường nhà có lẽ là gia tài quý lớn của hai bà cháu.
Cô Nguyễn Thị Nhung – giáo viên chủ nhiệm 11A11, người dìu dắt Hải hai năm qua nói về cậu học trò cưng của mình: “Quang Hải hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, thiếu cha mẹ, ở với bà ngoại hoàn cảnh khốn khó, sớm chịu nhiều thiệt thòi. Em là một học sinh ngoan, tự tin, hòa đồng, bản lĩnh, được các thầy cô giáo nhận xét là có tố chất, thông minh. Ở trường, em được thầy cô, bạn bè rất yêu quý…”.
17 tuổi, Hải khá nhỏ so với bạn bè trang lứa cũng do vì cuộc sống quá kham khổ từ nhỏ, cộng thêm chứng bệnh tim tiền sử hành hạ khi trái gió trở trời. Chia sẻ ước mơ của mình, Hải tâm sự: “Ước mơ của em là thi vào trường quân sự, vừa đỡ tiền học phí, ra trường có việc làm đỡ đần cho bà ngoại. Nhưng ước mơ ấy em biết không bao giờ trở thành sự thật vì ngoại hình, tiền sử bệnh tật của em không đủ tiêu chuẩn. Bởi vậy em sẽ quyết tâm thi vào ngành kinh tế”.
Chia tay Hải, chúng tôi tin, dẫu con đường để em đi đến với những mục tiêu, dự định phía trước còn quá nhiều chông gai, nhưng với nghị lực vượt lên số phận, Hải sẽ không phụ lòng người bà kính yêu, các thầy cô, bạn bè dìu dắt, hỗ trợ em những năm tháng đã qua.
Hà Phương / Dân Trí