Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cam rụng hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế

Hiện nay, người trồng cam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hết sức lo lắng bởi cam rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Mặc dù là cây trồng chủ lực, nhưng các giải pháp chăm sóc, bảo vệ, cứu quả cam gần như chưa mang lại hiệu quả.

Ông Trần Thắng ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang buồn bã vì cam rụng quả hàng loạt

Nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam, nhưng năm nay gia đình ông Trần Thắng ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang rất buồn bã, bởi toàn bộ diện tích cam chanh, cam bù quả rụng hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại hầu hết các gốc cam, quả rụng xuống la liệt, thối rữa khắp nơi, buộc ông Thắng phải thu gom đem đi đổ, phòng ngừa sâu bệnh sau này.

Cây cam là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Thắng, nhưng năm nay cam rụng quả rất nhiều, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng

“Bình quân mỗi năm, vườn cam 900 cây cho thu hoạch ít nhất từ 4-5 tấn quả, nhưng năm nay quả cam rụng khoảng 70%. Nguyên nhân có thể là do nắng nóng gay gắt kéo dài, sau đó gặp mưa lớn và côn trùng gây hại khiến cho quả cam bị rụng hàng loạt, thiệt hại hàng chục triệu đồng”, ông Trần Thắng cho biết.

Với tiềm năng, lợi thế đất đai, những năm qua tại các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc…phong trào trồng cam liên tục phát triển. Nghề trồng cam vừa mang lại hiệu quả kinh tế gia đình vừa góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện tượng cam rụng quả hàng loạt đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, gây tâm lý ngại đầu tư sản xuất ở những vựa cam trọng điểm.

Hầu hết cam bị rụng đều có dấu côn trùng chích hút

“Nắng hạn, sau đó mưa nhiều, độ ẩm cao khiến cho quả cam bị rụng với tỷ lệ rất lớn. Địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ, nhất là đào rãnh thoát nước, phun thuốc phòng trừ nấm, côn trùng gây hại. Giải pháp tốt nhất hiện nay đó là dùng bao bọc quả, nhưng với những diện tích lớn việc bọc quả mất nhiều thời gian, do vậy cam năm nay rụng quả nhiều hơn”, ông Nguyễn Xuân Thê- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh phân tích.

Theo thống kê tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 7.700 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 2.000 ha. Cây cam được cho là cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Qủa cam bị rụng la liệt khắp các vườn đồi, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với người dân

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho biết, hiện nay cam trên địa bàn tỷ lệ rụng quả rất nhiều. Nguyên nhân là do qua một thời gian nắng hạn gay gắt sau đó mưa to, cây cam bị úng nước; ngoài ra mưa ẩm có một số nấm bệnh phát sinh, quả cam sắp chín có vị ngọt, mùi thơm nên bị côn trùng (bướm lâm nghiệp) chích hút, gây rụng quả.

“Ngành bảo vệ thực vật đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng lưới và bao bọc quả cam phòng ngừa sâu bệnh, côn trùng gây hại. Tiếp tục đào rãnh tiêu úng, thoát nước và thu hoạch những diện tích cam đã chín, đảm bảo hiệu quả kinh tế”, ông Nguyễn Trí Hà cho biết.

Những vườn cam bao bọc quả sẽ phòng ngừa côn trùng gây hại và hạn chế hiện tượng rụng quả hàng loạt

Mùa thu hoạch cam ở Hà Tĩnh đã bắt đầu, nhưng hiện tượng cam rụng quả hàng loạt gây lo lắng cho người dân và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Hy vọng với kinh nghiệm và các biện pháp kỹ thuật được thực hiện đồng bộ, kịp thời sẽ góp phần cứu lấy quả cam, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Tác giả: Văn Chương

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

  Từ khóa: Cam rụng , Hà Tĩnh , trồng cam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP